Các ngành XK (B4): Nâng chất gạo Việt Nam

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng như nhiều DN đều cho rằng 2013 sẽ là một năm đầy thách thức với xuất khẩu gạo Việt Nam. Tuy nhiên, GS. Võ Tòng Xuân lại khẳng định khó khăn sẽ vơi bớt nếu DN chịu khó “chào hàng”.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng như nhiều DN đều cho rằng 2013 sẽ là một năm đầy thách thức với xuất khẩu gạo Việt Nam. Tuy nhiên, GS. Võ Tòng Xuân lại khẳng định khó khăn sẽ vơi bớt nếu DN chịu khó “chào hàng”.

Cửa ngày càng hẹp

Theo thông tin từ VFA, trong năm 2013 những bạn hàng quen thuộc của Việt Nam đưa ra dự báo giảm lượng gạo nhập khẩu. Theo đó, Indonesia dự kiến sẽ không nhập gạo do tồn kho năm 2012 đạt kỷ lục và năm nay dự kiến sản lượng gạo tăng 6% so với mục tiêu đề ra.

Indonesia vốn là một trong những nước nhập khẩu gạo hàng đầu thế giới, nhưng ngay trong năm 2012 nước này đã giảm mạnh việc nhập khẩu.

Cần lấy lại niềm tin cho DNNVV. Ảnh: CAO THĂNG
Cần lấy lại niềm tin cho DNNVV. Ảnh: CAO THĂNG

Kế đến là Philippines, chính phủ nước này vẫn chưa đưa ra quyết định nhập khẩu gạo. Song song với việc nhu cầu đang sụt giảm, việc phải cạnh tranh với các đối thủ như Thái Lan, Ấn Độ và gần đây là Myanmar, Pakistan… cũng khiến ngành xuất khẩu gạo Việt Nam thêm mệt mỏi.

Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, cảnh báo: “Năm 2013 sẽ là một năm khó khăn với xuất khẩu gạo khi cung đang vượt cầu và giá có khả năng sẽ giảm so với cuối năm 2012”. Đó cũng là một trong những lý do năm nay dự kiến lượng gạo xuất khẩu sẽ chỉ 7,5-7,6 triệu tấn, thấp hơn so với năm 2012.

Tuy nhiên, theo GS. Võ Tòng Xuân, việc Indonesia hay Philippines dự kiến giảm lượng gạo nhập khẩu chưa phải là điều quá lo lắng. Vì thế giới vẫn còn thiếu gạo, Việt Nam vẫn còn nhiều thị trường khác, chẳng hạn khu vực châu Phi (hiện đang chiếm khoảng 20-23% tổng lượng xuất khẩu của Việt Nam).

Và sản xuất gạo phụ thuộc khá nhiều vào thời tiết nên chưa thể “thấy tương lai một cách chắc chắn”. Nhưng cái đáng lưu ý là việc cạnh tranh giảm giá đang khiến gạo Việt Nam vốn chưa gầy dựng được thương hiệu lại càng dễ mất uy tín.

Hiện nay, khi vào thị trường Trung Quốc, một trong những nhà nhập khẩu lớn và tiềm năng của Việt Nam, không ít DN phải hạ giá bán để cạnh tranh với gạo đến từ Myanmar và Pakistan. Tương tự, việc cạnh tranh hạ giá với gạo Ấn Độ cũng đang khiến chúng ta bỏ quên hành trình gây dựng thương hiệu cho gạo Việt Nam.

Và điều này sẽ gây khó cho gạo Việt khi tìm đến các thị trường khó tính nhưng tiềm năng như Nhật Bản. Theo chia sẻ của một số DN, nếu đáp ứng tốt những tiêu chuẩn của Nhật Bản, gạo xuất khẩu sẽ có mức giá khá.

Trước những khó khăn của ngành gạo trong năm 2013, một số chuyên gia cho rằng một phần nguyên nhân chính do DN “lười” đi chào hàng, chỉ ở một chỗ và chờ đơn hàng từ những khách hàng quen.

Việc chào hàng là hết sức quan trọng vì nó không chỉ giải quyết những khó khăn trước mắt mà còn là chiến lược lâu dài cho ngành gạo Việt Nam. Nhưng việc chào hàng và tìm kiếm thị trường mới với ngành gạo có vẻ không đơn giản.

Cần tạo dựng thương hiệu

Một nguyên tắc đơn giản được nhiều chuyên gia phân tích đó là để chào hàng DN phải có được sản phẩm tốt, chất lượng đảm bảo. Muốn vậy, DN buộc phải có vùng nguyên liệu riêng để có thể chủ động. Nhưng đến nay, số DN chịu đầu tư vùng nguyên liệu có vẻ rất hiếm hoi. Một phần nguyên nhân được cho là tại VFA.

“Đầu năm đã nói kiểu chưa biết thị trường như thế nào? Năm nay sẽ khó khăn nhiều thì làm sao DN yên tâm đầu tư vùng nguyên liệu” - GS. Võ Tòng Xuân bức xúc. Ông cho biết thêm, khá nhiều nhà nhập khẩu luôn than phiền gạo Việt Nam chưa đạt chuẩn.

Để giúp DN chào hàng, VFA đã gửi kiến nghị lên Bộ Công Thương đề nghị tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, nâng cao hiệu quả xuất khẩu thông qua các hợp đồng lớn.

Theo thống kê sơ bộ, năm 2012, trong số các hợp đồng xuất khẩu gạo được ký, chỉ có 21% hợp đồng tập trung, còn lại là các hợp đồng thương mại nhỏ lẻ. Việc xuất khẩu thông qua các hợp đồng nhỏ lẻ, qua trung gian khiến DN thường xuyên bị ép giá, giảm lợi nhuận, gặp nhiều rủi ro bởi đối tác dễ hủy hợp đồng.

Nhưng để có thể ký được các hợp đồng lớn, hợp đồng với các chính phủ, rất cần sự ổn định trong chất lượng và một thương hiệu cho gạo Việt Nam. Nhưng điều này lại chính là bài toán chưa có lời giải đang nhắc đến ở trên. Cái vòng luẩn quẩn ấy khiến khó lại càng thêm khó.

Hiện nay, việc DN không trực tiếp mua lúa gạo của nông dân mà mua qua thương lái hết sức phổ biến, dễ xảy ra việc gạo bị trộn. Đó là lý do khiến đến nay việc xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn chỉ dừng lại ở việc phân chia phẩm cấp (5%, 15% tấm…), còn việc xuất gạo có tiếng như gạo đồ còn khá hiếm.

Cũng có ý kiến cho rằng nếu đi theo con đường xuất khẩu có thương hiệu giá phải cao, như vậy làm sao cạnh tranh với những đối thủ như Ấn Độ hay Pakistan có chiến lược xuất gạo giá rẻ? Và việc mất thị trường như của Thái Lan vẫn còn là một bài học nhãn tiền.

Song, GS. Xuân khẳng định đó mới chính là con đường lâu dài chúng ta buộc phải đi theo. Phải chấm dứt hiện tượng mua bán chụp giật thì mới mong đi đường dài. Ông gợi ý chúng ta có thể “bắt tay” với Thái Lan để cùng ổn định thị trường.

Để thực hiện được việc này, phải có sự quản lý chặt chẽ và hỗ trợ từ phía Nhà nước để ngay từ bây giờ DN cần đi vào quy củ. Vừa lo xuất khẩu trong năm nay vừa bắt đầu chiến lược dài hơi cho ngành gạo bằng việc đầu tư cho vùng nguyên liệu. Và một lần nữa sự chung tay của Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và DN lại được nhắc đến như một sự khẳng định chắc chắn cho tính bền vững của ngành xuất khẩu gạo trong những năm tiếp theo. 

Các tin khác