Nỗ lực khẩn cấp
Theo Reuters, Liên minh châu Âu cùng các nước Anh, Na Uy, Saudi Arabia, Nhật Bản, Canada, Nam Phi... có cam kết đóng góp nổi bật nhất. Các chính phủ tuyên bố tiếp tục gây quỹ phòng chống Covid-19 trong vài tuần hoặc vài tháng, dựa trên nỗ lực của Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Bill và Melinda Gates cùng các cá nhân giàu có.
Reuters dẫn lời Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula Von Der Leyen, người chủ trì sự kiện gặp gỡ trực tuyến các nhà lãnh đạo trên thế giới, nói: “Chỉ trong vài giờ, chúng tôi đã cùng nhau cam kết đóng góp 7,4 tỷ EUR (8,1 tỷ USD) cho vaccine, chẩn đoán và điều trị Covid-19. Điều này sẽ giúp khởi động sự hợp tác toàn cầu chưa từng có”.
Cũng theo bà Von Der Leyen, ca sĩ nhạc pop Madonna cam kết đóng góp 1 triệu EUR.
Thủ tướng Anh Boris Johnson thì cho biết, việc tìm kiếm vaccine phòng Covid-19 là “nỗ lực chia sẻ khẩn cấp nhất hiện nay của thế giới” và kêu gọi “một lá chắn bất khả xâm phạm đối với tất cả mọi người”.
Tuy nhiên, các nhà ngoại giao EU cho biết, Mỹ, nơi có số ca mắc và tử vong do Covid-19 nhiều nhất thế giới, đã không tham gia.
Một quan chức cao cấp của Chính phủ Mỹ từ chối cho biết lý do Mỹ không tham gia nhưng khẳng định Mỹ ủng hộ nỗ lực của EU và đây là một trong nhiều nỗ lực đang diễn ra trong đó Mỹ “luôn đi đầu”.
Thủ tướng Na Uy Erna Solberg tỏ ý lấy làm tiếc trước quyết định của Mỹ hồi tháng 4 ngừng tài trợ cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cũng như sự vắng mặt của Washington trong cam kết đóng góp lần này.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thì tin rằng, người Mỹ cuối cùng sẽ cam kết đóng góp trong cuộc chiến chống Covid-19, bởi vì đó là con đường phía trước cho toàn thế giới.
Nhiều nhà lãnh đạo nhấn mạnh rằng, bất kỳ loại vaccine nào, trong đó có vaccine phòng Covid-19 phải có sẵn cho tất cả mọi người. Thủ tướng Canada Justin Trudeau khẳng định, vaccine không chỉ dành cho các nước giàu.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói: “Những người phát minh ra vaccine tất nhiên sẽ được trả lương khá cao, nhưng quyền tiếp nhận sẽ được trao cho mọi người trên toàn cầu”.
Các quan chức EU cho biết, các công ty dược phẩm nhận được tài trợ sẽ không bị yêu cầu từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine và phương pháp điều trị mới, nhưng họ nên cam kết cung cấp cho toàn thế giới với giá cả phải chăng.
Theo Chủ tịch EC Von der Leyen, mục tiêu 8 tỷ USD phù hợp với kỳ vọng nhưng chỉ là con số ban đầu, sẽ cần nhiều tiền hơn theo thời gian.
Trước đó, trong báo cáo giám sát toàn cầu về khủng hoảng y tế của Liên hiệp quốc đã ước tính cần 8 tỷ USD ngay lập tức để ứng phó với Covid-19.
Theo đó, 3 tỷ USD sẽ được sử dụng để phát triển, sản xuất và phân phối vaccine phòng Covid-19; 2,25 tỷ USD để phát triển các phương pháp điều trị cho Covid-19; 750 triệu USD cho bộ dụng cụ thử nghiệm; 750 triệu USD để dự trữ thiết bị bảo vệ như khẩu trang, đồ bảo hộ... 1,25 tỷ USD còn lại sẽ được gửi đến WHO để hỗ trợ các quốc gia dễ bị tổn thương nhất. Anh sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh tài trợ trực tuyến của GAVI, Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng vào ngày 4-6.
Viện Đo lường và đánh giá sức khỏe Mỹ (IHME) dự báo số ca tử vong sẽ tăng lên mức 134.475 ca vào ngày 4-8, gần gấp đôi so với con số dự báo 72.433 ca được đưa ra hôm 29-4. Dự báo mới của IHME tính tới thực tế rằng một số bang đã bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp hạn chế. Hiện nay, hoạt động đi lại tại nhiều bang của Mỹ đã gia tăng mạnh trước cả khi các biện pháp hạn chế hết hiệu lực. |