Tăng trưởng lợi nhuận cao
Trong 9 tháng đầu năm 2021, cả 5 quỹ do VinaCapital quản lý đều đạt được những kết quả nổi bật. Trong đó, lợi nhuận của quỹ Đầu tư CP Tiếp cận thị trường Việt Nam (VESAF) đạt 57,6%, là quỹ mở có kết quả hoạt động tốt nhất trên thị trường, tiếp tục duy trì thứ hạng dẫn đầu đã đạt được trong năm 2020.
Quỹ Đầu tư CP Hưng Thịnh VinaWealth (VEOF) cũng đạt 45,2% và Quỹ Đầu tư cân bằng Tuệ Sáng VinaCapital (VIBF) đạt 31,9%, vượt xa chỉ số tham chiếu VN Index, thuộc nhóm top 3 quỹ hoạt động tốt nhất trong nhóm quỹ tương ứng trên thị trường. Quỹ hoán đổi danh mục ETF VN100 dù mới được thành lập vào năm 2020, cũng đạt được lợi nhuận 31,8%.
Đáng chú ý, trong số các quỹ mở trái phiếu trên thị trường, VFF là quỹ tăng trưởng cao nhất từ đầu năm 2021, với mức sinh lời đạt 5,45%.
Như vậy, tổng tài sản của 5 quỹ đạt hơn 2.852 tỷ đồng với gần 17.000 NĐT tính đến ngày 30-9. Trong đó, VESAF đạt 558,2 tỷ đồng, VEOF đạt 435 tỷ đồng, VIBF đạt 514,8 tỷ đồng, VFF đạt 1.218,9 tỷ đồng và ETF VN100 đạt 126 tỷ đổng.
Soi danh mạnh đầu tư
Là quỹ mở chuyên đầu tư CP niêm yết, VESAF chủ yếu đầu tư vào các CP có vốn hóa vừa và nhỏ, có tiềm năng tăng trưởng tốt, đặc biệt vào các CP có giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài.
Tính đến 30-9, phần lớn tài sản của VESAF được đầu tư vào CP của các ngành tài chính (22,9%), công nghiệp (18,4%), nguyên vật liệu (13,9%), công nghệ (11,9%), tiêu dùng thiết yếu (9,6%), bất động sản (7,4%), tiêu dùng không thiết yếu (4,7%), năng lượng (3,8%) và tiện ích (2,7%).
Cụ thể, danh mục đầu tư củaVESAF, bao gồm: FPT, HPG, MBB, MWG, KDH. Lợi nhuận trung bình hàng năm của VESAF đạt 22,5%/năm từ khi thành lập (4-2017) cho đến ngày 30-9.
VEOF là quỹ mở chủ yếu đầu tư vào các CP niêm yết của các doanh nghiệp đầu ngành có giá trị vốn hóa lớn và vừa, có lợi thế cạnh tranh khác biệt và tiềm năng tăng trưởng tốt, để mang lại lợi nhuận cao hơn tăng trưởng của VN Index cho NĐT dài hạn.
Tính đến 30-9, tổng tài sản của VEOF được đầu tư vào các ngành tài chính (24,5%), vật liệu (19,3%), bất động sản (16,7%), tiêu dùng không thiết yếu (12,5%), công nghiệp (8,0%), công nghệ (7,4%), tiêu dùng thiết yếu (4,9%) và y tế (1,2%).
Danh mục đầu tư bao gồm các CP blue chip, như: HPG, FPT, MWG, VHM và TCB. Lợi nhuận trung bình hằng năm của VEOF đạt 13,2%/năm từ khi thành lập (7-2014) đến ngày 30-9.
Trong khi đó, quỹ mở cân bằng VIBF chủ yếu đầu tư vào trái phiếu chất lượng tín dụng cao, và CP niêm yết của các công ty có nền tảng vững mạnh, triển vọng lợi nhuận bền vững, giúp NĐT hưởng lợi từ các CP tăng tưởng tốt, giảm thiểu rủi ro biến động thị trường nhờ đầu tư CK có thu nhập cố định.
Tính đến 30-9, tổng tài sản của VIBF được phân bổ khoảng 50% vào CP và 50% vào tài sản thu nhập cố định, theo chiến lược đầu tư của quỹ. Danh mục CP nắm giữ của quỹ chủ yếu thuộc ngành tài chính, bất động sản, vật liệu xây dựng, công nghệ thông tin, bao gồm: HPG, FPT, MWG và TCB.
Lợi nhuận trung bình hằng năm của quỹ VIBF đạt 19,2%/năm từ khi thành lập (7-2019) đến ngày 30-9.
VFF là quỹ mở trái phiếu đầu tư vào trái phiếu của các doanh nghiệp có nền tảng tài chính vững mạnh, giấy tờ có giá và các công cụ đầu tư có thu nhập cố định.
Tính đến 30-9, trên 84% tổng tài sản của VFF được đầu tư vào các lĩnh vực tài chính, tiêu dùng, bất động sản. Trong quý IV-2021, VFF dự kiến sẽ tiếp tục giải ngân vào trái phiếu của các doanh nghiệp thuộc ngành tiêu đùng, tiện ích, để nâng tỷ trọng đầu tư vào trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi lên 90% tổng tài sản của quỹ.
Hiện tại, danh mục đầu tư của VFF bao gồm trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi phát hành bởi SHBF, MSN, PDR, Home Credit và HDG. Lợi nhuận trung bình hằng năm của VFF đạt 7,64%/năm từ khi thành lập (4-2013) đến ngày 30-9.
ETF VN100 là quỹ hoán đổi danh mục bám sát chỉ số tham chiếu VN100, với độ sai lệch thường xuyên duy trì ở mức xấp xỉ 0,4%. Danh mục đầu tư của ETF VN100 hiện có: HPG, VIC, TCB, VPB và VHM.
Theo thống kê đến ngày 30-9, ETF VN100 đầu tư vào các lĩnh vực tài chính (39,5%), bất động sản (21,1%), tiêu dùng thiết yếu (10,6%), vật liệu (11,3%), công nghiệp (6,2%), công nghệ (4,3%), tiêu dùng không thiết yếu (4,7%), tiện ích (1,0%), và năng lượng (0,9%).