Theo tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), tính đến hết tháng 4, đứng đầu thị trường NK nhiều nhất cá tra Việt Nam là Trung Quốc và Mỹ cũng giảm sâu. Xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc và Hong Kong chỉ đạt 183 triệu USD, giảm 39% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thị trường Mỹ cũng giảm nhập khẩu cá tra Việt Nam do lượng tồn kho còn nhiều và chỉ đạt 86 triệu USD, giảm 64% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính đến hết tháng 4, XK cá tra sang thị trường EU đạt 60 triệu USD, giảm 8% so với cùng kỳ năm trước, nhiều thị trường trong khối giảm từ 13-31%, trừ thị trường Đức tăng 78%. Trong đó nhiều thị trường trọng điểm giảm NK cá tra Việt Nam là Hà Lan giảm 22%, Bỉ giảm 13%, Tây Ban Nha giảm 30%.
Ngoài EU, kim ngạch XK cá tra Việt Nam sang một số thị trường chính khác trong 4 tháng đầu năm cũng chứng kiến tăng trưởng âm 2 con số so với cùng kỳ năm ngoái như: sang Mexico giảm 45%, sang Canada giảm 51%, sang Nhật Bản giảm 15%, sang Brazil giảm 33%, sang Thái Lan giảm 49%.
Tuy nhiên, thị trường cũng ghi nhận một số điểm sáng. Cụ thể, tính đến hết tháng 4, XK cá tra sang Anh đạt 22 triệu USD (tăng 13%), Singapore đạt 12 triệu USD (tăng 20%). Trong bối cảnh lạm phát, Anh cũng là 1 trong số các nền kinh tế lớn có tỉ lệ lạm phát cao nhất, tuy nhiên thị trường này vẫn ghi nhận tăng trưởng dương 2 con số NK cá tra Việt Nam.
VASEP đánh giá, hậu quả của lạm phát kéo dài và lượng hàng tồn kho của các nhà bán lẻ đang là một trong những khó khăn cho ngành thủy sản trong đó có cá tra. Người nuôi và doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đang phải đối mặt với các thách thức từ thị trường sụt giảm, chi phí nguyên liệu và các chi phí đầu vào khác tăng cao, lợi nhuận giảm mạnh, thiếu vốn đề quay vòng sản xuất kinh doanh.
Bối cảnh thực tại của ngành cá tra đang thực sự cần sự chung tay, hỗ trợ của Chính phủ và các cơ quan nhà nước cũng như sự đồng hành và đồng lòng của người nuôi và doanh nghiệp.