(ĐTTCO) - Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN4) được dự báo sẽ tác động mạnh mẽ, toàn diện đến nền kinh tế mỗi quốc gia, như về cấu trúc, trình độ phát triển, tốc độ tăng trưởng, mô hình kinh doanh, thị trường lao động… Thậm chí được dự báo sẽ vẽ lại bản đồ kinh tế thế giới với sự suy giảm quyền lực của các quốc gia phát triển dựa chủ yếu vào khai thác tài nguyên. Thay vào đó là sự gia tăng sức mạnh của các quốc gia có nền công nghệ cao. Điều này đang tạo ra rất nhiều thách thức với Việt Nam.
Thay đổi to lớn
Chúng ta phải khẩn trương xây dựng một số chính sách trọng tâm, như hỗ trợ nâng cao năng lực công nghệ cho DNNVV để phát triển sản phẩm mới, chủ lực và trọng điểm; hỗ trợ phát triển, bảo vệ tài sản trí tuệ, phát triển nguồn nhân lực, đào tạo khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo, quản trị DN hiện đại... Ông Tô Hoài Nam, PCT kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV |
Theo PGS.TS Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Giám đốc thường trực Đại học Quốc gia TPHCM, CMCN4 khởi động và xây dựng dựa trên đặc trưng của cuộc cách mạng kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo, internet ngày càng phổ biến, di động với các cảm biến nhỏ và mạnh mẽ, giá thành rẻ hơn. Về kinh tế - xã hội, cuộc CMCN4 sẽ tạo ra các lợi ích hết sức to lớn. Người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi nhiều với các sản phẩm và dịch vụ mới được thực hiện từ xa của hàng ngàn ứng dụng thông minh từ internet, điện thoại, đồng thời nền kinh tế chuyển đổi mạnh mẽ mô hình dựa vào tài nguyên, lao động chi phí thấp sang kinh tế tri thức. Các ngành công nghiệp sáng tạo tăng trưởng mạnh và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế so với các ngành sản xuất và dịch vụ truyền thống.
Tuy nhiên, cuộc CMCN4 cũng đặt ra các thách thức an ninh phi truyền thống. Chẳng hạn về an ninh kinh tế - xã hội, CMCN4 có thể tạo ra sự bất công lớn hơn về phân phối thu nhập, làm gia tăng mâu thuẫn giữa các nhóm lao động: nhóm có kỹ năng thấp/trả lương thấp và nhóm có kỹ năng cao/trả lương cao. Những đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ sự sáng tạo sẽ là những nhà cung cấp vốn tri thức và vốn tài chính, cụ thể là những nhà sáng chế, cổ đông và nhà đầu tư. Điều này làm cho khoảng cách về giàu - nghèo giữa những đối tượng phụ thuộc vào vốn và phụ thuộc vào sức lao động ngày càng tăng. Bên cạnh đó, nguy cơ phá vỡ thị trường lao động, khi tự động hóa thay thế con người trong hầu hết hoạt động sản xuất, làm trầm trọng hơn khoảng cách giữa lợi nhuận so với đồng vốn và thu nhập so với sức lao động.
Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố tháng 9-2015 đã xác định 21 sản phẩm công nghệ sẽ định hình tương lai kỹ thuật số và thế giới siêu kết nối vào năm 2025. Chẳng hạn 10% dân số mặc quần áo kết nối với internet; 90% dân số có thể lưu trữ dữ liệu không giới hạn và miễn phí (có kèm quảng cáo); 1.000 tỷ cảm biến kết nối với internet; dược sĩ robot đầu tiên ở Hoa Kỳ; 10% mắt kính kết nối với internet; 90% dân số thường xuyên truy cập internet; 10% xe chạy trên đường ở Hoa Kỳ là xe không người lái…
Việt Nam làm gì để tận dụng?
Theo TS. Nguyễn Thắng, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, nhiều lĩnh vực quan trọng của Việt Nam sẽ chịu tác động mạnh từ cuộc CMCN4. Nhóm ngành chịu tác động mạnh nhất của Việt Nam là công nghiệp chế tạo. Do bản chất thương mại quốc tế cao của nhóm ngành này, nên cơ chế lan truyền tác động của công nghệ trong kinh tế toàn cầu rất nhanh thông qua kênh xuất nhập khẩu. Cùng với đó, những đột phá về công nghệ, đặc biệt là những tiến bộ vượt bậc trong tự động hóa và công nghệ in 3D đang làm đảo ngược dòng thương mại theo hướng bất lợi cho các nước như Việt Nam, thí dụ làm giảm mạnh lợi thế lao động giá rẻ. Những tiến bộ vượt bậc trong quá trình tự động hóa và số hóa đã giúp giảm mạnh chi phí chế tạo và vận hành người máy, do vậy làm tăng khả năng công nghiệp chế tạo quay trở lại các nước phát triển để gần hơn với thị trường tiêu thụ lớn và các trung tâm R&D ở các nước này.
TS. Nguyễn Thắng cho rằng một trong những điểm quan trọng là nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ, khuyến khích đổi mới sáng tạo, như thúc đẩy thiết lập các cụm liên kết ngành; dành ưu tiên đầu tư công cho phát triển kết cấu hạ tầng gắn với việc cải thiện tính kết nối (mở rộng độ bao phủ, tăng tốc độ truy cập và hạ giá sử dụng internet); phát triển thị trường vốn dài hạn, thúc đẩy sự phát triển của các quỹ đầu tư mạo hiểm gắn với phát triển công nghệ và sáng tạo. Bên cạnh đó, thực hiện chính sách công nghiệp phù hợp để tăng cường mối liên kết chặt chẽ hơn giữa khu vực kinh tế trong nước và khu vực FDI; đặc biệt có các biện pháp hỗ trợ các DN khởi nghiệp và DN đang hoạt động hiệu quả trong các lĩnh vực ứng dụng và phát triển công nghệ, nhất là công nghệ trung bình và công nghiệp phụ trợ gắn với các chuỗi giá trị toàn cầu; thúc đẩy sự hợp tác hiệu quả giữa Nhà nước, khu vực DN và các trường đại học công nghệ trong phát triển một số ngành chọn lọc, đặc biệt là công nghệ thông tin.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), những nước tận dụng được công nghệ mới thường phát triển mạnh mẽ, trong khi những nước chậm nắm bắt bị tụt hậu lại phía sau. CMCN4 sử dụng nhiều công nghệ mới, nên các nước hầu như bình đẳng về cơ hội khi bắt đầu đi vào công nghệ mới. Do đó, các nước đang phát triển như Việt Nam có thể đi thẳng vào nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới do các công nghệ này không phụ thuộc vào công nghệ cũ, nhờ đó có thể rút ngắn khoảng cách phát triển.