Vóc hay toan
Trong phiên đấu giá “Nghệ thuật đương đại và hiện đại Đông Nam Á” của Bonhams (Anh), bức bình phong chất liệu sơn mài Golden Sunset over Halong Bay (tạm dịch: Hoàng hôn vàng trên vịnh Hạ Long) của họa sĩ Phạm Hậu, được bán với mức giá 1,24 triệu USD bao gồm thuế phí. Theo chia sẻ từ một số nhà sưu tập trong nước, tranh sơn mài Việt Nam được săn đón khá mạnh trên các sàn quốc tế. Không chỉ nội dung tranh độc đáo, chất lượng sơn mài Việt chinh phục các nhà sưu tập bởi sơn có độ trong và bền cao theo thời gian.
Khách tham quan triển lãm Nàng thơ trải nghiệm chuyển động của tranh sơn mài trên điện thoại
Giá trị của sơn mài là có, tuy nhiên không nhiều họa sĩ theo đuổi dòng tranh này, bởi sức làm việc khá nặng và thời gian để hoàn thành một tác phẩm có khi mất đến cả năm trời là chuyện thường. Để bắt đầu tác phẩm, họa sĩ phải dày công làm vóc, được hiểu là hình dáng cốt gỗ của sản phẩm sơn mài. Các họa sĩ theo đuổi sơn mài nhìn nhận, phong cách nghệ thuật có thể thay đổi theo từng giai đoạn lịch sử và nguyên liệu trang trí có thể đổi cách sơ chế, nhưng quy trình làm vóc được bảo tồn gần như nguyên vẹn suốt hàng trăm năm lịch sử sơn mài… Chính vì thế mà lượng họa sĩ theo đuổi sơn mài khá ít.
Thay đổi góc nhìn về sơn mài, họa sĩ Hiền Nguyễn từng trưng bày một số tác phẩm sơn mài trên toan (vải) trong triển lãm Mở tại TPHCM, thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng. Đây có thể nói là những tác phẩm sơn mài cách tân đầu tiên trong nước. “Tôi vẫn giữ nguyên kỹ thuật vẽ của sơn mài, chỉ thay chất liệu nền là toan thay vì vóc, thời gian vẽ có rút ngắn hơn một chút so với sơn mài trên toan và chất liệu toan cũng làm cho sơn mài mềm mại hơn một chút”, họa sĩ Hiền Nguyễn chia sẻ.
Kết hợp công nghệ
Bộ sưu tập tranh sơn mài Nàng thơ ra mắt vào tháng 7-2022, lấy cảm hứng từ vẻ đẹp của những đóa hoa và người phụ nữ, họa sĩ Phạm Khắc Thắng (giảng viên mỹ thuật tại Dragon Sigma, Hà Nội) kết hợp sơn mài truyền thống cùng công nghệ thực tế tăng cường - AR, thu hút công chúng quan tâm. Người xem chỉ cần cài ứng dụng chuyên dùng được chia sẻ tại triển lãm là có thể quét mặt tranh và thưởng thức được tác phẩm chuyển động.
Mất 2 năm để họa sĩ Phạm Khắc Thắng sáng tác và thực hiện tác phẩm vật lý. Sau khi hoàn thiện tác phẩm, anh chụp ảnh bức tranh và đưa lên máy tính để xử lý giữa các layer trong Photoshop để vẽ lại một lần nữa. Sau đó, tiếp tục được họa sĩ xử lý chuyển động trên phần mềm After Effect.
Anh chia sẻ: “Khi thưởng thức tác phẩm có sử dụng AR, người xem có thể thấy được sự chuyển động và âm thanh của các bức tranh giống như chúng đang sống với mọi người vậy. Trước đây, khi làm bộ tác phẩm, tôi luôn tưởng tượng những chiếc khung tranh là ô cửa sổ, mở cửa sổ ra là một thế giới quan mới, một thế giới với nhiều tâm tư tình cảm của các nhân vật trong tranh. Với sự tưởng tượng đó, AR đã giúp tôi thực hiện tác phẩm một cách sống động nhất có thể”.
Trong xu hướng chuyển đổi số, việc kết hợp sơn mài hay bất cứ dòng tranh nào cùng công nghệ gần như là xu hướng tất yếu. Ranh giới giữa truyền thống và hiện đại trong hội họa luôn có sự giao thoa, làm mới là cần thiết để tiếp cận với nhiều đối tượng, khách hàng. Việc kết hợp công nghệ AR vào sơn mài giúp mọi người, trong đó có các bạn trẻ, dễ tiếp cận với dòng tranh nghệ thuật truyền thống của Việt Nam hơn. Rõ ràng, màu sắc và ý tưởng của chất liệu sơn mài luôn tràn đầy sự sáng tạo chứ không đơn thuần quanh quẩn hoa sen hay đình làng, mà còn có thể hiện đại hơn do cách nghĩ, cách vẽ của mỗi họa sĩ.
Họa sĩ Phạm Khắc Thắng phân tích: “Tôi nhận thấy chưa có nhiều người có thể phân biệt được hai chất liệu sơn mài và sơn dầu, bởi có lẽ họ vẫn chưa thực sự tìm hiểu sâu cũng như chất liệu sơn mài vẫn còn bị hạn chế người tiếp cận. Nhưng chất liệu sơn mài đúng là chất liệu truyền thống của ông cha ta, có lẽ bởi màu sắc khá hạn chế của sơn mài nên chưa thực sự thu hút mọi người. Chưa kể tính chất của sơn ta Việt Nam cũng dễ gây dị ứng và khá độc hại. Hiện nay, việc tìm nguồn sơn chất lượng cho tác phẩm tương đối khó khăn hơn, người vẽ cũng cần có sự tìm hiểu, nghiên cứu nhất định khi tìm mua nguyên liệu sơn mài”. |