Cải cách mới kỳ vọng tăng trưởng

(ĐTTCO) -   Nhận định về động lực và thách thức tăng trưởng kinh tế 2017, các chuyên gia kinh tế hàng đầu đều cho rằng thách thức sẽ lớn hơn, khó khăn tăng lên. Vấn đề của năm 2017 không phải là con số tăng trưởng 6,7% hay bao nhiêu, mà nằm ở cải cách và thay đổi để tạo ra nền tảng tăng trưởng vững vàng hơn.

(ĐTTCO) -   Nhận định về động lực và thách thức tăng trưởng kinh tế 2017, các chuyên gia kinh tế hàng đầu đều cho rằng thách thức sẽ lớn hơn, khó khăn tăng lên. Vấn đề của năm 2017 không phải là con số tăng trưởng 6,7% hay bao nhiêu, mà nằm ở cải cách và thay đổi để tạo ra nền tảng tăng trưởng vững vàng hơn.

TS.Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam:

Gỡ từng nút thắt

Cho đến nay nhiều thông điệp, ý kiến đưa ra của Thủ tướng đặc biệt ấn tượng, tạo ra một niềm tin khá mạnh mẽ cho cộng đồng DN cũng như cho xã hội. Đặc biệt, tôi đánh giá cao quyết định không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng năm 2016, như thế ta có cơ hội kiểm điểm năm đó có vấn đề gì về cơ cấu. Tôi không biết khi điều này có phải logic dài hạn không nhưng tôi cảm tưởng nó phản ánh một cách nhìn dài hạn muốn tìm nguyên nhân, nó thoát ra tư duy từng năm một. Yếu về cơ cấu mà vẫn lo tăng trưởng, lo vào mục tiêu ngắn hạn hình thức, có nghĩa tốn phí để đạt được mục tiêu đó rất cao. Đáng lẽ phải bớt tham vọng để tập trung cho sửa sang về cấu trúc. Đó là giải pháp căn bản nhất. Chưa chắc tái cơ cấu làm tăng trưởng giảm, đang lúc thế này khéo tái cơ cấu làm tăng trưởng cao lên. Nếu làm được, tạo động thái chính sách tốt lên tăng trưởng sẽ tốt lên. Tôi vẫn nói quên tốc độ tăng trưởng đi để dồn vào đấy. Còn bàn cụ thể ra từng cái khó từng nút thắt sẽ vô số, nếu gỡ từng cái một hầu như không thể.

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện CIEM:

Chủ động thay đổi

Khó khăn và thách thức là chuyện bình thường. Càng khó khăn thách thức bao nhiêu Việt Nam càng tốt bấy nhiêu vì tạo ra sức ép tạo động lực. Cái chính là chúng ta có chủ động thay đổi hay chờ một sức ép đến tận cùng mới chịu thay đổi. Chúng ta hay giải thích yếu tố tăng trưởng giảm là cầu thế này, thế kia; rồi phải tăng đầu tư tín dụng, điều hành vĩ mô để tăng trưởng… Nhưng chúng ta ít nói đến cải cách để thúc đẩy tăng trưởng, trong khi đây là trọng tâm của đề án tái cơ cấu kinh tế, giúp hoàn thiện cơ chế thị trường, nhà nước thông minh hơn. Thư vậy mới nâng cấp nền kinh tế Việt Nam lên được.

Vì thế, điều đáng quan tâm nhất hiện nay là phải cải cách nền tảng vĩ mô để thúc đẩy tăng trưởng. Đó mới là trọng tâm tái cơ cấu nên ta phải nhìn sâu hơn. Ta tăng trưởng bằng cách nào như thế nào bởi động lực không phải là điều chỉnh kinh tế vĩ mô mà là cải cách thị trường. Đó là cách thay đổi quản lý nhà nước. Tôi không quan tâm số lượng tăng trưởng 6,7% hay bao nhiêu. Năm 2017 tối muốn nhìn sự thay đổi, không muốn nhìn thành tích và con số.

-Ông Võ Trí Thành, Nguyên Phó Viện trưởng Viện CIEM:

Đừng cố giữ mục tiêu tăng trưởng cao

Kinh tế Việt Nam 2017 nhìn bối cảnh thế giới, kịch bản khó khăn thách thức là cao hơn. Việt Nam là nền kinh tế rất mở, nhưng năm qua tăng trưởng yếu. Giờ tăng trưởng bị bồi tiếp chủ nghĩa bảo hộ, nếu đồng hồ tự do hóa thương mại quay ngược lại, kinh tế thế giới rơi vào thời kỳ ảm đạm chán chường. Ổn định vĩ mô là thành công của Việt Nam năm 2016 nhưng chưa chắc chắn. Ngân sách rất khó khăn, nợ công rất nhiều rủi ro, vẫn còn ngân hàng yếu kém, nợ xấu chưa giải quyết được thực chất, lòng tin của công chúng vào thị trường tài chính chưa cao. Phục hồi, dẫn dắt nhờ tăng trưởng của công nghiệp chế tạo, chủ yếu do xuất khẩu FDI. Vấn đề kinh tế hiện nay không hẳn là mục tiêu mà là chúng ta đạt mục tiêu nhưng có phá vỡ cân đối khác hay không. Trong lịch sử Việt Nam có nhiều lần cố giữ mục tiêu tăng trưởng thật cao dẫn đến thời kỳ bất ổn vĩ mô 2007-2011. Tiền tệ chắc chắn áp lực điều hành khó hơn năm 2016.

Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại:

4 động lực, 3 lực cản

Năm 2017 vừa có động lực vừa có lực cản, quan trọng là phát huy động lực và hóa giải cản lực ra sao. Động lực thứ nhất là đầu tư, Việt Nam vẫn là môi trường đầu tư tốt do hiệu quả từ cải thiện môi trường kinh doanh 2016 sẽ phát huy tác dụng cao hơn trong 2017, từ đó khuyến khích đầu tư trong nước và nước ngoài. Thứ hai, tầng lớp trung lưu đang tăng lên, dự báo năm 2020 có 33 triệu người với thu nhập hơn 700USD/tháng, giúp tăng cầu nội địa, thúc đẩy tăng trưởng. Thứ ba, khu vực tư nhân khởi sắc nhờ những động thái cải cách. Thứ tư, động lực từ hội nhập kinh tế, trong đó kỳ vọng nhất là Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ tạo ra lực mới mới thu hút đầu tư cũng như xuất khẩu của Việt Nam trong 2017.

Bên cạnh đó có 3 lực cản với tăng trưởng kinh tế 2017. Đầu tiên là nền kinh tế có những nguy cơ bất ổn vĩ mô, rõ nhất là nợ công tăng lên, bội chi ngân sách lớn và nợ xấu chưa được giải quyết, đặc biệt nợ xấu ngân hàng. Lực cản thứ hai là nền kinh tế tăng trưởng chủ yếu vẫn dựa vào đầu tư, xuất khẩu, không phải dựa vào các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao. Cuối cùng, đồng USD tăng giá và FED tiếp tục nâng lãi suất, các nước hạ giá nội tệ, buộc Việt Nam phải có thái độ với tỷ giá.

Các tin khác