Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Theo báo cáo môi trường kinh doanh năm 2012 vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, năm 2011 Việt Nam tụt 8 bậc về cải thiện môi trường kinh doanh so với năm ngoái. Trong báo cáo này, WB xếp Việt Nam đứng thứ 98 trong tổng số 183 nền kinh tế trên thế giới được đánh giá, thấp hơn nhiều so với hạng 90 năm trước.
Đây là một tin không vui trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang đứng trước nhiều thách thức như lạm phát cao, kinh tế vĩ mô chưa ổn định, nguy cơ suy giảm tăng…
Tụt hạng về môi trường kinh doanh chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới thu hút đầu tư và khai thác nội lực để củng cố sức mạnh nền kinh tế trong thời gian tới.
Năm 2011 Việt Nam được các định chế tài chính quốc tế đánh giá cao về nỗ lực kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, điểm chung mà WB, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), trong các báo cáo đưa ra gần đây đều khuyến nghị Việt Nam cần cải cách thể chế nhiều hơn nữa.
Một trong những lý do khiến Việt Nam tụt hạng về cải cách môi trường kinh doanh là các tiêu chí xếp hạng năm nay được WB bổ sung chỉ số về tiếp cận điện năng - một lĩnh vực đang tiêu tốn khá nhiều thời gian và chi phí của doanh nghiệp so với các nước.
Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi, theo bà Victoria Kwakwa, Giám đốc WB tại Việt Nam, là: “Tuy Việt Nam đã đạt được tiến bộ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh những năm qua, nhưng một số quốc gia khác còn làm tốt hơn”.
Rõ ràng, đây là vấn đề đáng suy nghĩ, bởi cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thể chế để phát triển kinh tế là mục tiêu nước ta theo đuổi từ nhiều năm nay, nhưng đến nay kết quả vẫn chưa như mong muốn.
Hệ thống thể chế tốt là yếu tố quan trọng đối với các nước thu nhập trung bình để chuyển sang mô hình kinh tế có mức tăng trưởng cao và thu nhập được cải thiện. Có một thể chế tốt cũng sẽ giúp giám sát hiệu quả việc phân bổ các nguồn lực, trên cơ sở đó giúp Chính phủ có khả năng ứng phó được với các “cú sốc” của nền kinh tế - thách thức thường xuyên những năm gần đây.
Trong 3 năm qua, Chính phủ đã đạt được những bước tiến quan trọng trong cải cách thủ tục hành chính thông qua Đề án 30, tiết kiệm cho người dân và doanh nghiệp 30.000 tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước khởi đầu.
Theo thống kê từ Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, số lượng văn bản quy phạm pháp luật được ban hành 4 năm qua nhiều hơn so với tổng số văn bản được ban hành trong vòng 18 năm trước nhưng chất lượng nhiều văn bản còn thấp.
Nước ta vẫn chưa thực hiện công cụ đánh giá tác động pháp luật (RIA) một cách khoa học, thường áp dụng các biện pháp ban hành quy định để xử lý các phát sinh, chưa chú trọng tới các giải pháp thị trường để điều tiết và tồn tại “luật khung, luật ống”, khiến hiệu quả quản lý nhà nước hạn chế.
Một nguyên nhân khác khiến việc cải cách thể chế nước ta chưa mang lại hiệu quả thực sự là do Nhà nước còn làm thay thị trường, chi phối thị trường quá nhiều.
Cải cách hành chính nằm trong khuôn khổ hiện hành của Chính phủ, còn cải cách thể chế ở tầm cao hơn, tức phải thay đổi tư duy, cách thức và phương pháp mới về quản lý. Vì thế, chức năng của Nhà nước cần thay đổi theo hướng từ kiểm soát, quản lý sang phục vụ và kiến tạo phát triển.
Với điều kiện thực tiễn của Việt Nam hiện nay, cải cách thể chế cần tập trung vào hướng tuân thủ các quy luật vận động của thị trường hoặc ban hành các quy định giúp thị trường hoạt động tốt hơn.
Giải pháp cuối cùng mới là ban hành các quy định để can thiệp, kiểm soát thị trường theo tiêu chí các quy định được ban hành phải mang lại lợi ích lớn hơn chi phí bỏ ra để tuân thủ quy định đó.