Trước những khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đã có không ít doanh nghiệp (DN) niêm yết vội vã điều chỉnh các chỉ tiêu thực hiện kế hoạch năm, với mức giảm khiến nhiều người bất ngờ.
Gây sốc
Trong khi giới đầu tư vẫn chưa hết sốc khi CTCP Địa ốc dầu khí (PVL) tuyên bố giảm giá bán một dự án bất động sản tại TPHCM, chấp nhận lỗ 70 tỷ đồng để trả nợ ngân hàng, mới đây DN này lại đột ngột tung ra quyết định gây sốc không kém: Từ ngày 30-11 đến 9-12, PVL sẽ tiến hành lấy ý kiến cổ đông về việc điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2011, chỉ còn dưới 1/6 kế hoạch thông qua hồi đầu năm.
Đặc biệt, kế hoạch lợi nhuận sau thuế giảm từ 98 tỷ đồng xuống còn 500 triệu đồng. Thêm vào đó, tỷ lệ cổ tức cũng được PVL điều chỉnh giảm từ 15,2% xuống còn… 0%.
Nguồn thu chính năm 2011 của PDR lại đến từ... phí giữ xe The Everich 1. Ảnh: L. ANH |
Ngày 22-11, CTCP Đầu tư và Phát triển đô thị dầu khí Cửu Long (CCL) công bố nghị quyết ĐHCĐ bất thường về việc điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2011.
Cụ thể, tổng doanh thu 150 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 27 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 22,5 tỷ đồng, cổ tức ở mức 15%. Được biết, theo nghị quyết ĐHCĐ thường niên năm 2011 trước đó, CCL đã đặt mục tiêu 450 tỷ đồng tổng doanh thu, lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt 208 tỷ đồng và 156 tỷ đồng.
Có thể nói, đây là đợt điều chỉnh khá mạnh tay của DN này khi giảm tới 66% kế hoạch tổng doanh thu, 87% lợi nhuận trước thuế và 85,5% lợi nhuận sau thuế.
CTCP Phát triển bất động sản Phát Đạt (PDR) cũng bất ngờ thay đổi kế hoạch kinh doanh năm 2011 với lợi nhuận chỉ bằng 1/45 kế hoạch ĐHCĐ đề ra. Cụ thể, con số kế hoạch kinh doanh năm 2011 được ĐHCĐ thông qua từ đầu năm là 1.100 tỷ đồng doanh thu, 360 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Trong khi đó, mục tiêu mới của PDR với doanh thu chỉ 148 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 8 tỷ đồng. Trước đó, PDR công bố kết quả kinh doanh quý III hợp nhất với mức lỗ 7,19 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng chỉ lãi 283 triệu đồng.
Cũng có quyết định điều chỉnh kết quả kinh doanh trong những tháng cuối năm, nhưng kế hoạch của CTCP Xây lắp và địa ốc Vũng Tàu (VRC) đã không được cổ đông thông qua do tỷ lệ tán thành chỉ có 19,94%.
Cụ thể, VRC dự định điều chỉnh giảm các chỉ tiêu của năm 2011 hơn 46% doanh thu (từ 285 tỷ đồng xuống còn 153 tỷ đồng) và 60% lợi nhuận sau thuế (từ 83 tỷ đồng xuống còn 33,7 tỷ đồng).
Tụt dốc
HĐQT của CTCP Đầu tư phát triển Công nghệ điện tử viễn thông - Elcom (ELC) đã thông qua việc xin ý kiến cổ đông bằng văn bản điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2011.
Theo đó, tổng doanh thu thuần sẽ giảm từ 945 tỷ đồng xuống còn 506 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế giảm từ 194 tỷ đồng xuống 111 tỷ đồng. Dù con số lợi nhuận vẫn khá lớn so với nhiều DN khác, nhưng việc Elcom giảm mạnh chỉ tiêu lợi nhuận đã khiến nhiều người ngỡ ngàng.
Bởi trong năm 2010, Elcom có bước nhảy vọt với lợi nhuận ròng tăng gần 90% so với năm 2009, trong khi doanh thu chỉ tăng hơn 6%. Thậm chí, ngay trong quý đầu tiên của năm 2011, trước khó khăn chung của nền kinh tế tình hình kinh doanh của DN này vẫn rất sáng sủa.
Thế nhưng từ quý II, hoạt động kinh doanh của Elcom có dấu hiệu đi xuống. Lũy kế 9 tháng năm 2011 Elcom đạt 295 tỷ đồng doanh thu (giảm 30% so với cùng kỳ), riêng quý III lợi nhuận của Elcom giảm đến 40%. Trong quý này, doanh thu từ mảng phân phối thiết bị của Elcom giảm mạnh từ 182 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái xuống chỉ còn 12 tỷ đồng. Đặc biệt, hoạt động phân phối thiết bị gần như không có lợi nhuận.
Đối với PDR, VRC và CCL, việc điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận bắt nguồn từ khó khăn của thị trường bất động sản khiến sản phẩm không tiêu thụ được.
Theo ông Nguyễn Văn Đạt, Tổng giám đốc PDR, quý III PDR thua lỗ nặng do DN không bán được sản phẩm, nguồn thu chính lại đến từ… thu phí giữ xe tại dự án The Everich I được 1 tỷ đồng. Trong khi cùng kỳ năm ngoái, doanh thu của PDR đạt 124 tỷ đồng.
Tương tự, ông Lê Hồng Đức, Tổng giám đốc VRC, cho biết trong khi giá vốn hoạt động xây lắp tăng cao nhưng doanh thu lại giảm khiến lợi nhuận của DN cũng giảm mạnh.
Thông thường, thời điểm cuối năm là cơ hội lớn cho các DN bất động sản bán được sản phẩm. Tuy nhiên, tình cảnh của thị trường trong thời điểm hiện nay hoàn toàn trái ngược so với những năm trước, thậm chí còn bi đát hơn.
Đến khi kỳ vọng không còn DN vội vã điều chỉnh giảm kế hoạch. Tuy nhiên, việc điều chỉnh giảm quá lớn này cho thấy sự bất ổn trong hoạt động của những DN trên. Không chỉ thụ động trong việc xoay chuyển tình thế, các DN còn bộc lộ sự yếu kém trong công tác dự báo thị trường.
Với sự điều chỉnh giảm mạnh các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận trên, việc hoàn thành kế hoạch năm 2011 (nếu có) cũng không còn ý nghĩa đối với các cổ đông và NĐT.