Tuy chỉ là một vài trường hợp vi phạm, nhưng điều này cũng đủ gây nên sự bức xúc, làm giảm niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào nỗ lực hành động của chính quyền.
Bận họp, không tiếp dân
Ngày 30-1, tại UBND thị trấn Nhà Bè (huyện Nhà Bè), các cán bộ, công chức ngồi làm việc nghiêm túc. Tuy nhiên, có một số công việc lại không trôi chảy vì thiếu lãnh đạo trực. Khoảng 9 giờ ngày 30-1, chúng tôi mang giấy tờ đến sao y chứng thực, công chức đã đóng dấu vào bản sao nhưng rồi phải trả lại giấy tờ vì không có lãnh đạo ký.
Công chức thị trấn giải thích: Toàn bộ lãnh đạo UBND thị trấn đã lên huyện họp hết, người dân muốn sao y chứng thực cần đợi đến cuối giờ sáng, hoặc đầu giờ chiều quay lại làm thủ tục. Không chờ đợi được, chúng tôi đành ra về.
10 giờ sáng 30-1, trong khi người dân chờ đợi làm thủ tục, trụ sở UBND phường 8 quận 8 không có cán bộ nào làm việc. Ảnh: MẠNH HÒA
Lúc 10 giờ sáng 30-1, tại UBND phường 8 quận 8, tất cả lãnh đạo, công chức, viên chức đều vắng mặt và được giải thích là… “bận họp hết rồi”; khu vực giải quyết hồ sơ của phường 8 là một không gian trống không, đóng hết các cửa. Nhiều người dân đến làm thủ tục nhưng đều bị mời về ngay từ khi chuẩn bị gửi xe vào phường. Vì thế, nhiều người dân đã ra về trong bực dọc vì giờ giấc làm việc không nghiêm túc của UBND phường. Riêng chị L.B.T. (ngụ quận 8), do cần làm gấp giấy tờ vì đầu giờ chiều đi nước ngoài, nên khi được mời đã không chịu về mà tự mở cửa (trụ sở UBND phường 8 là mặt tiền đường Hưng Phú, không có cổng), đi thẳng vào trong trụ sở ngồi đợi. Chị L.B.T. rất bức xúc, kiên quyết ngồi đợi đến khi có cán bộ ra tiếp!
Cần tiếp tục chấn chỉnh
Năm 2017, UBND TPHCM ban hành quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn thành phố. Năm 2018, UBND TP có kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định 1847 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ. Tháng 5-2019, UBND TPHCM thành lập Tổ kiểm tra liên ngành kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử. Năm 2019, qua kiểm tra 1.028 đơn vị đã phát hiện 12 trường hợp vi phạm quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp.
Các trường hợp vi phạm bị phát hiện bao gồm: Một chuyên viên Phòng Đăng ký kinh doanh (thuộc Sở KH-ĐT) chưa tích cực trong giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho doanh nghiệp; một bác sĩ tại Bệnh viện Nguyễn Trãi đã có thái độ thiếu hòa nhã khi giao tiếp với bệnh nhân; 6 cá nhân thuộc UBND quận Bình Tân vi phạm quy tắc ứng xử trong giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính; 3 cá nhân ở UBND huyện Cần Giờ không đảm bảo thời gian, giờ giấc làm việc; một nhân viên hợp đồng ở Công viên văn hóa Lê Thị Riêng (thuộc UBND quận 10) không chấp hành sự phân công của cấp trên.
Trong 2 năm qua, Ủy ban MTTQ TPHCM đã tiến hành khảo sát độc lập về sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn thành phố. Năm 2019, khảo sát được tiến hành ở 16 sở ngành, 24 quận huyện, 105 phường xã. Theo bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, kết quả khảo sát cho thấy tỷ lệ hài lòng của người dân về thủ tục hành chính và thái độ phục vụ của cán bộ, công chức ngày một tăng lên. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn những ý kiến không hài lòng với thái độ chưa thân thiện của cán bộ, công chức; thủ tục hành chính vẫn còn quá rườm rà, dù được hướng dẫn tại chỗ vẫn không hiểu và phải đi tới đi lui nhiều lần.
Bà Tô Thị Bích Châu đánh giá, tỷ lệ hài lòng của người dân tăng lên cho thấy sự quyết tâm của chính quyền trong công tác cải cách hành chính. Tuy vậy, vẫn có tình trạng khi kết quả khảo sát sự hài lòng được gửi về các địa phương để các đơn vị xem xét, chấn chỉnh những vấn đề mà người dân chưa hài lòng, thì có những đơn vị không phản hồi.
Năm 2020, gắn với chủ đề năm là đẩy mạnh các hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị, việc khảo sát sự hài lòng của người dân và tổ chức sẽ tập trung vào nội dung văn hóa công sở.
Mạnh dạn phản ánh “Các quy định về quy tắc ứng xử đã rõ ràng, người dân hiện nay cũng ý thức tốt hơn vị thế của mình, rồi báo chí vào cuộc giám sát, phát hiện được gì phản ánh ngay. Nhờ vậy mà cán bộ, công chức cũng để ý hơn đến hành xử của mình sao cho chuẩn mực”, ông Trần Trung Đức nói trong khi ngồi chờ làm thủ tục ở UBND quận Bình Thạnh. Tuy nhiên, ông Đức cũng cho rằng các biểu hiện chưa chuẩn mực về văn hóa ứng xử của cán bộ, công chức rất khó bị các đoàn kiểm tra phát hiện, bởi nó có tính thời điểm, và người dân không phải lúc nào cũng có thể phản ánh. Ông cho rằng người dân cần tích cực, mạnh dạn phản ánh những biểu hiện này để góp phần cải thiện tình hình. |