Là một trong những công ty quản lý quỹ lớn tại Nhật Bản, Công ty Quản lý quỹ United đã từng tham gia đầu tư vào Việt Nam và mới đây mua 40% Quỹ đầu tư trái phiếu MB Capital (MBBF). Ông Hiroshi Okada, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty quản lý quỹ United, cho biết TTCK Việt Nam đang có nhiều triển vọng tốt trong tương lai, song điều cần làm là đẩy mạnh bán cổ phần lần đầu doanh nghiệp tốt, đưa lên niêm yết để tăng quy mô và thanh khoản.
Phóng viên: - Cách đây hơn 2 năm, United tham gia vao quỹ đầu tư mang tên “Giấc mơ Việt Nam” đang hoạt động tại Việt Nam, nhưng kết quả của việc đầu tư không khả quan, tại sao nay công ty lại tiếp tục?
Ông HIROSHI OKADA: - Đã có những dự báo lạc quan và chúng tôi có những kỳ vọng về tăng trưởng GDP của Việt Nam trong tương lai rất tốt, 2-3 thập kỷ nữa Việt Nam sẽ là điểm đến mơ ước. Với hơn 40 năm kinh nghiệm đầu tư thì việc đầu tư vào những giấc mơ chưa thành thực tế ban đầu là bước đi hợp lý, bởi 20-30 năm không phải là quãng thời gian quá xa.
Giống như một số sản phẩm của Nhật Bản có mặt tại Việt Nam có thể không mang lại hiệu quả ngay mà phải một thời gian nữa. So với tương lai, đầu tư vào Việt Nam đang rẻ.
Trước đây, quỹ dự định đầu tư vào cổ phiếu Trung Quốc, nhưng NĐT Nhật Bản cảm thấy không ủng hộ việc đó và chúng tôi đã phải hoãn lại. Hơn nữa, những biến động nhất định trong quan hệ đầu tư của Nhật Bản và Trung Quốc vừa qua đã đưa ra một xu hướng là sự chuyển dịch của dòng đầu tư Nhật Bản từ Trung Quốc sang Việt Nam và các nước châu Á khác.
![]() |
Tăng quy mô, thanh khoản không chỉ hút vốn ngoại mà cả nguồn vốn |
- Vậy theo ông, Việt Nam sẽ phải làm gì để thu hút được dòng vốn này?
- Đối với NĐT Nhật Bản, thanh khoản và quy mô thị trường đóng vai trò rất quan trọng. Hiện dòng tiền của Nhật đổ vào Indonesia rất nhiều vì có những kỳ vọng vào sự tăng trưởng tốt của thị trường và thanh khoản đang hơn rất nhiều so với Việt Nam.
Kỳ vọng vào thị trường của Việt Nam cũng rất tốt nhưng quy mô và thanh khoản hiện nay chưa cao và đang làm hạn chế rất nhiều đối với các NĐT của Nhật Bản. Do vậy, tôi nghĩ rằng phải đẩy mạnh việc bán cổ phần lần đầu ra công chúng với những công ty lớn và đưa lên niêm yết trên sàn giao dịch.
Khi đó sẽ mở rộng được quy mô thị trường và thu hút được dòng vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, thông tin về việc phát hành lần đầu thường có nhiều rủi ro, do đó đòi hỏi nhiều ngân hàng đầu tư, CTCK, công ty quản lý quỹ chuyên nghiệp, kiểm toán chuyên nghiệp tham gia để đảm bảo rằng những công ty có thông tin minh bạch.
- Ông đánh giá thế nào về triển vọng của việc tham gia vào MBBF nói riêng và TTCK Việt Nam nói chung?
- Chúng tôi chọn đầu tư vào MBBF vì kỳ vọng vào lợi suất cao của trái phiếu Việt Nam. Dù lợi suất trái phiếu Việt Nam đã giảm nhiều so với năm ngoái, nhưng mức lợi suất 7%/năm hiện nay vẫn là rất cao so với mức lãi suất 0% của Nhật Bản.
Còn đối với thị trường CP, thanh khoản thấp của thị trường Việt Nam vẫn là nhược điểm. Cách đây 2 năm, chúng tôi cũng đã bỏ vốn khoảng 30 triệu USD đầu tư CP Việt Nam, nhưng kết quả không được như ý, hiện nay số vốn còn lại khoảng 15 triệu USD.
Tuy nhiên, TTCK Việt Nam đang mang đến những kỳ vọng mới. 2 năm trước, chúng tôi không lỗ vì giá CP giảm, mà lỗ vì sự chênh lệch tỷ giá. Hiện nay, khi đồng yên đang bị mất giá hơn đồng Việt Nam, đầu tư vào Việt Nam lúc này cũng thuận lợi hơn, có lợi hơn nên chúng tôi cảm thấy hứng thú với việc đầu tư trở lại.
- Xin cảm ơn ông.