Cải thiện từ ý thức kinh doanh

Theo thống kê của Cục Hải quan TPHCM, trong 8 tháng năm 2012, đã phát hiện 1.852 vụ vi phạm quy định nhập khẩu với tổng trị giá hàng hóa gần 58.500USD. Trong đó, các sản phẩm hàng công nghệ thông tin (CNTT) đã qua sử dụng chiếm 257 vụ.

Theo thống kê của Cục Hải quan TPHCM, trong 8 tháng năm 2012, đã phát hiện 1.852 vụ vi phạm quy định nhập khẩu với tổng trị giá hàng hóa gần 58.500USD. Trong đó, các sản phẩm hàng công nghệ thông tin (CNTT) đã qua sử dụng chiếm 257 vụ.

Để đưa các lô hàng này qua cửa khẩu, các đơn vị xuất khẩu đã chia nhỏ lô hàng rồi gửi cho nhiều nhà nhập khẩu dưới hình thức quà biếu, tặng.

Sau khi hàng vào Việt Nam sẽ thu gom lại và đưa ra tiêu thụ ở thị trường. Theo đó, hàng triệu chiếc điện thoại di động giá rẻ xuất xứ từ Trung Quốc đã có mặt ở thị trường Việt Nam.

Nhiều DN nhập khẩu còn mua các hộp mực in tái chế đã được tân trang thành hàng mới từ Trung Quốc, mang về Việt Nam dán tem thương hiệu của các hãng nổi tiếng để bán ra thị trường. Theo điều tra, giá nhập khẩu các hộp mực in này chỉ khoảng 1/3 và chất lượng sản phẩm kém, màu mực xấu so với hàng chính hãng.

Trong khi đó, do không thể cạnh tranh về giá, nhiều thương hiệu điện thoại di động giá rẻ lẫn các DN sản xuất hộp mực in tái chế trong nước đã phải đóng cửa. Điều này cho thấy thực trạng nhiều DN làm ăn gian dối, lợi dụng sự ưu đãi, những kẽ hở để lách luật như lợi dụng các dịch vụ tạm nhập - tái xuất nhưng thực tế chỉ nhập mà không tái xuất để bán ra và hưởng lời cao hơn.

Bộ Thông tin Truyền thông vừa ban hành Thông tư 11/2012/TT-BTTT quy định từ ngày 1-9 những sản phẩm CNTT đã qua sử dụng sẽ bị cấm nhập khẩu nhằm tránh Việt Nam trở thành "bãi rác công nghệ” của các nước trên thế giới. Tuy nhiên, một số DN phần mềm cho rằng việc cấm nhập khẩu các thiết bị CNTT đã qua sử dụng như máy tính bảng, điện thoại di động, máy tính xách tay và máy in sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động nghiên cứu và phát triển của DN.

Bởi vì dù Thông tư đã đưa ra danh mục các sản phẩm cấm nhập khẩu nhưng điều kiện áp dụng quá chung chung, không phân theo từng ngành hàng nên nhiều DN đang lo lắng không biết những sản phẩm họ cần nhập khẩu để sử dụng trong hoạt động nghiên cứu và phát triển có nằm trong danh sách bị cấm hay không. Nhiều đơn vị cũng cho biết, nếu bị cấm hàng loạt mặt hàng, DN có thể lỗ nặng vì nhiều hợp đồng mua hàng đã ký kết với các nhà xuất khẩu nước ngoài.

Đáp lại, Vụ CNTT cho rằng tất cả DN lẫn người kinh doanh sản phẩm phải chấp hành đúng theo quy định nên điều DN cần làm là tìm hiểu kỹ những sản phẩm đang nhập khẩu có nằm trong danh sách cấm nhập khẩu hay không. Nếu DN cần nhập khẩu hàng CNTT đã qua sử dụng xem hướng dẫn để làm hồ sơ đề nghị.

Tinh thần của Thông tư là hợp lý, song vấn đề đặt ra ở đây là nếu buông lỏng, DN làm ăn chân chính chịu thiệt hại nhưng để quản lý chặt những DN làm ăn gian dối cũng không đơn giản.

Vì vậy, muốn cải thiện từ gốc, ngoài luật, cơ quan quản lý cũng cần nghiên cứu đề ra những biện pháp hợp lý để thay đổi ý thức kinh doanh của số ít các DN chỉ lấy lợi nhuận làm đầu nhằm bảo vệ nền sản xuất lẫn các DN trong nước, tạo ra một môi trường kinh doanh bình đẳng trên thị trường.

Các tin khác