Thai phụ… phụ hồ
Sáng 16-9, rẽ qua nhiều con hẻm, nhóm thực hiện chương trình “Đồng hành vượt cạn” mới đến được dãy nhà trọ ở địa chỉ 994B/53 Huỳnh Tấn Phát, khu phố 4, phường Tân Phú, quận 7 để thăm thai phụ Nguyễn Thị Như (19 tuổi). Ôm bụng bầu 7 tháng đứng ở cổng khu trọ, Như mừng rỡ bởi không ngờ đang lúc khó khăn vẫn có người chưa từng quen biết đến động viên mình.
Chị Huỳnh Nguyệt Ánh, Chủ tịch Hội LHPN quận 7, đi cùng đoàn chúng tôi, nói nhỏ: “Con bé gia đình khó khăn lắm, mới lấy chồng năm ngoái. Chồng nó làm bốc xếp, thất nghiệp hơn 4 tháng. Bầu bì vậy đó chứ hồi chưa giãn cách nó vẫn còn đi làm phụ hồ, quận này qua quận khác”.
Bà mẹ trẻ tương lai 19 tuổi cứ đứng tần ngần, rối rít cảm ơn khi đại diện chương trình “Đồng hành vượt cạn” tặng quà. Đôi bàn tay chai sần vì bao ngày bốc vác nặng nhọc cứ run run khi cầm túi sữa, phần tiền hỗ trợ.
Chúng tôi không dám đứng gần em để hỏi chuyện, nhưng phía sau tấm kính chống giọt bắn, vẫn thấy mắt em đỏ hoe: “Làm phụ hồ cực lắm, mình phải bưng vác đủ thứ. Em biết có bầu từ hôm tết nhưng vẫn phải đi làm để kiếm chút đỉnh tiền lo cho con nhỏ. Tới ngày 20 tháng này là đúng 4 tháng em khất tiền trọ. Giờ cũng không có tiền trả, may mà chủ trọ thương, hỗ trợ gạo và nhu yếu phẩm qua ngày. Nay mấy anh chị tới thăm mừng lắm, hổm rày cứ lo gần sanh rồi mà trong người không còn tiền…”.
Trong ánh mắt của chị Lê Thị Thùy Dung (tạm trú tại 1135/77/77 đường Huỳnh Tấn Phát, khu phố 3, phường Phú Thuận, quận 7) là niềm xúc động dâng trào bởi giữa những ngày khó khăn này có biết bao bàn tay chìa ra với gia đình chị.
Đó là những ngày thất nghiệp triền miên ở huyện Nhà Bè, không đóng nổi tiền trọ, vợ chồng chị được đưa về quận 7 ở tạm; là những ngày giãn cách, có bà con lối xóm chia ngọt sẻ bùi từng ký gạo, rau củ, quả trứng… Và đặc biệt, sắp đến kỳ vượt cạn đầu tiên, khi tiền bạc vơi dần đến mức không dám đi khám thai, đã có chương trình “Đồng hành vượt cạn” đến kịp lúc.
Đại diện chương trình "Đồng hành vượt cạn" trao quà cho thai phụ Lê Thị Thùy Dung, khu phố 3, phường Phú Thuận, quận 7
“Chồng em làm thợ hồ, thất nghiệp mấy tháng nay. Em đang mang thai tháng thứ 7. Trước giãn cách em vẫn đẩy hàng rong bán bánh tráng trộn, bánh bò… gần khu trọ. Dịch giã kéo dài quá, vợ chồng em không kiếm thêm được đồng nào”, chị Dung kể.
Nhận túi sữa, tiền hỗ trợ từ chương trình, chị cảm động: “Cảm ơn các anh chị không quản xa xôi vất vả tới đây, cảm ơn các nhà hảo tâm thật nhiều! Mấy ngày trước em cứ lo chuyện khám thai, dự sanh trằn trọc đến không ngủ được. Giờ đã có sự hỗ trợ này, em yên tâm vững dạ rồi”.
Ưu tiên chị em hoàn cảnh ngặt nghèo
Đón chúng tôi từ đầu hẻm 994B/53 Huỳnh Tấn Phát, chị Huỳnh Nguyệt Ánh hướng dẫn kỹ lưỡng đường vào khu trọ của người lao động nghèo. “Mà thôi, giờ anh chị ôm nhiều phần quà, lên xe máy bên em chở đi luôn cho dễ, chứ ở đây hẻm nhỏ xíu, phức tạp, không dễ tìm được đâu”, chị Ánh nói lẹ, dứt khoát. Vừa đi, chị vừa bảo mọi người nghe quận 7 thường nghĩ quận giàu nhưng ở địa bàn mới thấy người lao động khó khăn còn nhiều lắm.
“Ở đây có KCX Tân Thuận, người tạm trú rất đông. Rồi nữa, người ta vì cuộc sống mưu sinh lên đây làm nhiều công việc, từ công nhân, buôn gánh bán bưng đến phụ hồ, giúp việc nhà… Ngay cả phụ nữ cũng làm phụ hồ. Các trường hợp hôm nay đoàn tới hỗ trợ đều là phụ nữ lao động phổ thông, thuê trọ và không có điều kiện mua bảo hiểm xã hội”, chị Nguyệt Ánh chia sẻ.
Theo chị Nguyệt Ánh, chương trình “Đồng hành vượt cạn” hỗ trợ cho các thai phụ trên địa bàn lúc khó khăn như thế này, từ phần tiền hỗ trợ đến sữa mẹ bầu, tham vấn, hỗ trợ vận chuyển khi đi sinh… là rất đáng trân trọng.
Chị Ánh bộc bạch: “Đến thời điểm này có hơn 10 trường hợp đăng ký, các chị hầu hết không có điều kiện lo sinh nở, dự tính về quê sinh con cho đỡ tốn kém nhưng vướng dịch. Có trường hợp thai phụ gần sinh mà bị F0, Hội LHPN phường có trao đổi, may quá chương trình được triển khai đúng lúc. Khi chúng tôi báo về dưới cơ sở mà mấy chị mừng quá trời, như vậy là có thêm cánh tay đặc biệt hỗ trợ sản phụ rồi. Ưu tiên chăm lo chị em bầu bì hoàn cảnh ngặt nghèo, đó không chỉ là tiền mà còn là cái tình đong đầy. Điều ý nghĩa nhất của việc sẻ chia là nhanh chóng, kịp thời lúc người ta cần nhất”.
Đi cùng đoàn thăm và tặng quà các sản phụ, bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) xúc động khi chứng kiến hoàn cảnh nhiều sản phụ: “Tôi thấy chị em không chỉ cần tiền mà cần rất nhiều sự động viên. Em Như 19 tuổi tôi gặp, gần ngày sinh mà tới giờ vẫn chưa biết đi sinh ở đâu, hỏi lý do thì em nghẹn ngào bảo không có tiền, đang tính vay mượn để đi sinh. Và, có đi đến nơi mới thấy rõ cuộc sống của họ rất bấp bênh, có biết bao nhiêu chị em nếu không có sự trợ giúp từ Đồng hành vượt cạn sẽ chơi vơi biết mấy. Do đó, mình phải đồng hành đến cùng với chương trình ý nghĩa này”!