Cảm nhận thị trường tranh Xuân Quý Mão

(ĐTTCO) - Mỗi tác phẩm nghệ thuật là một câu chuyện thể hiện phong cách người họa sĩ. Chơi tranh không chỉ để thưởng thức các giá trị nghệ thuật hội họa trong từng đường nét, hình khối, màu sắc, mà qua đó còn được hoài niệm về quá khứ, cảm nhận hơi thở của hiện tại và kỳ vọng về tương lai.
 Không khí tại phòng trưng bày tranh ngày đầu năm mới.
Không khí tại phòng trưng bày tranh ngày đầu năm mới.

Tiết trời xuân se lạnh của Hà Nội dường như đã làm không khí đón tết cổ truyền trở nên thú vị hơn, cảnh vật trở nên duyên dáng và e ấp hơn. Những nỗi âu lo về kinh tế và cơm áo gạo tiền có lẽ đã nhường chỗ cho niềm hân hoan đón mừng năm mới, với mong ước phát triển thịnh vượng cho quê hương đất nước và hạnh phúc cho muôn nhà. Đó cũng chính là lý do khiến tôi cùng vài bạn đồng nghiệp đến với phòng khai mạc triển lãm hội họa mừng xuân ngay trên phố Ngô Quyền, cách hồ Hoàn Kiếm vài trăm mét. Triển lãm thực sự là ngày hội nghệ thuật mở màn cho năm mới Quý Mão 2023 với sự tham gia của 10 họa sĩ. Không gian phòng triển lãm trở nên chật hẹp khi khách tham quan đông đúc, nhộn nhịp. Mọi người vui vẻ chào nhau tay bắt mặt mừng, cùng trao đổi về các đề tài hội họa, rồi chiêm ngưỡng và thưởng lãm các tác phẩm nghệ thuật.

Trong không khí ấm áp đông vui hội tụ nhiều họa sĩ và những người trong giới mua bán và tư vấn tranh, tôi hỏi người quản lý phòng triển lãm liệu đây có phải là sự kiện thu hút nhiều khách tham quan không. Anh cho biết thế này là bình thường vì đây là triển lãm nhóm, các họa sĩ tại triển lãm là những người có tên tuổi và thành danh trong giới nghệ thuật. Anh tiết lộ thêm trung bình 10 ngày là có 1 triển lãm tại phòng trưng bày tranh của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Thậm chí, các họa sĩ phải đăng ký trước hàng năm mới có cơ hội được trưng bày. Hiện tại Hà Nội có nhiều phòng trưng bày triển lãm có vị trí “vàng” ngoài phòng triển lãm Ngô Quyền, như phòng triển lãm tại 29 Hàng Bài, phòng trưng bày Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Gallery Tràng Tiền… luôn trong tình trạng đông đúc các triển lãm, ngoài ra cũng có nhiều gallery nhỏ diễn ra các hoạt động nghệ thuật.

Tranh sơn mài “Chuyện trò” của họa sĩ Trần Lãng tại phòng trưng bày.

Tranh sơn mài “Chuyện trò” của họa sĩ Trần Lãng tại phòng trưng bày.

Tôi gặp nữ họa sĩ Huyền Sâm tại triển lãm. Chị chia sẻ: “Mình cũng không thường xuyên triển lãm mà tập trung vào sáng tác. Giá bán cho khách quan tâm không quá đắt và thường sáng tác các chủ đề tĩnh vật hoa, phong cảnh dễ đến với người chơi tranh”. Một họa sĩ thành danh khác tôi có hân hạnh được trò chuyện là Trần Lãng chuyên sáng tác trên chất liệu sơn mài, với 7 tác phẩm tại triển lãm lần này. Ngắm những đứa con tinh thần của anh với 2 chủ đề về phụ nữ dân tộc và về Hà Nội, tôi hơi ngạc nhiên vì khi thể hiện hình ảnh người phụ nữ vùng cao anh lại sử dụng nhiều sắc màu tươi và rực hơn, trong khi Hà Nội lại được ẩn chứa trong những tông màu trầm ấm cổ kính, trầm, thể hiện quá khứ, dĩ vãng. Anh nói anh thích vẻ đẹp giản dị, tự nhiên từ màu sắc cho đến cách tạo hình. Tranh anh mang vẻ đẹp mộc mạc giản dị, nét đẹp hoang sơ, màu sắc mạnh. Đặc biệt sơn mài của anh, hiệu ứng từ ánh vàng kim loại lấp lánh đặc trưng, rõ nét, dưới ánh sáng của đèn làm tôn lên lớp sơn ta sâu thăm thẳm mà sang trọng.

Tác phẩm sơn mài “Chuyện trò” của họa sĩ Trần Lãng có vẻ đẹp đặc trưng của phụ nữ miền Bắc từ mái tóc, khuôn mặt, dáng điệu cử chỉ đến bàn tay. Dưới nét vẻ của anh toát lên những nét duyên dáng nhưng ngây thơ, giản dị, mộc mạc, mang đậm đặc trưng văn hóa và tính cách của nhân vật. Anh nói: “Hai cô gái ngồi tâm sự nhưng thái độ khá thờ ơ, đó là tâm trạng của những thiếu nữ trong giai đoạn giữa thế kỷ 20”. Anh bày tỏ mình ảnh hưởng khá nhiều từ nhà thơ Xuân Diệu và Huy Cận nên cách tạo hình của 2 nhân vật này cũng nhiều tâm trạng.

Theo ước tính, hiện nay số lượng họa sĩ chuyên nghiệp trên cả nước khoảng 2.000, chủ yếu tập trung tại Hà Nội và TPHCM. Nhiều họa sĩ sau khi tốt nghiệp trường lớp chính quy đã chuyển sang làm các công việc khác để kiếm sống, nên số họa sĩ chuyên nghiệp để duy trì sự nghiệp của mình không quá phổ biến. Là người làm trong lĩnh vực nghệ thuật, tôi hiểu để có được sự thành công, các nghệ sĩ đã phải hy sinh, cùng những lo toan vất vả để sáng tạo ra các tác phẩm nghệ thuật đẹp mang lại giá trị cao cho cộng đồng.

Có thể những cảm nhận còn chủ quan, nhưng qua triển lãm lần này, tôi thấy thị trường tranh Việt Nam vẫn tiếp tục diễn ra sôi động. Trên nền tảng kế thừa phương pháp sáng tác truyền thống của hế hệ trước, các họa sĩ trẻ ngày nay không ngừng thể nghiệm nhiều khuynh hướng sáng tác mới lạ, độc đáo trên các chất liệu tổng hợp, tạo ra các hiệu ứng nghệ thuật mạnh mẽ, thu hút nhiều sự quan tâm của người yêu nghệ thuật. Ngoài ra, số người chơi tranh đã gia tăng mạnh mẽ về số lượng và đa dạng về đối tượng. Không hiếm các gia đình mua tranh về treo để trang trí cho không gian ngôi nhà thêm đẹp và sống động. Tuy vậy, vẫn cần hướng phát triển mới cho thị trường chuyên nghiệp, và phải chăng năm mới Quý Mão sẽ là sự khởi đầu đầy thuận lợi?

Các tin khác