Câu chuyện mà tôi kể ra ở trên, có lẽ là mối bận tâm của không ít người đã trưởng thành hiện nay, xung quanh chuyện ứng xử cảm ơn - xin lỗi. Một sự thật đáng buồn là văn hóa xin lỗi hay văn hóa cảm ơn của một bộ phận bạn trẻ có chiều hướng đi xuống. Bản thân tôi cũng không ít lần gặp những chuyện người trẻ vô cảm hết chỗ nói.
Như chuyện chạy xe ngoài đường, va quẹt xe nhau, người bị nạn và đi đúng đường, nhiều khi chỉ mong nhận được lời xin lỗi chứ chưa đề cập đến chuyện yêu cầu khắc phục hậu quả. Vậy nhưng, một số bạn trẻ gây ra sự cố, đã không hỗ trợ còn kiệm lời xin lỗi, chủ động cãi tay đôi để tránh bị bắt đền. Biết sai, biết nhận lỗi tưởng dễ mà khó là vậy.
Người trẻ còn không có phản xạ cảm ơn khi nhận được sự giúp đỡ từ người khác. Hay đơn giản như sử dụng dịch vụ, mình được hỗ trợ tận tình thì tiếc gì một lời cảm ơn, thay vì chăm chăm cho rằng mình bỏ tiền ra thì nhất định phải là thượng đế.
Thực ra bạn trẻ, trước khi trưởng thành, mỗi người đều có một môi trường giáo dục riêng. Người lớn - tấm gương của những người trẻ lại hiếm khi xin lỗi khi mắc sai lầm. Hình ảnh đó đã gắn chặt vào tiềm thức con trẻ lối sống và hành vi tiêu cực. Lớn lên, khi tiếp cận cuộc sống hiện đại mỗi ngày, người trẻ có nhiều mối bận tâm.
Thay vì chọn môi trường xã hội giao lưu kết bạn, họ làm bạn với máy móc, với công nghệ, hạn chế giao tiếp trực tiếp mà qua chat, qua tin nhắn. Những lời xin lỗi - cảm ơn đó ít được thể hiện qua điện thoại hay iPad. Nhiều bậc cha mẹ ùn ùn đưa con đến các lớp học kỹ năng để con mình trưởng thành, nhưng những lớp đó không khỏa lấp được sự thiếu thốn về giáo dục nhân cách…
Thật đáng lo khi càng ngày càng ít nghe người trẻ nói lời cảm ơn hay xin lỗi. Đặc biệt, khi những lời xin lỗi ngày càng ít đi trong cuộc sống xã hội thì lời cảm ơn hầu như không tồn tại. Trong khi đó, sự khiêm tốn, biết lỗi và biết ơn phải là một phần quan trọng trong cuộc sống. Muốn được đối xử tốt, trước hết phải đối xử tốt, có lý có tình với mọi người. Chuyện cảm ơn - xin lỗi, tưởng là chuyện nhỏ nhưng lại lớn không tưởng…