
Cần có lộ trình triển khai phù hợp để đảm bảo hài hòa lợi ích cho người dân Thủ đô
TS. Hoàng Dương Tùng cho rằng thời gian từ nay đến 1/7/2026 còn gần 1 năm, Hà Nội phải khẩn trương hành động, đẩy mạnh tuyên truyền và đặc biệt là tính toán phương án hỗ trợ người dân.
"Tôi nghĩ sẽ có tới hàng triệu xe máy phải chuyển đổi. Với số lượng lớn như vậy, chính quyền thành phố phải tính đến việc hỗ trợ người dân như thế nào?. Bên cạnh các chương trình đổi xe của doanh nghiệp, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân", chuyên gia nêu vấn đề.
Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam lưu ý Hà Nội cần khẩn trương quy hoạch, lắp đặt các trạm sạc công cộng để đáp ứng nhu cầu và bảo đảm an toàn.
Đồng tình về lộ trình cấm xe máy chạy xăng, PGS.TS Bùi Thị An (nguyên ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội) khẳng định: "Chỉ đạo của Thủ tướng là phù hợp với xu hướng chung của cả nước trong việc giải quyết vấn đề về môi trường, đặc biệt với Thủ đô càng có ý nghĩa quan trọng. Hà Nội là thành phố đông dân, ô nhiễm không khí gần như ở mức báo động, giao thông cũng là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm. Với yêu cầu như vậy tôi thấy rất phù hợp".
Tuy nhiên, PGS.TS Bùi Thị An cũng nhận định Hà Nội cần có lộ trình triển khai phù hợp để đảm bảo hài hòa lợi ích cho người dân Thủ đô. Cùng với đó là chuẩn bị nguồn kinh phí đáng kể hỗ trợ thay thế xe cho người dân, chuẩn bị hạ tầng cho xe điện...
Cấm xe máy xăng: Nếu không chuẩn bị tốt có thể gây nhiều hệ lụy tiêu cực kiểu "ngăn sông cấm chợ"
GS.TS Từ Sỹ Sùa - Giảng viên cao cấp Trường Đại học Giao thông vận tải cho rằng: "Việc cấm xe máy xăng trong khu vực trung tâm Thủ đô là phù hợp với xu thế khi nhiều đô thị trên thế giới cũng đã áp dụng hoặc có kế hoạch tương tự. Tuy nhiên, một chính sách đúng, nếu thiếu sự chuẩn bị đủ tốt, có thể gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực kiểu ngăn sông cấm chợ".
Theo GS.TS Sùa, để chủ trương này đi vào thực tiễn, cần một lộ trình được thiết kế bài bản cùng hàng loạt giải pháp về pháp lý, hạ tầng rất cụ thể với thời gian ít nhất 5 năm. Trong đó, đầu tiên cần chú trọng công tác truyền thông, giáo dục cho người dân lộ trình sử dụng phương tiện giao thông tại đô thị.
"Rất nhiều người dân hiện nay dùng xe máy xăng để di chuyển đến các bệnh viện, trường học, cơ quan ở khu vực trung tâm, trong khi điều kiện hạ tầng công cộng chưa đáp ứng đủ, họ biết phải sử dụng phương tiện gì để di chuyển vào khu vực trên? Nếu mua thêm hoặc chuyển sang xe máy điện sẽ ảnh hưởng đến kinh tế và mưu sinh, nhất là với dân lao động. Rồi sau này nếu cấm xe xăng thì việc xử lý vi phạm sẽ như thế nào? Ai là người kiểm soát trong một phạm vi rộng như vậy? Nếu làm không khéo sẽ dẫn đến ùn ứ, ách tắc giao thông, thậm chí lãng phí lớn nguồn lực", GS.TS Từ Sỹ Sùa lo ngại.
Chuyên gia nêu ra vấn đề, không thể chỉ cấm xe máy chạy xăng đơn lẻ mà phải đi cùng với nhiều giải pháp hỗ trợ bủa vây như: "Tăng cường hệ thống vận tải hành khách công cộng, tàu điện, xe buýt sử dụng năng lượng sạch, cùng với đó là các bãi gửi xe thuận lợi, giá rẻ. Đồng thời có chính sách khuyến khích người dân đổi xe máy cũ lấy xe điện mới, đặc biệt là lồng ghép, phối hợp hỗ trợ với nhà sản xuất, người tiêu dùng trong việc chuyển đổi phương tiện và phủ rộng hệ thống trạm sạc...Mục tiêu là tốt, nhưng phương pháp thực hiện phải đồng bộ, minh bạch, lấy người dân làm trung tâm. Nếu người dân thấy họ được lợi, đi lại thuận tiện họ sẽ tự nguyện làm theo, thay vì cảm thấy bị ép buộc".