Trao đổi với ĐTTC, TS. NGÔ TRÍ LONG, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả, cho rằng lộ trình sử dụng xăng E5 thay thế xăng RON92 là phù hợp, nhưng để bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng các cơ quan quản lý cần công bố giá cơ sở của cả xăng RON95 và E5, giúp họ giám sát giá bán của DN bán lẻ xăng dầu. TS. Long nói:
Trên thực tế, trong kỳ công bố giá cơ sở xăng dầu gần nhất (ngày 4-1), liên bộ Công Thương - Tài chính đã không công bố giá cơ sở xăng khoáng RON95, chỉ công bố giá cơ sở xăng E5 không đổi, như vậy giá xăng RON95 đang do các DN đầu mối bán lẻ xăng dầu tự quyết định.
Đồng thời liên bộ cũng ngừng trích quỹ bình ổn giá xăng dầu với sản phẩm xăng RON95. Việc này đã đẩy giá xăng RON95 trên thị trường cao hơn giá xăng E5 khoảng 2.000 đồng/lít. Theo đó, giá xăng RON95 những ngày gần đây đã tăng 760 đồng lên 20.690 đồng/lít. Theo tính toán của Bộ Công Thương, năm 2016 lượng tiêu thụ xăng cả nước đạt 7,4 triệu m3, trong đó xăng sinh học E5 chiếm khoảng 9% (590.000m3) lượng tiêu thụ xăng. Việc ngưng bán xăng khoáng RON92 sẽ làm cho lượng tiêu thụ xăng sinh học E5 tăng lên nhanh chóng trong năm nay, ước tăng lên khoảng 5,3 triệu m3/năm.
Việc công bố giá cơ sở xăng RON95 là để bảo vệ lợi ích người tiêu dùng.
PHÓNG VIÊN: - Theo ông người tiêu dùng đang bị ép phải sử dụng xăng sinh học E5?
TS. NGÔ TRÍ LONG: - Theo suy nghĩ của tôi không có việc gây sức ép buộc người tiêu dùng phải sử dụng xăng E5. Nhưng cần nhìn nhận xăng dầu từ trước tới nay là mặt hàng vật tư chiến lược, nằm trong diện bình ổn giá. Kể cả trong trường hợp hàng hóa không thuộc loại bình ổn giá cơ chế quản lý giá của nhà nước trong nền kinh tế thị trường luôn khuyến khích DN niêm yết giá hàng hóa. Hoạt động thương nghiệp văn minh là phải niêm yết giá, như chúng ta đang làm là yêu cầu hệ thống các siêu thị phải niêm yết giá sản phẩm khi bán.
Xăng dầu là mặt hàng đặc biệt thuộc diện bình ổn giá của Nhà nước, có nhiều chủng loại xăng dầu khác nhau. Giá bán các sản phẩm xăng dầu từ trước đến nay vẫn do Nhà nước định giá trần căn cứ vào giá cơ sở.
Thí dụ, trên thị trường giá bán lẻ 5 đồng/lít xăng, giá cơ sở 7 đồng/lít, Nhà nước sẽ quy định giá trần bán lẻ xăng 7 đồng/lít, các DN bán lẻ có thể cạnh tranh giá bán dưới mức 7 đồng/lít. Phải quy định giá cơ sở, và đó là giá trần để các DN bán lẻ không được bán vượt quá giá cơ sở, nhưng vẫn có thể thấp hơn.
Những năm qua, thông thường khi công bố giá cơ sở xăng dầu liên bộ Công Thương - Tài chính chỉ công bố xăng khoáng RON92. Và khi RON92 không còn bán trên thị trường, xuất hiện xăng E5 thay thế nhưng vẫn tồn tại loại xăng RON95.
Vì thế, việc không công bố giá cơ sở xăng RON95 là chưa đúng, cần phải được thực hiện để bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, đồng thời giúp người tiêu dùng có thể giám sát, tức thực hiện quyền chính đáng của họ. Đó là cơ chế quản lý giá theo thị trường, bất kỳ mặt hàng nào khi bán đều phải niêm yết giá, đặc biệt với mặt hàng trong diện bình ổn giá.
Nếu không công bố giá cơ sở xăng RON95, người dân không thể giám sát giá bán của các cây xăng. Để DN bán lẻ xăng dầu quyết định giá bán xăng RON95 là không đúng với Luật Quản lý giá. Bởi thực tế xăng dầu là mặt hàng đến nay chưa có cạnh tranh thực sự do sự độc quyền của một vài DN lớn. Vì vậy, Nhà nước phải quyết định và công bố giá trần các mặt hàng xăng dầu trong đó có xăng RON95.
- Việc ngừng trích quỹ bình ổn xăng dầu với mặt hàng xăng khoáng RON95 có phải là động thái tích cực khuyến khích người dân sử dụng xăng sinh học E5 thân thiện môi trường, thưa ông?
- Không trích quỹ bình ổn xăng dầu để trợ giá cho xăng RON95 và tạo ra khoảng cách lớn về giá giữa xăng RON95 và xăng E5, có thể coi là động thái khuyến khích dùng xăng sinh học E5. Nhưng hiện việc kiểm nghiệm chất lượng xăng E5 chưa có, trong khi chất lượng xăng sinh học E5 chỉ được các cơ quan chức năng liên quan công bố. Vì thế không thể dùng cơ chế giá để ép người tiêu dùng sử dụng xăng E5, khi chưa có căn cứ thực tế để người dân đánh giá chất lượng xăng sinh học này.
Các DN có thể khuyến khích người tiêu dùng sử dụng xăng sinh học E5 với giá bán hợp lý. Nhưng điều quan trọng hơn quỹ bình ổn xăng dầu không phải tiền từ ngân sách nhà nước, mà là tiền của người tiêu dùng đóng vào. Vì vậy cần có lộ trình để thực hiện, không thể ngay lập tức cắt bỏ việc trích quỹ bình ổn xăng dầu với xăng RON95 để ép người tiêu dùng phải mua xăng E5.
Ở nhiều nước để khuyến khích người tiêu dùng sử dụng xăng E5 ngân sách nhà nước phải bỏ ra để hỗ trợ. Sẽ không công bằng khi người dân đã bỏ tiền đóng quỹ bình ổn giá xăng dầu lại không được hưởng cơ chế hỗ trợ với xăng RON95.
- Ông có cho rằng việc khuyến khích sử dụng xăng E5 cũng nhằm cứu các dự án sản xuất ethanol đang gặp khó hiện nay?
- Không hoàn toàn như vậy, khuyến khích sử dụng xăng sinh học E5 có 3 mục đích chính. Thứ nhất, giảm khí thải môi trường hướng tới xây dựng nền kinh tế xanh đúng với các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Thứ hai, bảo đảm an ninh năng lượng. Bởi nếu chỉ dùng xăng khoáng, hay dựa vào khai thác dầu thô mà không có các nguồn khác để hỗ trợ như sử dụng xăng sinh học E5, E10, vấn đề bảo đảm an ninh năng lượng sẽ gặp khó khăn.
Thứ ba, tạo thuận lợi, đầu ra cho lĩnh vực sản xuất ethanol, đồng thời cũng tạo đầu ra cho nông nghiệp phát triển. Nguyên liệu để sản xuất ethanol là các sản phẩm nông nghiệp. Như vậy sử dụng xăng sinh học sẽ khuyến khích cả nông nghiệp phát triển, không chỉ cứu các nhà máy sản xuất ethanol đang gặp khó.
Vấn đề đặt ra trên thị trường xăng dầu hiện nay là phải tạo ra cơ chế cạnh tranh bình đẳng, không được áp đặt cơ chế về giá bán, ép buộc sản xuất, sử dụng xăng sinh học, không tính đến hiệu quả kinh tế là phi thị trường. Trong 7 dự án nhà máy sản xuất ethanol hiện nay có 3 dự án đã chết hẳn, còn 4 dự án đang khôi phục sản xuất nếu không cho ra đời các sản phẩm chất lượng cao sẽ không thể tồn tại trên thị trường.
- Xin cảm ơn ông.