Cân đối tài khóa, phục hồi nền kinh tế

(ĐTTCO) - TS. VŨ ĐÌNH ÁNH, chuyên gia kinh tế, cho rằng trong trung hạn, chính sách tài khóa đóng vai trò quan trọng phục hồi nền kinh tế, do đó việc cân đối tài khóa là nhiệm vụ phải giải quyết lúc này.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, một trong những nội dung của kỳ họp Quốc hội khóa XV lần này là xem xét kế hoạch cơ cấu kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, trong đó có điều chỉnh lại một số mục tiêu kinh tế. Ông nhận định thế nào về việc này?
TS. VŨ ĐÌNH ÁNH: - Việc Quốc hội điều chỉnh các mục tiêu kinh tế liên quan đến điều chỉnh quy mô GDP, bắt đầu từ năm nay đã tăng lên 25% so với cách tính ban đầu. Theo đó, tất cả chỉ tiêu về tài khóa, thu chi cũng như nợ công sẽ thay đổi.
Thí dụ mục tiêu lâu nay chúng ta vẫn đặt ra là thu NS khoảng 22-23%, chi NS 25-26%, mức thâm hụt khoảng 3-4% và trần nợ công 55-60% GDP. Do vậy, trong giai đoạn 2021-2025 thay đổi về cách tính GDP, những chỉ tiêu trên phải thay đổi vì quy mô GDP đã tăng lên.
Vì thế, tính toán về chính sách tài khóa như nới lỏng, thắt chặt hay linh hoạt liên quan đến dư địa để tính tăng nợ công đều phải dựa vào cách tính GDP mới. 
Hoạch định chính sách cho những năm tới cũng thay đổi. Bởi khi tăng trưởng GDP đã suy giảm liên quan đến phía cung, sự sụt giảm sản xuất kinh doanh của DN cũng như kinh tế hộ gia đình (đang chiếm đa số trong cơ cấu).
Biện pháp sử dụng phổ biến nhiều nước thực hiện là giảm các biện pháp thu nộp NS, tức giảm thu như các chính sách miễn, giảm thuế, kể cả liên quan đến thuế gián thu (VAT, các khoản thu đánh vào người tiêu dùng…).
Cân đối tài khóa, phục hồi nền kinh tế ảnh 1
- Vậy chính sách tài khóa trong giai đoạn tới sẽ thay đổi theo hướng nào để phù hợp với bối cảnh mới, thưa ông?
- Theo tôi sẽ có mấy vấn đề sau. Thứ nhất, đối với thu NSNN. Năm 2021 kinh tế chịu tác động rất lớn, kể cả tăng trưởng cấp vĩ mô cũng như hoạt động cấp vi mô của các DN. Có điểm khác là thu NS vẫn được dự tính là vượt dự toán. Từ đây nảy sinh vấn đề, khi tăng trưởng kinh tế bị suy giảm do tác động bởi dịch bệnh Covid-19 sẽ tác động như thế nào đến thu NS?
Thu NS dựa vào đâu để có thể đề ra vượt dự toán, dù tăng trưởng suy giảm, không đạt được mục tiêu ban đầu? Dự toán NS 2021 khác gì, đã cập nhật được GDP mới? Nói cách khác phần tính thêm vào GDP có đóng góp vào thu NS hay không vẫn chưa rõ.
Thứ hai, đối với nhóm chi NS, ở đây chủ yếu liên quan đến chi đầu tư công. Bối cảnh dịch Covid-19 khu vực kinh tế ngoài nhà nước bị tác động mạnh, kể cả hoạt động của DN và đầu tư, họ buộc phải chờ những động thái kích thích nền kinh tế từ khu vực nhà nước. Trong bối cảnh hiện nay, chi đầu tư công có thể phải đảm bảo tốc độ giải ngân và tăng quy mô.
Đây là kinh nghiệm từ các khủng hoảng kinh tế thế giới 1997-1998, 2008 -2009, tất cả đều phải trông cậy vào việc tăng đầu tư từ khu vực nhà nước. Do đó, đối với đầu tư công phải đảm bảo giải ngân hết khoản đầu tư đã bố trí, khoản đầu tư bổ sung, đặc biệt là đầu tư về cơ sở hạ tầng. 
- Thâm hụt NS vốn được xem là “bệnh kinh niên” đã kéo dài trong nhiều năm qua, ông đánh giá thế nào về tình trạng này?
Giai đoạn 2021-2025, chúng ta đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5-7% trong bối cảnh năm 2020 dịch Covid-19 chưa diễn biến phức tạp. Do đó, Quốc hội phải điều chỉnh chính sách để vừa đối phó với dịch bệnh, vừa đảm bảo bám sát mục tiêu tăng trưởng.
- Thâm hụt NS chủ yếu liên quan đến chi thường xuyên nhiều hơn. Do đó nếu muốn dành nhiều nguồn lực cho chi đầu tư, chi thường xuyên sẽ phải tiếp tục cắt giảm.
Theo đó, có mấy vấn đề phải giải quyết: Thứ nhất, chi thường xuyên phần lớn dành cho chi lương liên quan đến thu nhập khả dụng (khả năng thanh toán) của một bộ phận mà thu nhập của họ gắn với NSNN (hiện khoảng 11 triệu người).
Tuy nhiên hiện nay không nên tiết kiệm chi ở việc dừng các kế hoạch về tăng lương hay cải cách tiền lương như trước đây đã làm, mà phải làm ngược lại, tức là tăng lương cũng như tăng mức độ lên để đảm bảo thu nhập cho người hưởng lương và phụ cấp từ NSNN, thông qua đó kích cầu thị trường trong nước, giải quyết đầu ra cho sản phẩm. Tiết kiệm ở đây là tiết kiệm những khoản chi ngoài lương lãng phí, khoản chi trong dự toán NS không thể chi được (như công tác phí, hội thảo, hội nghị…).
Những khoản này nên chuyển sang hình thức khác, hoặc cắt bớt. Nên tiết kiệm chi phải làm mạnh hơn nữa, đặc biệt về dự toán cho NS chi thường xuyên. 
Thứ hai, thâm hụt NS năm nay vào khoảng 4% theo như số liệu từ tính toán của Bộ Tài chính và Bộ KH-ĐT. Thực ra con số 4% đã tăng rất nhiều so với những năm trước, vì mức này tính trên quy mô GDP mới. Để giữ mức thâm hụt ở 4%, thậm chí hạ xuống dưới mức dự toán chỉ còn trông cậy vào chi thường xuyên giảm bớt. Nhưng khó khăn lớn đặt ra là chi thường xuyên trong giai đoạn 2021-2025 vẫn phải bố trí khoản chi lớn cho phòng chống dịch bệnh.
Ngoài khoản chi dự phòng đã bố trí theo các năm, trong khoản chi dự phòng hiện nay không có chi dự phòng cho dịch bệnh, kể cả chi đầu tư cho trang thiết bị y tế. Do đó cần bố trí khoản riêng nằm trong cả chi NS liên quan đến phòng chống dịch bệnh, kể cả với phương án dịch bệnh kéo dài với kịch bản nặng hơn năm 2021.
- Ông đánh giá thế nào về khả năng Việt Nam vay thêm nợ và mở rộng tài khóa để kích thích kinh tế, lấy lại đà tăng trưởng?
- Với việc tăng quy mô GDP như hiện nay, về danh nghĩa chúng ta đã có dư địa khá lớn cho việc vay nợ để bù đắp các khoản chi. Nhưng dư địa lớn không có nghĩa vay mà thả nổi nợ công. Hiện nay nợ công trên 40%, dư địa có thể lên 55%.
Các khóa trước chúng ta từng dự định đưa tỷ lệ nợ công từ 60% xuống 55%, từ đó giảm trong 5 năm khoảng 5%, kể cả nợ Chính phủ lẫn nợ nước ngoài tính trên GDP. Về cơ bản, vay nợ vẫn là cách thực hiện các chính sách sao cho đảm bảo các mục tiêu về tăng trưởng cũng như ổn định về kinh tế vĩ mô.
Còn việc điều chỉnh các mục tiêu về kinh tế vĩ mô có lẽ chưa thực sự cần thiết vì cơ sở, căn cứ của nó hiện nay phụ thuộc vào những yếu tố còn khó xác định. Đơn cử như vấn đề kiểm soát dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam cũng như trên toàn cầu.
Trong giai đoạn 2021-2025, đối với các khoản chi để phòng chống dịch bệnh, đặc biệt liên quan đến các khoản chi về thiết bị y tế, test nhanh, điều trị, vaccine… không thể trông chờ vào quỹ chi dự phòng trong dự toán, cần phải có bố trí từ các khoản chi riêng, đồng thời cần tính toán đến các nguồn lực chúng ta đang sử dụng để miễn giảm, hỗ trợ chính sách cho người lao động. Đó là nguồn lực từ các quỹ tài chính nhà nước ngoài NS.
Thí dụ, vừa rồi Chính phủ lập Quỹ vaccine hay Quốc hội đã đồng ý cho Chính phủ sử dụng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Hay tới đây chúng ta đang tính toán đến việc sử dụng một phần các chính sách trong an sinh xã hội liên quan đến các quỹ, như Quỹ dự trữ ngoại hối vào chi cho phòng chống dịch.
 Chúng ta có khoảng 40 quỹ dự trữ tài chính nhà nước ngoài NS, cần có biện pháp huy động, đưa các quỹ này vào các gói chung, kể cả nguồn NS lẫn quỹ này cho tăng trưởng kinh tế cũng như hỗ trợ DN, người lao động. 
- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác