Cần giải pháp dài hạn giảm áp lực thu

(ĐTTCO) - Trao đổi với ĐTTC, TS. LÊ ĐĂNG DOANH (ảnh), nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng việc Bộ Tài chính buộc phải đề xuất tăng thu các loại thuế, phí do nguồn thu không đảm bảo, trong khi chi rất lớn, điều này đã gây nên áp lực cho ngân sách. Vì thế, để nguồn thu ngân sách đảm bảo cần có giải pháp dài hạn.

Cần giải pháp dài hạn giảm áp lực thu ảnh 1  
PHÓNG VIÊN: - Vừa qua, Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính đề xuất các bộ, ngành nghiên cứu thu phí bảo vệ môi trường (BVMT) với khí thải. Dư luận cho rằng đề xuất này chưa phù hợp vì hiện đã thu thuế môi trường đối với xăng dầu. Ý kiến của ông về vấn đề này?
TS. LÊ ĐĂNG DOANH: - Trước hết, cá nhân tôi rất thông cảm với Bộ Tài chính, vì các khoản chi ngân sách của ta hiện rất lớn, trong khi nguồn thu không đảm bảo. Đặc biệt các khoản thu từ thuế nhập khẩu từ năm 2019 một số sẽ không còn, hoặc giảm mạnh do Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA). Trong khi đó, Bộ Tài chính đang rất cần nguồn thu, buộc phải tính đến các phương án thu thuế, phí đối với một số lĩnh vực như đã đề xuất.
Ở đây, nếu thu phí khí thải, tất cả ngành, sản phẩm làm ra có liên quan đến vận tải đều tăng theo, bởi nó buộc các DN kinh doanh vận tải phải tăng giá để bù vào phần phí khí thải. Đó là tác động trực tiếp ai cũng có thể thấy. Ở góc độ vĩ mô, khi giá thành sản phẩm sản xuất ở Việt Nam tăng lên sẽ khiến DN Việt khó cạnh tranh với DN nước ngoài đang có chung hàng hóa xuất khẩu vào Việt Nam.
Khi DN không cạnh tranh được cũng sẽ không tạo được công ăn việc làm, và không tạo ra được tốc độ tăng trưởng kinh tế như mong muốn. Đây là điều chúng ta phải hết sức chú ý. 
- Hiện nay nước ta còn thành phần kinh tế ngoài GDP, nghĩa là tồn tại nhưng Nhà nước không tính được và cũng không đóng góp gì cho ngân sách, như các quán ăn, quán trà đá... Việc cơ quan chức năng muốn áp và tính thuế đối với thành phần này có khả thi, thưa ông?
- Vấn đề ở đây cần phải đánh giá cụ thể là xem nếu cơ quan chức năng thu thuế sẽ thu bằng cách nào, khoản thuế thu được có tương xứng với chi phí phải bỏ ra đầu tư cho quá trình vận hành việc thu thuế hay không. Vì hiện nay chúng ta chưa có công cụ tính thuế và thu thuế hữu hiệu đối với các thành phần kinh tế này.
Theo tôi, cơ quan chức năng cần nhìn ở hướng tích cực hơn, tức phải đặt trong bức tranh chung của xã hội, của nền kinh tế. Những thành phần kinh tế nói trên dù không đóng góp cho ngân sách nhiều, song lại giải quyết được vấn đề rất quan trọng, đó là tạo việc làm cho người lao động, giảm gánh nặng và áp lực cho xã hội.
Do đó, Nhà nước cần có chính sách để khuyến khích họ sản xuất tạo ra công ăn việc làm và thu nhập. Cũng nên khuyến khích họ đầu tư kinh doanh lớn hơn, để họ phát triển thành DN chẳng hạn, đến lúc đó tính thuế sẽ hợp lý hơn.
Cần giải pháp dài hạn giảm áp lực thu ảnh 2 Nhiều cơ sở sản xuất gỗ với doanh thu cực lớn, nhưng vẫn được xem là kinh tế hộ gia đình.
- Có ý kiến cho rằng ngành thuế lâu nay đang để một khoảng trống trong thành phần kinh tế hộ gia đình, và đây là thành phần chưa đóng góp nhiều cho nguồn thu ngân sách?
- Hiện nay đang có sự nhập nhèm giữa kinh tế tư nhân và kinh tế hộ gia đình, dẫn đến chưa xác định được đối tượng thu và nguồn thu chưa tương xứng. Theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, kinh tế hộ gia đình hiện đang chiếm đến 32,3% GDP nhưng chỉ đóng góp dưới 2% vào ngân sách nhà nước theo cơ cấu nguồn thu. Đây là điều bất cân xứng.
Tôi lấy dẫn chứng tại Hà Nội, có những hộ gia đình sản xuất có lao động lên đến 200 người, hay có những gia đình kinh doanh 4-5 quán karaoke, 3-4 nhà hàng, nhưng vẫn đóng theo hình thức thuế khoán.
Ở Bắc Ninh, có cơ sở làm gỗ xuất khẩu 1 năm lên đến 200 tỷ đồng, thuê hàng chục lao động nhưng vẫn được xem là kinh tế hộ gia đình. Trong khi đó, theo quy định của Luật DN 2014, hộ kinh doanh sử dụng thường xuyên trên 10 lao động phải đăng ký thành lập DN. Do đó, nếu cơ sở kinh doanh hộ gia đình trên 10 lao động thường xuyên làm việc cần phải có cơ chế nào đó khuyến khích họ lập DN và nộp thuế theo quy định của Nhà nước.
- Vậy cần có giải pháp như thế nào để đảm bảo nguồn thu ngân sách sao cho hợp lý, thưa ông?
- Thu chi ngân sách cần phải công khai, minh bạch, có trách nhiệm giải trình. Về dài hạn, cần phải cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và kinh doanh theo hướng công khai và minh bạch hơn. Phải tạo ra động lực để khuyến khích người dân kinh doanh và DN phát triển. Bởi không phải thuế môi trường, phí khí thải hay thuế của bà bán bún, ông xe ôm, mà DN mới chính là đối tượng đóng góp đáng kể và có tính ổn định cho nguồn thu ngân sách của Nhà nước.
Trong kinh tế học trọng cung, có khái niệm đường cong Laffer (đặt theo tên nhà kinh tế học Authur Laffer) biểu diễn hàm số của thuế suất. Theo đó, nếu Nhà nước đánh thuế 100% sẽ không ai làm việc chỉ để nộp thuế chẳng giữ lại được gì cho mình. Đánh thuế như vậy sản xuất sẽ ngưng trệ.
Laffer đã vẽ đường parabol, trong đó thể hiện rằng Nhà nước chỉ thu được mức thuế cao nhất khi áp dụng mức thuế thấp, sao cho khuyến khích người dân kinh doanh và sinh ra lợi nhuận nhiều, nhà nước mới thu được thuế nhiều.
- Xin cảm ơn ông.
 Cơ quan chức năng cần xây dựng phương án dài hạn sao cho đảm bảo được 2 yếu tố: Một, ngành thuế vẫn thu thuế được một cách hợp lý, có tính thuyết phục, được mọi người chấp nhận. Hai, phải đảm bảo không làm giảm số người hoạt động kinh doanh cũng như cung ứng dịch vụ, khuyến khích họ kinh doanh phù hợp với luật pháp.

Các tin khác