Mới đây, Bộ Công Thương đã có văn bản báo cáo số 119/BC-BCT về Dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện Mặt Trời tại Việt Nam.
Bộ Công Thương kiến nghị báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Quyết định về cơ chế khuyến khích phát triển điện Mặt Trời tại Việt Nam theo phương án 1 giá điện áp dụng trên toàn quốc. Dự kiến thời gian tới, Chính phủ sẽ họp để bàn cụ thể về vấn đề này.
Mức giá được đề xuất cho các dự án Mặt Trời mặt đất là 1.620 đồng/kWh (tương đương 7,09 cent); điện Mặt Trời nổi là 1.758 đồng/kWh (tương đương 7,69 cent), còn giá mua của điện Mặt Trời mái nhà là 2.156 đồng/kWh (tương đương 9,35 cent).
Mặc dù mức giá mua điện đã giảm nhưng một số nhà đầu tư nhận định đây vẫn là mức giá đủ hấp dẫn để thu hút các dự án điện sạch.
Theo tiến sỹ Vũ Thắng, Trưởng đại diện mảng Quang điện và Lưu trữ Năng lượng của Công ty Năng lượng Sungrow, hiện doanh nghiệp có 2 mảng chính: kinh doanh inverter cho các nhà máy điện Mặt Trời và điện áp mái, cung cấp cho 24/89 dự án ở Việt Nam.
Ngoài ra, công ty này cũng đầu tư 3 dự án nhà máy điện Mặt Trời ở Việt Nam, mỗi nhà máy 30MW, tổng công suất là 90 MW.
Đối với điện áp mái, ông Vũ Thắng cho rằng giữ nguyên mức giá là một chính sách rất là tốt để khuyến khích các nhà đầu tư. Bởi lẽ, đầu tư điện áp mái sẽ có thể giảm tiêu thụ điện ngay tại phụ tải, sẽ không phải mất tổn hao trên đường truyền tải.
Còn đối với điện Mặt Trời mặt đất, mức giá mới trong dự thảo thực ra vẫn hấp dẫn, vì so sánh với các mức giá trên thế giới, đây vẫn là mức giá tương đối tốt. Vấn đề là nhà đầu tư có tối ưu được các nguồn lực, tài chính của mình để làm dự án một cách có hiệu quả hay không.
Nếu các dự án điện Mặt Trời nói riêng và năng lượng tái tạo nói chung có thể được thưc hiện theo cơ chế đấu thầu thì sẽ càng tốt hơn nữa. Các dự án có giá bán điện tốt nhất hiện nay hầu hết đều theo hình thức đấu thầu.
Ông Phan Ngọc Ánh, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Công nghệ năng lượng Alena, hiện nay Việt Nam là một trong những nước có chính sách thu hút đầu tư điện năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió và điện Mặt Trời tốt nhất khu vực Đông Nam Á và có thể nói là tốt nhất châu Á hiện nay.
Với xu hướng hiện nay Nhà nước đưa ra, mức giá mua điện cao sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực này. Dự báo, lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam sẽ tiếp tục có tốc độ tăng trưởng cao thời gian tới.
“Kể cả giá điện có giảm như phương án đề ra thì vẫn đảm bảo lợi nhuận cho nhà đầu tư trong lĩnh vực này. Nên đưa về một giá như đề xuất, trong miền Nam sinh ra điện Mặt Trời tốt thì phải làm sao để khuyến khích khu vực đó phát triển tốt hơn, chứ không phải giảm giá để hạn chế phát triển. Còn nâng giá miền Bắc lên để khuyến khích đầu tư ra phía Bắc thì sẽ vừa hiệu quả kém hơn, vừa lãng phí đầu tư, bởi suất đầu tư là không thay đổi," ông Phan Ngọc Ánh nhận định.
Vướng mắc chính của doanh nghiệp hiện tại là Nhà nước cần rõ ràng và minh bạch hơn trong việc ký hợp đồng mua bán điện (PPA) và thời gian ký hợp đồng như thế nào để doanh nghiệp có thể thực hiện nhanh chóng hơn. Bởi lẽ, việc xây dựng nhà máy điện Mặt Trời khá nhanh nên chính sách đi chậm thì sẽ làm chậm cả giai đoạn phát triển, ông Ánh nói thêm.
Đại diện Công ty Công nghệ Clenergy, ông Vincent Chan, Giám đốc bán hàng cho hay: “Giá điện trước đây cho điện Mặt Trời là 9,35 cent/kWh là một mức giá rất cạnh tranh và mức giá này vừa hết hạn hồi 30/6/2019. Chúng tôi cũng đang chờ giá điện mới từ Chính phủ Việt Nam. Tuy nhiên, dù giá FIT (giá bán điện năng sản xuất ra từ nguồn năng lượng thứ cấp được cung cấp vào hoặc bán cho lưới điện) mới cho điện Mặt Trời có thấp hơn một chút thì cũng là rất tiềm năng và hấp dẫn các nhà đầu tư."
Tuy nhiên, trao đổi với báo chí ở hướng ngược lại, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng cần thực hiện giá mua điện Mặt Trời nối lưới theo nhiều vùng (2-4 vùng) thay cho giá mua điện chung trong cả nước, tránh tình trạng mất cân đối, nơi thì tập trung nhiều dự án, nơi không có doanh nghiệp đầu tư, gây quá tải cục bộ, ảnh hưởng đến an toàn cung cấp điện của hệ thống.
Tại văn bản số 48/HHNL-VP gửi Thủ tướng Chính phủ, ông Trần Viết Ngãi cho rằng cường độ bức xạ của Việt Nam thay đổi nhiều theo các vùng, các tỉnh miền Bắc có bức xạ thấp nhất, bình quân khoảng 3,7 kWh/m2/ngày, trong khi các tỉnh phía Nam, khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên có bức xạ bình quân lên đến 4,8-5,1 kWh/m2/ngày (gấp gần 1,4 lần), dẫn đến các dự án điện Mặt Trời nối lưới đang phát triển tập trung tại một số địa phương có cường độ bức xạ lớn, gây quá tải cục bộ, ảnh hướng đến an toàn cung cấp điện của hệ thống.
Ông Ngãi cũng cho biết nơi nào hiệu ứng Mặt Trời, thời gian Mặt Trời ít hơn thì giá điện Mặt Trời phải cao hơn, sẽ khuyến khích được doanh nghiệp đầu tư vào dự án nơi này.
Cùng với đó, việc phân bổ được hệ thống đầu tư vào năng lượng tái tạo đi đôi với hệ thống truyền tải, kết nối lưới điện để phân bố dòng điện đi hợp lý hơn. Nếu dồn một giá thì các doanh nghiệp sẽ đầu tư hết vào miền Nam và miền Trung, còn miền Bắc chẳng doanh nghiệp nào muốn đầu tư cả. Điều này dẫn tới nơi mật độ đầu tư dự án quá dày, nơi không có dự án, tạo bất cập, thiếu cân bằng trong phân bổ dự án...
Tại báo cáo số 119/BC-BCT, Bộ Công Thương cũng nêu ra những điểm yếu của phương án một giá điện Mặt Trời áp dụng trên cả nước. Theo Bộ này, giá điện chia theo 1 vùng như Bộ kiến nghị đơn giản và không cần hỗ trợ cao hơn tại các vùng có bức xạ thấp. Tuy nhiên, phương án này sẽ kém khuyến khích hơn đối với các dự án tại khu vực miền Bắc-Trung để góp phần giải quyết nguy cơ thiếu điện.
Cùng với đó, việc tập trung nhiều dự án điện Mặt Trời tại các khu vực tiềm năng bức xạ tốt nên có nguy cơ quá tải lưới truyền tải. Do các dự án tập trung tại một vùng nên khả năng vận hành hệ thống điều độ, đền bù giải phóng mặt bằng cũng khó khăn hơn.
Dù vậy, văn bản 119/BC-BCT của Bộ vẫn “chốt” phương án 1 giá và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, xem xét, phê duyệt theo phương án 1 giá điện áp dụng trên toàn quốc.