DỰ THẢO LUẬT KINH DOANH BĐS

Cần quy định cụ thể, rõ ràng hơn

Dự thảo Luật kinh doanh BĐS (sửa đổi) vừa được Bộ Xây dựng trình Ủy ban Kinh tế Quốc hội, sau đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến vào ngày 10-3 tới, trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7. Đây là dự thảo mới nhất sau nhiều lần tiếp thu ý kiến đóng góp, đặc biệt là giới kinh doanh BĐS. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị cần làm rõ thêm một số điểm. ĐTTC đã trao đổi với ông Nguyễn Duy Minh, Tổng giám đốc Hưng Thịnh Land, xung quanh vấn đề này.

Dự thảo Luật kinh doanh BĐS (sửa đổi) vừa được Bộ Xây dựng trình Ủy ban Kinh tế Quốc hội, sau đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến vào ngày 10-3 tới, trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7. Đây là dự thảo mới nhất sau nhiều lần tiếp thu ý kiến đóng góp, đặc biệt là giới kinh doanh BĐS. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị cần làm rõ thêm một số điểm. ĐTTC đã trao đổi với ông Nguyễn Duy Minh, Tổng giám đốc Hưng Thịnh Land, xung quanh vấn đề này.

PHÓNG VIÊN: - Theo ông đâu là điểm mới của dự thảo sửa đổi Luật Kinh doanh BĐS?

Ông NGUYỄN DUY MINH: - Tôi cho rằng dự thảo lần này có những thông tin đáng chú ý, nếu được triển khai sẽ giúp kinh doanh BĐS thuận lợi hơn cũng như kích thích, huy động nhiều nguồn lực cho thị trường. Việc sửa đổi Luật Kinh doanh BĐS sẽ tạo ra chế tài đủ mạnh để tạo lập thị trường BĐS phát triển minh bạch, ổn định. Đó là quy định mua bán BĐS không cần thông qua sàn giao dịch như luật hiện hành.

Một điểm mới khác là quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài được kinh doanh BĐS như các tổ chức, cá nhân trong nước. Tổ chức, cá nhân nước ngoài được kinh doanh BĐS theo 4 hình thức: đầu tư xây dựng nhà, công trình xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua; thuê nhà, công trình xây dựng để cho thuê lại; đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật trên đất thuê để cho thuê lại đất đã có hạ tầng kỹ thuật; thuê quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật để cho thuê lại…

Đây là điều kiện tốt để thị trường BĐS hấp thụ nguồn vốn từ nước ngoài nhằm tạo sự cạnh tranh, thúc đẩy thị trường phát triển tốt hơn, tạo ra những sản phẩm, dự án ngày càng hoàn hảo và đem lại lợi ích cho người tiêu dùng. Đặc biệt, việc đề xuất bỏ giao dịch BĐS thông qua sàn cũng là tiếp thu những quy định bất hợp lý trước đó.

- Là doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh BĐS, ông nhận định về quy định vốn tối thiểu cho doanh nghiệp kinh doanh BĐS 50 tỷ đồng có hợp lý?

- Đây là nội dung cần phải làm rõ, bởi lẽ hoạt động kinh doanh BĐS rất đa dạng, phong phú. Nếu đơn thuần chỉ hoạt động môi giới hay quản lý tòa nhà, doanh nghiệp chỉ cần đầu tư về nguồn lực con người không cần thiết phải có đến 50 tỷ đồng. Nhưng nếu anh đầu tư dự án, 50 tỷ đồng là số vốn còn quá khiêm tốn. Ngoài nội dung này, nhiều quy định khác trong dự thảo cũng cần phải làm rõ.

Qua thực tiễn hoạt động đầu tư, kinh doanh, tôi thấy rằng mỗi quy định đều có 2 mặt của nó. Một trong những điểm mới trong dự thảo Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi là cho phép chủ đầu tư được cho thuê, cho thuê mua BĐS hình thành trong tương lai, thay vì chỉ được cho thuê, cho thuê mua BĐS đã có sẵn như quy định hiện hành.

Điều này tạo thuận lợi cho chủ đầu tư huy động vốn, khai thác từng phần công trình trong quá trình xây dựng; người thuê tham gia cùng với chủ đầu tư dự án trong việc hoàn thiện thiết kế, giám sát quá trình thi công xây dựng, hoàn thiện BĐS. Kết quả cuối cùng là tránh được việc người thuê phải cải tạo, sửa chữa lại cho phù hợp với công năng, mục đích, yêu cầu sử dụng của mình, gây tốn kém, lãng phí.

Tuy nhiên, điều này cũng có hạn chế, như sau khi chủ đầu tư thu tiền khách hàng, vì lý do gì đó dự án không triển khai được sẽ phát sinh nhiều phức tạp. Còn theo quy định hiện hành, có sản phẩm rồi chủ đầu tư mới được mua bán, cho thuê sẽ hạn chế những rủi ro.

Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi cần quy định cụ thể, rõ ràng hơn. Ảnh: LONG THANH

Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi cần quy định cụ thể, rõ ràng hơn. Ảnh: LONG THANH

- Như vậy, theo ông những bất cập hiện nay trong kinh doanh BĐS sẽ được khắc phục?

- Thực tế cho thấy Luật Kinh doanh BĐS hiện hành có những quy định đặt ra nhưng không đạt được mục tiêu của nó. Thí dụ, việc quy định giao dịch BĐS tại các dự án phải thông qua sàn. Mục đích này nhằm giúp các cơ quan chức năng có được những số liệu, thông tin thị trường, để từ đó có những chính sách, quy hoạch phù hợp hơn.

Nhưng trong thực tế việc kiểm tra, giám sát hầu như bị bỏ ngỏ. Hay trước kia khi mở sàn giao dịch phải đảm bảo về điều kiện mặt bằng, nhân sự và chứng chỉ do Sở Xây dựng cấp… Nay dự thảo quy định hành nghề môi giới phải có giấy phép hành nghề do Bộ Xây dựng sát hạch và cấp, người xin cấp chứng chỉ phải có trình độ đại học trở lên.

Cả nước có biết bao nhiêu nhân sự hành nghề môi giới, liệu Bộ Xây dựng có quá tải và có cần thiết để làm việc này? Theo tôi, về cơ bản dự thảo Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi đáp ứng được yêu cầu từ cuộc sống thực tiễn nhưng cần có quy định cụ thể, rõ ràng hơn.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác