Cẩn thận hóa đơn tiền điện tăng vọt

(ĐTTCO)-Để tránh "nóng mặt" khi nhận hóa đơn tiền điện mùa nắng nóng, người dân nên kiểm soát chỉ số tiêu thụ điện hằng ngày, tránh dùng nhiều, rơi vào bậc thang giá cao.
Nắng nóng, nhiều hộ dân lắp đặt máy lạnh khiến tăng lượng điện tiêu thụ và tăng tiền điện - Ảnh: TỰ TRUNG
Nắng nóng, nhiều hộ dân lắp đặt máy lạnh khiến tăng lượng điện tiêu thụ và tăng tiền điện - Ảnh: TỰ TRUNG

Nắng nóng bắt đầu gay gắt, ngành điện dự báo mức tiêu thụ điện sẽ tăng mạnh trong tháng 5.

Hóa đơn tiền điện đã tăng

Gia đình bà Nguyễn Phương Thảo (ngụ quận 7, TP.HCM) vừa nhận được hóa đơn tiền điện tháng 4 với số tiền thanh toán gần 1,8 triệu đồng với chỉ số tiêu thụ điện là 653kWh, cao hơn mức tiêu thụ điện cùng thời điểm này năm ngoái. 

Trong khi đó, các tháng đầu năm, gia đình chỉ trả hóa đơn tiền điện từ 1,2 - 1,4 triệu đồng. Theo bà Thảo, do thời điểm nắng nóng, gia đình bà dùng điều hòa, quạt điện nhiều hơn.

Mở quán cà phê tại quận Bình Thạnh, bà Vũ Thanh Hoa cho biết năm nay tiền điện có tăng nhẹ giữa tháng 2 và tháng 3. 

Cụ thể tháng 2 bà Hoa phải trả 503.000 đồng tiền điện, đến tháng 3 (tức trả cho kỳ sử dụng điện của tháng 2) có thời điểm trời nắng nên bà có sử dụng thêm một số quạt máy cho khách, tiền điện đã tăng lên 552.000 đồng.

Cẩn thận hóa đơn tiền điện tăng vọt - Ảnh 2.

Tiêu thụ điện tăng cao vào tháng 5

Trao đổi về nỗi lo của người dân khi tiền điện "đến hẹn lại tăng", ông Bùi Trung Kiên - phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM - cho biết năm nay sản lượng sử dụng điện của người dân trong tháng 3 có tăng nhưng tháng 4 dự báo sẽ giảm do thời tiết có mưa, nhiệt độ không oi bức, người dân ít sử dụng thiết bị làm mát.

Đơn vị này dẫn chứng sản lượng tiêu thụ bình quân ngày với tháng 3 năm nay là 81,2 triệu kWh/ngày, vượt hơn 2,14% so với tháng 3-2021 là 79,5 triệu kWh/ngày. 

Trong khi đó, tháng 4 năm nay sản lượng tiêu thụ bình quân đạt 79,5 triệu kWh/ngày, giảm 1,24% so với tháng 4-2021 là 80,5 triệu kWh/ngày. Theo ông Kiên, dự báo đến tháng 5 chỉ số này lại tăng cao, đạt đỉnh mùa khô với sản lượng từ 81,22 - 84,35 triệu kWh/ngày.

Trả lời về giải pháp để hạn chế tiền điện tăng và những hóa đơn có con số khiến người dân "méo mặt", ông Kiên cho biết người dân cần theo dõi chỉ số tiêu thụ điện của gia đình hằng ngày qua ứng dụng, nếu phát hiện sản lượng tiêu thụ tăng cao bất thường cần điều chỉnh.

"Hiện nay đã có 13/15 công ty điện lực tại thành phố đã hoàn thành lắp đặt côngtơ đo xa, chỉ còn 2% khách hàng chưa được lắp. 

Thông qua ứng dụng của ngành điện và tổng đài đa kênh, người dân có thể theo dõi chỉ số điện tiêu thụ, so sánh chỉ số tiêu thụ của các tháng, cùng kỳ... Mỗi ngày khách hàng vào ứng dụng xem hôm nay gia đình mình đã xài hết bao nhiêu sản lượng điện. Nếu nhiều thì rà soát lại để điều chỉnh. Đây là cách hiệu quả nhất", ông Kiên nói.

Cũng theo ông Kiên, trong 3 tháng đầu năm, việc phục hồi sử dụng điện đang tập trung ở nhóm khách hàng sử dụng điện sinh hoạt. Nhóm khách hàng này có sản lượng sử dụng điện tăng 10,36% so với cùng kỳ năm 2021.

Các tin khác