Cần tìm động lực tăng trưởng mới cho doanh nghiệp

(ĐTTCO) - Ngày 12-4, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tổ chức “Diễn đàn doanh nghiệp 2024: Khơi thông động lực tăng trưởng mới”.

Tại diễn đàn, các chuyên gia nhận định, kinh tế Việt Nam quý I tuy có những “điểm sáng”, nhưng cộng đồng DN vẫn gặp nhiều khó khăn. Dẫn chứng lại số liệu của Tổng cục Thống kê, 3 tháng đầu năm, cả nước có gần 60.000 DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, nhưng số DN rút lui khỏi thị trường thì nhiều hơn, lên đến gần 74.000 DN, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2023. Bình quân mỗi tháng có gần 25.000 DN rút lui khỏi thị trường.

Thiếu đơn hàng và khó tiếp cận vốn được xác định là nguyên nhân chính khiến DN cắt giảm quy mô sản xuất, rời khỏi thị trường.

dong luc tang truong moi.jpg
Tại diễn đàn, các chuyên gia nhận định "sức khỏe" DN là nguồn lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Theo ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV Hà Nội, bức tranh hoạt động sản xuất và kinh doanh của DN hiện vẫn chưa được cải thiện đáng kể. Đơn cử, thống kê khảo sát riêng các DN ở Hà Nội cho thấy, có tới 52% DN đang lâm vào tình trạng thiếu đơn hàng để sản xuất, 32% DN khó tiếp cận vốn và 9% DN lo ngại hình sự hóa trong hoạt động kinh tế.

Trong khi đó, ông Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế nêu lên một nghịch lý đang diễn ra: "Việt Nam đang tham gia 19 hiệp định thương mại tự do (FTA), việc thực thi FTA đã tạo động lực, mở rộng thị trường, cơ hội thương mại, xuất nhập khẩu và đầu tư, tuy nhiên các DN trong nước vẫn chưa khai thác hết các lợi thế này".

“Con số tăng trưởng xuất khẩu trong quý I chủ yếu đến từ khối các DN FDI, còn các DN trong nước thì chiếm tỷ trọng rất nhỏ”, ông Anh nhận xét.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, cho rằng chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo động lực phát triển mới là quá trình chuyển đổi về tư duy, nhận thức và hành động. Bên cạnh những thuận lợi, thời cơ là những khó khăn, thách thức đan xen.

“Theo tôi, khó khăn lớn hiện nay là nguồn lực đầu tư. Chỉ riêng chuyển đổi xanh, theo ước tính của Ngân hàng Phát triển châu Á, Việt Nam cần khoảng 368 tỷ USD từ nay đến 2040, tương đương 20 tỷ USD mỗi năm. Trong khi đó, thị trường tài chính xanh quy mô còn nhỏ, chưa có cơ chế, chính sách khuyến khích dòng vốn tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực xanh.

Với những động lực tăng trưởng mới khác như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ… dù các bộ ngành đã kịp thời đề xuất và xây dựng các cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý cho các DN hoạt động đầu tư kinh doanh nhưng đến nay nhiều văn bản, quy định pháp luật còn đang trong quá trình hoàn thiện”, đại diện VCCI nói.

Theo ông Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, thời kỳ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chỉ dựa vào vốn và tài nguyên thuần túy đã qua, giờ đây đòi hỏi cần phải có những động lực tăng trưởng mới. Các động lực đó là khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, các ngành, lĩnh vực mới nổi như chip, công nghệ bán dẫn, hydrogen.

Tuy vậy, ở khía cạnh quản lý, Nhà nước cũng cần sớm rà soát và hoàn thiện thể chế, chính sách để khuyến khích DN ứng dụng các mô hình kinh doanh bền vững, các ngành công nghiệp mới và phát triển các ngành kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Cùng với đó, các DN cần chủ động cập nhật, tiếp cận, ứng dụng công nghệ mới của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và cần phải xem đổi mới sáng tạo là đòi hỏi “sống còn” trong thời kỳ mới.

Các tin khác