Thiếu khung pháp lý cho mô hình tăng trưởng xanh

(ĐTTCO) - Đầu tư tăng trưởng xanh đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với đầu tư thông thường. Tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh không còn là sự lựa chọn, mà là việc bắt buộc.

Thiếu khung pháp lý cho mô hình tăng trưởng xanh

Tuy nhiên, cho đến nay thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh đã đi được 1/4 công việc, đó là ban hành khung khổ pháp lý và chính sách, còn 3/4 ở việc thực thi chưa làm được bao nhiêu. Vì sao?

Không xanh không được

TS. Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương, cho biết “xanh” đang rất quan trọng và nhận được sự quan tâm khủng khiếp. Minh chứng điều này, ông Cương so sánh, lên mạng internet tìm kiếm từ khóa về hiện tượng kinh tế hay hiện tượng chính trị phổ biến nhất, là “suy thoái kinh tế” hay “Nga - Ukraine”, thì có 220 triệu và 238 triệu kết quả. Nhưng nếu tìm từ “kinh tế xanh” và “tài chính xanh”, có 1,7 tỷ và 2,1 tỷ kết quả.

Như vậy mức độ quan tâm đến kinh tế xanh, tài chính xanh gấp 10 lần vấn đề kinh tế và vấn đề chính trị đang hót nhất. Tương tự ở Việt Nam, khi tra tìm bằng tiếng Việt các từ suy thoái kinh tế có 11 triệu kết quả, nhưng “kinh tế xanh” có hơn 140 triệu kết quả và “tài chính xanh” có 410 triệu kết quả.

Đưa ra 5 lý do cần tăng trưởng xanh, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, nói: Thứ nhất, đó là quan hệ tương quan chặt chẽ giữa môi trường và sức khỏe. Thứ hai, Việt Nam thuộc 5 quốc gia chịu ảnh hưởng lớn bởi biến đổi khí hậu mà tổn thất có thể đến 11% GDP vào năm 2100. Thứ ba, đầu tư cho tăng trưởng xanh hiệu quả cao hơn đầu tư thông thường, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn mang lại hiệu quả về môi trường, về xã hội và tạo việc làm.

Cứ 1 triệu USD đầu tư vào tăng trưởng xanh tăng thêm ít nhất 5 việc làm so với đầu tư thông thường. Thứ tư, giúp tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, gia tăng sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài và gia tăng sức cạnh tranh cho hàng xuất khẩu. Thứ năm, tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế và doanh nghiệp.

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ TN-MT bổ sung thêm, không thể không sớm chuyển đổi xanh, bởi ở đây đòi hỏi luật chơi thương mại và đầu tư toàn cầu. Câu chuyện của ngành dệt may đã cho thấy rõ, nhiều doanh nghiệp không kéo được đơn hàng vì không đáp ứng được yêu cầu về “xanh”. “Xanh” đã là điều bắt buộc, là sự thúc ép ai ai cũng đồng tình. Nhưng, thực hiện không dễ với nhiều thách thức.

Quỹ đầu tư quốc tế có 15,5 tỷ USD để đầu tư vào Việt Nam nhưng phải có danh mục, dự án, chương trình xanh cụ thể, trong khi chúng ta lại chưa đưa ra được danh mục này, nên cũng không tiếp nhận được.

TS. Cấn Văn Lực

“Tuy Việt Nam đi sau thế giới và khu vực về phát triển, nhưng chúng ta không hề đi sau mà đang đi cùng với thế giới về mặt tư duy trong tăng trưởng xanh” - TS. Bùi Quang Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khẳng định.

Theo TS. Bùi Quang Tuấn, định hướng tăng trưởng xanh của Việt Nam đã được đề ra từ sớm, nhưng chúng ta mới làm được 1/4 công việc, đó là đã ban hành nhiều chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về chuyển đổi xanh, 3/4 còn lại là việc thực hiện thực thi chưa làm được bao nhiêu. Chúng ta vẫn vướng mắc ở câu chuyện thực thi.

Phân loại xanh là chuyện bức thiết

Để đạt được các mục tiêu về tăng trưởng xanh, Việt Nam cần nguồn lực rất lớn, theo ước tính của ADB khoảng 368 tỷ USD cho cả giai đoạn đến 2040, tương đương 20 tỷ USD mỗi năm. Nhu cầu vốn thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021-2030 cũng rất lớn, Bộ KH-ĐT dự tính khoảng 872 tỷ USD với các giả định cụ thể của nền kinh tế đến năm 2050.

Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, cho biết dù đã sớm khuyến khích chuyển đổi xanh, nhiều cơ chế, chính sách đã được ban hành trong 7 năm qua (2017-2023), dư nợ tín dụng xanh có mức tăng trưởng bình quân đạt hơn 22%/năm, nhưng tín dụng xanh mới chỉ chiếm 4,5% trong tổng dư nợ. Nguyên do là chưa có sự thống nhất về việc phân loại xanh.

TS. Cấn Văn Lực cho hay đến nay trái phiếu xanh vẫn “rất khiêm tốn”. Trong các năm 2016-2020, có 4 đợt phát hành trái phiếu xanh, giá trị 284 triệu USD. Giai đoạn 2019-2023, trái phiếu xanh đã phát hành khoảng 1,16 tỷ USD. Còn cổ phiếu xanh hầu như chưa có gì. Nguyên nhân cũng do còn thiếu các hướng dẫn chi tiết, chưa có tiêu chí và danh mục phân loại xanh. Cũng do chưa có danh mục phân loại xanh, nên dù có nguồn vốn hỗ trợ nước ngoài cũng không tiếp nhận được.

Bên cạnh trở ngại lớn do chưa có tiêu chí xanh, chưa có danh mục phân loại xanh, điều quan trọng là chưa có động lực đủ mạnh, vai trò và trách nhiệm của Nhà nước chưa thể hiện rõ ràng hơn. “Yêu cầu chuyển đổi xanh đã sát cửa ngõ nhưng sự quan tâm, tập trung của chúng ta chưa nhiều. Để chuyển đổi xanh cần thay thế hệ thống công nghệ vô cùng tốn kém, vì vậy cần có lãi suất ưu đãi, phải có công cụ tài chính hấp dẫn và cần sự hỗ trợ cũng như can thiệp của Nhà nước vào thị trường. Việc thiếu hỗ trợ sẽ tạo nguồn cung hạn chế cho thị trường. Nhưng vấn đề này chưa được quan tâm đúng mức” - TS. Bùi Quang Tuấn nói.

“Tới đây thị trường sẽ trừng phạt những doanh nghiệp nào không xanh. Nhưng Nhà nước phải có trách nhiệm thế nào, chứ không chỉ đưa ra khung khổ pháp lý rồi để doanh nghiệp tự chuyển, tự loay hoay. Phải hài hòa lợi ích và rõ ràng trách nhiệm của quốc gia và nghĩa vụ của doanh nghiệp”- PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nêu ý kiến.

Để có động lực đủ mạnh, TS. Cấn Văn Lực cho rằng cần phải có cả “gậy” lẫn “cà rốt”. Ông nói: "Nếu Nhà nước chỉ ban hành cơ chế chính sách rồi để doanh nghiệp tự chuyển động, doanh nghiệp làm thế nào thì làm sẽ không bao giờ thành công được”.

Theo các chuyên gia, Việt Nam cần có một chiến lược tổng thể để phát triển thị trường tài chính xanh một cách hài hòa, hiệu quả giữa các kênh dẫn vốn, gắn với các định hướng, mục tiêu phát triển kinh tế. Danh mục phân loại xanh, tiêu chí xanh cần khẩn trương ban hành, đây đang là vấn đề bức thiết.

Đồng thời cần có cơ chế, chính sách để thu hút nguồn vốn cho đầu tư xanh. Nên sử dụng ngân sách để giảm lãi suất, miễn giảm thuế, phí, lệ phí cho các dự án xanh. Đơn giản thủ tục hành chính hơn nữa và hỗ trợ các chi phí liên quan đến phát hành trái phiếu xanh, cung cấp tín dụng xanh. Bên cạnh đó, hỗ trợ các doanh nghiệp và các tổ chức tài chính tiếp cận các nguồn tài chính xanh quốc tế.

Các tin khác