Hoạt động KTCN là biện pháp quản lý nhà nước đặc thù trong kiểm soát hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa. Trong thời gian qua, hoạt động này nổi lên nhiều bất cập, nhiều điểm vướng khiến cho thủ tục hải quan mất nhiều thời gian, chi phí, gây khó khăn cho DN.
Theo VCCI, nhiều hoạt động KTCN còn chưa rõ ràng các loại hàng hóa phải thực hiện kiểm tra (không có danh mục hàng hóa cụ thể phải kiểm tra). Điều này sẽ gây bất cập khi triển khai, các chủ thể áp dụng sẽ khó khăn trong nhận diện các loại hàng hóa phải được kiểm soát; có sự chồng lấn và thiếu rõ ràng về cơ chế quản lý về an toàn thực phẩm với hoạt động kiểm dịch động vật, kiểm dịch thực vật; chưa có sự đồng bộ trong quy trình vận hành giữa các hoạt động KTCN (liên quan tới kiểm tra chất lượng hàng hóa)…
Về bản chất, kiểm tra chất lượng là việc xem xét hàng hóa nhập khẩu có đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật, hoặc các tiêu chuẩn chất lượng của hàng hóa như tuyên bố của DN hay không. Đây chính là hoạt động mà các tổ chức chứng nhận sự phù hợp, hoạt động theo quy định của pháp luật về quy chuẩn kỹ thuật, có đủ năng lực để thực hiện.
Theo logic này việc kiểm tra chất lượng hàng hóa hoàn toàn có thể thực hiện được một cách khách quan thông qua hoạt động kiểm tra và cấp chứng nhận. Vì thế, với các hàng hóa chỉ phải kiểm tra chất lượng hàng hóa (không phải kiểm tra vì các mục tiêu khác như an ninh quốc phòng…) có thể thực hiện được thông qua quy trình sau: DN thuê dịch vụ của tổ chức chứng nhận sự phù hợp để kiểm tra chất lượng hàng hóa, sau đó được cấp chứng nhận và cuối cùng xuất trình cho cơ quan hải quan.
Quy trình này không cần bất kỳ sự can thiệp nào về chuyên môn hay thủ tục của cơ quan quản lý chuyên ngành.
Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động KTCN về chất lượng hiện đang theo các quy trình không giống nhau. Cụ thể, một số thủ tục KTCN về chất lượng nhưng cơ quan nhà nước quản lý chuyên ngành chỉ định các tổ chức chứng nhận sự phù hợp tiến hành kiểm tra sau đó chứng nhận chất lượng sản phẩm và giấy chứng nhận sự phù hợp để cơ quan hải quan thông quan.
Theo VCCI, để hoạt động KTCN vừa đảm bảo mục tiêu quản lý nhà nước vừa tạo thuận lợi cho DN, cần có những cải cách chung đối với tất cả các lĩnh vực. Cụ thể, cần xây dựng các danh mục hàng hóa cụ thể thuộc diện phải kiểm soát ở từng lĩnh vực, với nguyên tắc áp dụng theo kiểu loại trừ: hàng hóa chưa được nêu cụ thể trong danh mục nào, phải đương nhiên được xuất - nhập khẩu mà không cần làm thủ tục KTCN.
Đối với việc kiểm soát về an toàn thực phẩm, cần thiết kế lại toàn bộ theo quy trình mới theo tại Nghị định 15 (quy định chi tiết thi hành Luật An toàn thực phẩm); đối với việc kiểm dịch thực vật, kiểm dịch động vật: cần thiết kế quy trình để đảm bảo DN chỉ cần thực hiện một thủ tục tại một cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Đối với việc kiểm tra chất lượng hàng hóa cần thống nhất chuyển về một quy trình thống nhất, trong đó việc kiểm tra được thực hiện bởi các tổ chức chứng nhận sự phù hợp (DN tự động thuê dịch vụ của tổ chức này, căn cứ vào loại hàng hóa cụ thể của mình và yêu cầu pháp luật về kiểm tra đối với loại hàng hóa tương ứng; không cần xin giấy tờ gì từ cơ quan quản lý chuyên ngành trước đó). Kết quả kiểm tra được DN xuất trình trực tiếp cho cơ quan hải quan (không cần sự can thiệp hay giấy tờ xác nhận kết quả kiểm tra nào của cơ quan quản lý chuyên ngành).
Để quy trình này được khả thi, thuận lợi, cần thực hiện đồng thời cải cách về việc chỉ định tổ chức chứng nhận sự phù hợp. Theo đó, cần có cơ chế để tất cả các tổ chức chứng nhận sự phù hợp đáp ứng năng lực chuyên môn đều có thể tham gia (tránh tình trạng chuyển độc quyền KTCN từ “một cơ quan quản lý chuyên ngành” sang “một/một số tổ chức chứng nhận sự phù hợp”).
Bên cạnh đó, việc lựa chọn chấp thuận tổ chức chứng nhận sự phù hợp được phép tham gia thẩm định chất lượng hàng hóa trong KTCN, bởi cơ quan nhà nước quản lý chuyên ngành cần được thực hiện dựa trên các tiêu chí khách quan (về năng lực) và không hạn chế số lượng (thay vì tình trạng chỉ định độc quyền hoặc gần như độc quyền một/một số ít tổ chức chứng nhận sự phù hợp như hiện nay).