Chị N.H.X.P. (27 tuổi, ngụ TP Cần Thơ) nhập viện với các triệu chứng đau bụng, nôn ói, mệt nhiều, ăn uống kém, môi khô, khát nước, tiểu nhiều, rối loạn tri giác, vật vã… đã uống thuốc điều trị 3 ngày, nhưng không giảm. Thông tin từ gia đình người bệnh cho biết khoảng 3 tháng trở lại đây, người bệnh sụt 4 kg và có tiền sử hen phế quản.
Sau khi tiếp nhận, bệnh nhân được làm các xét nghiệm chẩn đoán xác định, kết quả cho thấy mắc đái tháo đường type 1, nhiễm toan ceton, suy thận cấp, rối loạn lipid máu. Ngay sau khi các bác sĩ hội chẩn cấp 2, bệnh nhân được nhanh chóng chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực & chống độc (ICU) điều trị tích cực, bù dịch theo phác đồ, kiểm soát đường huyết bằng insulin qua bơm tiêm điện, bù bicarbonat, nâng tổng trạng, theo dõi đường huyết, nước tiểu và điện giải mỗi giờ.
Sau 2 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân tỉnh táo, hết nôn ói, ăn uống được, giảm khát và tiểu nhiều, đường huyết dần ổn định và được chuyển lên Khoa Nội tiết điều trị tiếp. Tại Khoa Nội tiết, bệnh nhân được chuyển từ insulin tĩnh mạch (bơm tiêm điện) sang tiêm dưới da, bù dịch, đánh giá tình trạng nhiễm ceton đã ổn định, chỉ số đường huyết < 200 mg/dL, HCO3 > 18 mEq/L, pH máu > 7,3…
Thạc sĩ BS Nguyễn Mỹ An, Khoa Nội tiết (Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long) cho biết: “Nếu như trước đây, đái tháo đường thường gặp ở người cao tuổi, thì gần đây tỷ lệ mắc bệnh ở nhóm người trẻ tuổi ngày càng tăng, đặc biệt là độ tuổi dưới 45. Như trường hợp bệnh nhân này còn trẻ tuổi và được chẩn đoán đái tháo đường. Vì vậy, bệnh viện đã hướng dẫn về phác đồ insulin và các kiến thức về bệnh đái tháo đường bao gồm hướng dẫn bệnh nhân các kỹ năng cơ bản điều trị đái tháo đường, tự theo dõi đường máu, tiêm insulin tại nhà, có chế độ và kiểm soát dinh dưỡng phù hợp”.
Để phòng tránh đái tháo đường, bác sĩ khuyến cáo người dân cần có lối sống lành mạnh, kiểm soát chế độ ăn và cân nặng, thường xuyên đi kiểm tra đường huyết tối thiểu 6 tháng/lần, tránh biến chứng nguy hiểm.