Tuy nhiên, việc lựa chọn cho con mình theo học trường quốc tế nào đang là nỗi băn khoăn không chỉ của các bậc phụ huynh mà đối với cả nhà giáo, nhà nghiên cứu giáo dục.
Xu hướng toàn cầu
Trường quốc tế ban đầu được hình thành nhằm đáp ứng nhu cầu của những người làm việc trong các bộ ngoại giao, công ty đa quốc gia, tổ chức phi chính phủ, tổ chức quốc tế… Các trường quốc tế này tuyển sinh rất giới hạn, không dành cho con em người bản địa. Theo thời gian, đặc biệt là khi xu thế toàn cầu hóa bùng nổ, nhu cầu được tiếp cận với các nền giáo dục tiên tiến, quốc tế hóa giáo dục phát triển, nhiều trường quốc tế đã ra đời nhằm đáp ứng một bộ phận người dân thu nhập khá có nhu cầu, nhất là ở các quốc gia đang phát triển.
Học sinh theo học tại trường quốc tế không có nghĩa sẽ có năng lực liên văn hóa và kinh nghiệm quốc tế. Thậm chí có trường hợp học sinh chậm tiếp thu, không năng động, dẫn đến tình trạng vừa không đủ khả năng hấp thụ văn hóa quốc tế, vừa đánh mất văn hóa gốc. Phụ huynh cần theo dõi con, nếu rơi vào tình trạng này phải sớm chuyển con về trường công để học. |
Một nghiên cứu vào năm 2014 của TS. Nguyễn Kim Dung, Viện Nghiên cứu giáo dục Trường ĐH Sư phạm TPHCM: trên thế giới hiện có 6.534 trường quốc tế được thành lập ở 236 quốc gia, với hơn 3,3 triệu học sinh và trên 300.000 giáo viên, nhân viên. Khu vực đứng đầu thế giới về số lượng và tốc độ phát triển trường quốc tế là châu Á, với tổng cộng 3.525 trường, trong đó Việt Nam có 96 trường, đứng thứ 12 châu lục và thứ 4 khu vực ASEAN, sau Indonesia, Thái Lan và Malaysia.
Theo dự báo, loại hình này sẽ tiếp tục gia tăng về số lượng trường, giáo viên, học sinh và doanh thu. Ngoài ra, trường quốc tế phục vụ cho nhóm 5% người giàu nhất không nói tiếng Anh, và khoảng 20% học sinh các trường quốc tế đến từ các gia đình người nước ngoài. Nhưng các nhóm lớn nhất và có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất đến từ các gia đình giàu có ở địa phương. Tiếng Anh là ngôn ngữ được sử dụng chính thức ở hầu hết trường quốc tế.
Chính phủ các nước sở tại ngày càng nhận thức được tầm quan trọng và lợi ích các trường quốc tế đem lại, từ nguồn nhân lực chất lượng cao, việc làm, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), đa dạng hóa các loại hình sở hữu và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, đến các cơ hội tiếp cận với chất lượng giáo dục quốc tế. Vì vậy, một bộ phận phụ huynh Việt Nam, chủ yếu là ở các thành phố, mong muốn con em sau này sẽ đi du học tiếp ở nước ngoài, hoặc học tiếp ở các trường đại học quốc tế ở Việt Nam, mong dễ dàng tìm kiếm việc làm hay khởi nghiệp đã đua nhau theo học.
Mặt phải và trái tấm huy chương
Thực tế trên thế giới và Việt Nam đều cho thấy trường quốc tế đã góp phần làm thay đổi nền kinh tế, giáo dục, văn hóa - xã hội của một quốc gia. Thứ nhất, đa dạng hóa các hình thức sở hữu giáo dục, tăng cường tính cạnh tranh, tăng cường sự giao lưu văn hóa, đáp ứng nhu cầu giáo dục quốc tế, tạo nên môi trường học tập thân thiện, hiện đại. Bên cạnh học chính thống còn hoạt động ngoại khóa, tạo tiền đề để học sinh tiếp tục học cao hơn và dễ dàng hơn trong môi trường giáo dục ĐH quốc tế.
Việc này còn thúc đẩy quá trình tiếp xúc, trao đổi văn hóa giữa các học sinh, các dân tộc trên thế giới trên cơ sở tôn trọng và chấp nhận sự khác biệt, tính đa dạng. Loại hình đào tạo này còn giới thiệu và triển khai các mô hình giáo dục đa dạng từ các quốc gia phát triển; tăng cường việc học ngoại ngữ (tiếng Anh) cho học sinh bản địa. Bên cạnh đó còn tăng cường tính cạnh tranh với các trường tư thục, trường công lập, đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người dân có nhu cầu tiếp cận các mô hình giáo dục tiên tiến...
Bên cạnh những ưu điểm và lợi thế trường quốc tế đem lại, phụ huynh cũng cần nhận biết những hạn chế của loại hình trường này, để từ đó đưa ra quyết định đúng đắn nhất cho việc học của con em. Những bất lợi đó là mức học phí rất cao, có trường quốc tế bậc tiểu học ở TPHCM học phí gần 50 triệu đồng/tháng, thấp nhất cũng trên 10 triệu đồng/tháng. Vì vậy, phụ huynh phải tìm hiểu kỹ mức học phí để biết rằng gia đình mình có đảm bảo lâu dài không. Trường quốc tế hay chương trình quốc tế hiện chỉ dạy tiếng Anh, như vậy sẽ làm giảm mối quan tâm đối với các ngôn ngữ khác, nhất là tiếng mẹ đẻ, tức tiếng Việt sẽ yếu. Vì vậy, phụ huynh có thể dạy tiếng Việt cho con ở nhà cũng cần đặt ra để có cách giải quyết.
Quốc tế hóa giáo dục, nhất là đối với bậc học phổ thông, phải là quá trình tích hợp những khía cạnh liên văn hóa, quốc tế và toàn cầu vào hoạt động dạy và học của trường, nhằm đáp ứng những mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục và thỏa mãn nhu cầu của người học. Vì vậy, phụ huynh phải tìm hiểu kỹ môi trường giáo dục, bao gồm nhà trường, thầy cô, cách thức tổ chức và tạo điều kiện cho học sinh khám phá và phát triển bản thân. Nếu trường nào đó chỉ áp dụng máy móc một mô hình, hoặc là quảng cáo quá cao so với những gì nhà trường có sẽ rất nguy hại, dẫn đến tiền mất, tật mang, trong khi học sinh không có những khả năng của công dân toàn cầu mà còn mất gốc với những hiểu biết và kỹ năng sống phù hợp với Việt Nam.
Tóm lại, trường quốc tế mở ra cơ hội cho học sinh nước sở tại trong việc tiếp cận với các nền giáo dục tiên tiến mà không cần phải ra nước ngay từ khi các em còn nhỏ. Đó là những ưu điểm, nếu chất lượng chương trình học được kiểm định, có phương pháp giáo dục hiện đại và toàn diện, cơ sở vật chất tốt và đồng bộ, giáo viên được hỗ trợ phát huy sáng kiến tối đa…