Cẩn trọng thủ thuật báo lãi đột biến

(ĐTTCO)-Dù vẫn đang gặp khó khăn do những tác động tiêu cực từ Covid-19 nhưng các doanh nghiệp niêm yết (DNNY) vẫn đua nhau báo lãi lớn trong mùa công bố báo cáo tài chính (BCTC) quý I. Tuy nhiên, đằng sau những con số tích cực luôn là những chiêu trò mà không phải nhà đầu tư (NĐT) nào cũng nhận ra.
HPG đột phá dẫn đầu với lợi nhuận 6.977 tỷ đồng.
HPG đột phá dẫn đầu với lợi nhuận 6.977 tỷ đồng.
Nhà băng chiếm ưu thế
Tổng hợp kết quả kinh doanh quý I của gần 370 DNNY vừa được CTCK Rồng Việt (VDSC) công bố cho thấy kết quả kinh doanh (KQKD) khả quan trên cả 2 sàn HoSE và HNX, với lợi nhuận tăng lần lượt là 62% và 100%.
Trên sàn HoSE, 58% số lượng DN ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận trên 20% so với khoảng 1% số lượng DN cùng kỳ các năm trước. Bức tranh KQKD trên sàn HNX cũng tương tự khi có hơn 50% DN ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng trên 20%. 
Tiêu thụ thép trong quý đầu năm tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái ở cả thị trường xuất khẩu và nội địa đã giúp cho DN thép, trong đó có CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) ghi nhận lợi nhuận cao kỷ lục.
Theo BCTC quý I, HPG đã vượt qua toàn bộ nhóm ngân hàng (NH) để dẫn đầu toàn thị trường về lợi nhuận sau thuế với 6.977,6 tỷ đồng (gấp 3 lần cùng kỳ 2020). Giá thép tăng mạnh cũng là nguyên nhân giúp cho CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) gia nhập nhóm DN lãi ngàn tỷ trong quý I vừa qua với 1.034 tỷ đồng (tăng gấp 5 lần cùng kỳ).
Theo thống kê, Top 20 DNNY lãi ngàn tỷ quý I có 8 DN sản xuất và bán lẻ, còn lại 12 NH dẫn đầu về lợi nhuận trên toàn thị trường. Cụ thể, 2 NH bị HPG vượt mặt là NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) và NH TMCP Công thương Việt Nam (CTG) với lợi nhuận đạt lần lượt là 6.902 tỷ đồng (tăng 65%) và 6.461,5 tỷ đồng (tăng 167%).
Những vị trí kế tiếp trong Top 20 có sự góp mặt của hàng loạt NH như: NH TMCP Kỹ thương Việt Nam (TCB) đạt 4.397 tỷ đồng, NH TMCP Quân đội (MBB) đạt 3.553 tỷ đồng và NH TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPB) đạt 3.201 tỷ đồng, NH TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BID) đạt 2.648 tỷ đồng và NH TMCP Á Châu (ACB) đạt 2.483 tỷ đồng, NH TMCP Phát triển TPHCM (HDB) đạt 1.563 tỷ đồng, NH TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) đạt 1.446 tỷ đồng, NH TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đạt 1.330 tỷ đồng, NH TMCP Tiên Phong (TPB) đạt 1.138 tỷ đồng và NH TMCP Phương Đông (OCB) đạt  1.011 tỷ đồng.
Cẩn trọng thủ thuật báo lãi đột biến ảnh 1 VNM tụt dốc thê thảm chỉ còn 2.576 tỷ đồng. 
Trái với sự tăng trưởng ngoạn mục của HSG là sự tuột dốc thê thảm của 2 ông lớn là CTCP Sữa Việt Nam (VNM) và Tổng CTCP Khí Việt Nam (GAS). Cụ thể, lợi nhuận sau thuế của VNM giảm 7% (đạt 2.576 tỷ đồng), trong khi GAS giảm đến 13% (đạt 2.029 tỷ đồng). Với kết quả này, VNM rơi xuống vị trí thứ 9, còn GAS lần đầu tiên bị đá văng ra Top 10 DNNY có lợi nhuận cao nhất TTCK kể từ khi DN này đưa CP lên niêm yết. 
Mùa BCTC quý I năm nay ghi nhận một hiện tượng bất thường là rất nhiều DN ghi nhận mức tăng trưởng sau thuế tăng bằng lần, thậm chí gấp hàng chục lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, CTCP Tập đoàn Thép Tiến Lên (TLH) tăng 3 lần, CTCP Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (GVR) tăng 4 lần, CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (SIP) tăng 5 lần, CTCP Khoáng sản TKV (KSV) tăng 6 lần, CTCK Trí Việt (TVB) tăng gấp 8 lần, CTCP Thương mại - Xuất nhập khẩu Thủ Đức (TMC) tăng 9 lần, CTCP Năng lượng và Bất động sản Trường Thành (TEG) tăng 11 lần, NH TMCP Kiên Long (KLB) tăng 12 lần, CTCP Thủy điện Sesan 4 (S4A) tăng 16 lần, CTCP Bamboo Capital (BCG) tăng 20 lần, CTCP Xây dựng FLC Faros (ROS) tăng 44 lần, CTCP Tập đoàn Nam Mê Kông (VC3) tăng 46 lần.
Cẩn trọng chiêu trò
Thủ thuật lợi nhuận dựa trên các ước tính kế toán thực chất không làm tăng lợi nhuận mà chỉ đơn thuần chuyển lợi nhuận các kỳ sau sang kỳ hiện tại. Hậu quả tất yếu là lợi nhuận của năm sau sẽ bị giảm. Do không có một tiêu chuẩn chính xác về giá trị các ước tính này, nên nó được xem là công cụ đắc lực để “xào nấu” lợi nhuận.
Có thể nói, KQKD phục hồi mạnh trong quý I vừa qua là nhờ vào nền kết quả thấp của quý I-2020 khi các DN chịu tác động bởi dịch Covid-19. Thậm chí, thời điểm cùng kỳ năm ngoái, nhiều DN còn báo lỗ, nay chuyển thành lãi nên mức tăng trưởng tính bằng lần là hiện tượng không quá khó hiểu.
Đối với ngành NH, lợi nhuận tăng mạnh trong quý I gồm đến từ các yếu tố như: đóng góp của tăng trưởng tín dụng và thu nhập ngoại lãi, chi phí dự phòng nợ xấu giảm mạnh và hiệu ứng từ chính sách tiết giảm chi phí hoạt động từ quý II-2020. 
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là hiện tượng làm đẹp BCTC đã suy giảm. Trên thực tế, BCTC quý I thường được các DNNY “xào nấu” nhiều nhất để làm hài lòng cổ đông trong ngày tổ chức ĐHCĐ.
Theo một chuyên gia kinh tế, các chiêu trò làm đẹp BCTC được các DNNY áp dụng là sử dụng rất nhiều các ước tính kế toán có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận trong kỳ. Một số thủ thuật làm tăng lợi nhuận thường gặp như giảm mức khấu hao, giảm mức dự phòng, giảm giá hàng tồn kho, giảm dự phòng nợ khó đòi, không ghi nhận chi phí khi tài sản bị giảm giá xuống dưới giá trị thuần, vốn hóa các khoản không đủ điều kiện.
Thủ thuật lợi nhuận dựa trên các ước tính kế toán thực chất không làm tăng lợi nhuận mà chỉ đơn thuần chuyển lợi nhuận các kỳ sau sang kỳ hiện tại. Hậu quả tất yếu là lợi nhuận của năm sau sẽ bị giảm. Do không có một tiêu chuẩn chính xác về giá trị các ước tính này, nên nó được xem là công cụ đắc lực để “xào nấu” lợi nhuận.
Ngoài việc sử dụng các ước tính kế toán, DN còn có thể đem lợi nhuận thông qua việc dàn xếp các giao dịch thực nhằm tăng lợi nhuận trong năm hiện tại, mặc dù các giao dịch đó có thể không có lợi cho công ty về lâu dài.
Việc đầu tư vào nhóm CP có KQKD tích cực cũng khiến cho NĐT gặp rủi ro. Đó là hiện tượng mặt bằng giá CP được đẩy lên nhanh trong thời gian ngắn, cùng với việc những thông tin tích cực dần được hé lộ trong bối cảnh nút thắt thanh khoản được gỡ bỏ đã kích thích hoạt động chốt lời.
Thực tế, nhiều mã CP sau khi lên đỉnh đã bị bán ra mạnh khiến cho những NĐT mua vào trong các phiên phân phối đỉnh bị thua lỗ nặng. Chính vì vậy để hạn chế những rủi ro, NĐT cần phải biết đọc BCTC.
Việc nắm bắt được BCTC sẽ giúp cho NĐT đánh giá sức khỏe tài chính DN, tìm dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro để phòng tránh và tìm dấu hiệu cơ hội để đầu tư. Đặc biệt, khi phân tích BCTC, NĐT có thể dự báo được dòng tiền, doanh thu, lợi nhuận trong tương lai của DN để ra những quyết định chính xác.

Các tin khác