Càng khó khăn càng tỏ rõ bản lĩnh

LTS: Kinh tế khủng hoảng và hội nhập sâu rộng đang là thách thức lớn đối với cộng đồng doanh nhân Việt Nam. Trong bối cảnh khắc nghiệt này, càng đòi hỏi đội ngũ với hơn nửa triệu doanh nhân Việt Nam thể hiện rõ bản lĩnh thương trường. Nhân dịp 10 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam, ĐTTC trích đăng những suy nghĩ, chia sẻ của đội ngũ doanh nhân TPHCM.

LTS: Kinh tế khủng hoảng và hội nhập sâu rộng đang là thách thức lớn đối với cộng đồng doanh nhân Việt Nam. Trong bối cảnh khắc nghiệt này, càng đòi hỏi đội ngũ với hơn nửa triệu doanh nhân Việt Nam thể hiện rõ bản lĩnh thương trường. Nhân dịp 10 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam, ĐTTC trích đăng những suy nghĩ, chia sẻ của đội ngũ doanh nhân TPHCM.

Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ CTCP Nhiên liệu Sài Gòn (SFC):

Nhận rõ điểm yếu để nâng tầm nhìn

Theo số liệu điều tra của Bộ Kế hoạch - Đầu tư tại 63.000 doanh nghiệp ở 36 tỉnh, thành, số lãnh đạo doanh nghiệp có trình độ đại học trở lên chiếm 40,81%, cao đẳng 3,56%, trung học chuyên nghiệp 12,33% và trung học phổ thông trở xuống 43,3%.

Dù nhận thức, năng lực điều hành doanh nghiệp không chỉ dựa vào sự đào tạo trong trường lớp, nhưng việc hạn chế về trình độ của nhiều doanh nhân đang là khó khăn lớn của doanh nghiệp trong quá trình cạnh tranh và hội nhập. Điểm yếu nữa của doanh nhân Việt là khả năng ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin yếu.

Lịch làm việc hiện nay của phần lớn doanh nhân chưa khoa học, chưa phản ánh các chương trình ưu tiên và trọng điểm, chưa dành nhiều thời gian để thảo luận các vấn đề phát triển công ty mang tính chiến lược, luôn bị động trong giải quyết các vấn đề đặt ra hàng ngày.

Vì thế, yêu cầu cấp thiết đối với doanh nhân hiện nay là khắc phục những điểm yếu trên để có tư duy, tầm nhìn toàn cầu. Theo đó, doanh nhân cần áp dụng những phương thức quản lý tiên tiến, tổ chức sản xuất kinh doanh hiệu quả, khoa học, am hiểu pháp luật, thông lệ quốc tế, nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất.

Đặc biệt, doanh nhân trẻ đang mang trên vai sứ mạng lịch sử là những chiến sĩ trong thời bình, kỳ vọng sẽ thành công trong thế giới phẳng, sáng tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm tri thức mang trí tuệ Việt, những hàng hóa mang thương hiệu Việt đầy sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới.

Ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ CTCP Thành Công Mobile:

Cần chiến lược mang tính đột phá

Trong tình hình kinh tế hiện tại, doanh nhân đang phải chịu rất nhiều áp lực, từ cơ hội đầu tư, dòng vốn cho đến nguồn nhân lực của doanh nghiệp. Bản thân mỗi nhà lãnh đạo đã tận dụng được thế mạnh vốn có của doanh nghiệp, họ biết chuyển đổi, nắm bắt cơ hội đầu tư đúng lúc.

Tuy nhiên trước xu thế hội nhập, nhà lãnh đạo nếu không tìm ra hướng đi cho doanh nghiệp sẽ đứng trước nguy cơ đóng cửa hoặc chuyển quyền đầu tư sang công ty khác. Một vấn đề đang tồn tại nhiều bất cập hiện nay là nhiều ông chủ lớn gần như lấy hết thị phần những công ty nhỏ và tình hình này ngày càng gay gắt hơn.

Đối với Thành Công Mobile, chúng tôi phải linh hoạt chuyển dần thị phần tiêu thụ từ cao cấp, trung cấp xuống phổ thông. Thay vì làm ra sản phẩm có giá vài triệu đồng, nay tập trung sản xuất sản phẩm vài trăm ngàn đồng. Bên cạnh đó chúng tôi giảm chi tăng thu, tái cơ cấu toàn bộ công ty.

Bởi lẽ, người lãnh đạo doanh nghiệp phải biết nắm bắt cơ hội thành công, đưa ra chiến lược mang tính đột phá, nếu không khả năng phá sản rất cao. Thực tế hiện nay, 20% doanh nghiệp lớn đang nắm giữ 80% thị phần tiêu thụ sản phẩm. Nếu người lãnh đạo không đưa doanh nghiệp mình nằm trong 20% công ty này, hoặc là bị thâu tóm, hoặc bị đào thải khỏi cuộc chơi.

Ông Trịnh Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT, TGĐ CTCP Cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng:

Luôn nhạy bén với thời cuộc

Trong bối cảnh kinh tế thuận lợi hay khó khăn, việc điều hành doanh nghiệp cần có nhiều biện pháp, chứ không chỉ khi kinh tế khó khăn mới có sự thanh lọc. Đây là yếu tố tất yếu của một nền kinh tế thị trường năng động.

Với Đại Dũng, chúng tôi vạch ra hướng đi phải bám sát thị trường, theo dõi các diễn biến của nền kinh tế, đưa ra các phân tích chiến lược, rà soát và củng cố tất cả hoạt động, tìm ra những điểm mạnh, điểm yếu để khắc phục ngay. Từ định hướng này, chúng tôi luôn tìm được cơ hội ngay trong khó khăn, khủng hoảng.

Với tôi, cái quan trọng nhất của một doanh nhân là kiểm soát được tài chính của công ty mình và luôn luôn thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề đã xảy ra để rút kinh nghiệm. Song hành với đó, chủ động nắm bắt thông tin để có thể dự đoán những gì xảy ra trong tương lai, từ đó đưa ra những giải pháp dự phòng cần thiết.

Đại Dũng đã nhìn thấy cuộc khủng hoảng kinh tế 2010 từ năm 2008 để đưa ra những định hướng đúng đắn cho công ty. Trong thời gian qua nhiều doanh nghiệp trẻ rất cố gắng, làm việc cật lực nhưng vẫn không tránh khỏi phá sản bởi cuộc khủng hoảng, suy thoái.

Vì vậy, các bạn cần xem lại năng lực quản trị và sự nhạy bén của người đứng đầu, đặc biệt không được phép chủ quan dù bạn đang ở vị trí tốt nhất.

Ông Phùng Tuấn Hà, TGĐ CTCP Dịch vụ Tổng hợp dầu khí Petrosetco:

Doanh nhân ngày càng trưởng thành

Trong bối cảnh nền kinh tế đất nước chưa thoát hẳn khủng hoảng, tôi rất vui khi nhận thấy nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đã rất linh hoạt trong ứng phó để vượt khó.

Điều này cho thấy doanh nhân Việt Nam đã trưởng thành và ngày càng tỏ rõ bản lĩnh thương trường, có nhiều thay đổi theo hướng tích cực, có năng lực lãnh đạo và biết tận dụng nhiều nguồn lực cho sự ổn định, phát triển của đơn vị.

Hàng năm, cứ đến Ngày Doanh nhân Việt Nam, tôi lại nhớ đến 2 chữ “Tận Tâm” trong thư Bác Hồ gửi giới công thương ngày 13-10-1945. Thấu hiểu ý nghĩa của 2 câu này là làm việc gì cũng phải có cái tâm mới thành công.

Tiêu chí kinh doanh của Petrosetco là “Tận tay - Tận tâm”. Điều này thể hiện sự chuyên nghiệp của ngành dịch vụ chúng tôi đang theo đuổi là phục vụ khách hàng tận tình và chu đáo nhất. Đối với riêng tôi, không chỉ trong Ngày Doanh nhân Việt Nam, mà hàng ngày trong công việc chung, tôi cũng như những thành viên của Petrosetco luôn nỗ lực hết mình.

Có người hỏi nếu được lựa chọn lại, tôi có chọn làm doanh nhân? Tôi trả lời vẫn chọn là doanh nhân. Vì thế, từ 10 năm nay, ngày 13-10 hàng năm đều mang lại cho tôi những cảm xúc thật đặc biệt để chiêm nghiệm lại bản thân, từ đó vững vàng hơn trên con đường mình đã chọn.

Trần Ngọc Tươi, TGĐ Công ty TNHH Vĩnh Thuận:

Gắn nhiệm vụ với trách nhiệm xã hội

Doanh nhân giống như vị thuyền trưởng lèo lái con thuyền doanh nghiệp vượt nhiều phong ba, bão táp, gian truân, thử thách để cập bến thành công. Doanh nhân trong thời đại ngày nay không phải chỉ làm giàu cho bản thân mình mà còn phải làm giàu cho xã hội. Phải có trách nhiệm với xã hội, ngoài việc giữ vững chữ tín còn phải đóng góp, phục vụ cho xã hội.

Hiện nay, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, đặc biệt với ma trận thủ tục hành chính nhiêu khê, phức tạp, tốn kém và mất nhiều thời gian. Chúng ta hội nhập kinh tế thế giới, đòi hỏi phải tạo cơ chế thuận lợi, giúp doanh nghiệp mạnh dạn, tự tin trong cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài.

Vì thế, hơn lúc nào hết Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ thiết thực doanh nghiệp. Ngược lại, doanh nhân, doanh nghiệp phải luôn trong tâm thế sẵn sàng, chủ động đối mặt với thử thách.

Và để cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài phải đứng vững ở thị trường nội địa; phải đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến; nâng cao trình độ tay nghề của đội ngũ nhân viên; củng cố hệ thống quản trị, nâng cao năng lực quản lý và chất lượng sản phẩm hàng xuất khẩu, góp phần để sản phẩm Việt có chỗ đứng vững chắc trên thị trường thế giới.

Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT FLC:

Nâng cao năng lực cạnh tranh

Ngày Doanh nhân Việt Nam năm nay, theo tôi có rất nhiều ý nghĩa, đặc biệt lần đầu tiên vai trò, vị trí của doanh nghiệp, doanh nhân được hiến định trong Hiến pháp 2013.

Đây là một điểm mốc mang tính bước ngoặt, sự khẳng định cao nhất về quyền, vị trí trong xã hội của doanh nghiệp, doanh nhân. Sự ghi nhận lớn này không chỉ là động lực mà còn là trách nhiệm đặt lên vai cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp.

Kinh tế thế giới đang có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn chứa đựng nhiều yếu tố bất ổn; kinh tế trong nước đang dần phục hồi nhưng còn nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với các thách thức lớn, nhưng những cơ hội mở ra cũng không nhỏ.

Đây là thời điểm đòi hỏi doanh nhân phải nâng cao năng lực cạnh tranh, uy tín của doanh nghiệp để trụ vững, từng bước phát triển vững chắc và tận dụng tốt cơ hội do hội nhập kinh tế quốc tế mang lại. Tôi nghĩ, trong giai đoạn hội nhập sâu rộng sắp tới, doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam sẽ ngày càng trưởng thành hơn.

Bởi sau một giai đoạn khủng hoảng thường lọc ra một đội ngũ doanh nhân mới, dày dạn hơn, bản lĩnh hơn và nhất là có nội lực vững vàng hơn.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Kềm Nghĩa:

Tập trung khai thác thế mạnh

Nền kinh tế càng khó khăn, lãnh đạo doanh nghiệp phải biết chia nhỏ chiến lược đầu tư, tập trung khai thác tiềm năng thế mạnh mà công ty hiện có. Tất nhiên, doanh nghiệp cũng rất cần sự hỗ trợ tích cực từ phía Nhà nước. Cũng chính vì xác định rõ điều này, trong bối cảnh khó khăn chung, doanh thu của Kềm Nghĩa vẫn tăng ở mức 95% trong quý III-2014.

Đây là nền tảng vững chắc những người đứng đầu doanh nghiệp như tôi đã trải qua trong quá trình dài xây dựng phát triển. Sản phẩm Kềm Nghĩa được người tiêu dùng các nước phát triển chọn lựa, tin dùng bởi những giá trị chất lượng sản phẩm mang đến. Kinh tế càng khó khăn, người lãnh đạo càng phải sáng suốt trong việc tìm ra chiến lược phát triển thương hiệu công ty.

Điều  đáng mừng cho cộng đồng doanh nhân hiện nay là được xã hội công nhận, đánh giá tốt thành quả họ đã mang lại cho đất nước.

Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam, tôi mong cộng đồng doanh nhân đủ sức mạnh để vượt qua khủng hoảng, về đích an toàn và không ngừng phát triển để cống hiến nhiều hơn nữa cho đất nước.

Cộng đồng doanh nhân hãy tin rằng phía sau chúng ta luôn có sự đồng hành, ủng hộ và tin cậy từ phía người thân, bạn bè, gia đình, là động lực giúp doanh nhân vượt qua thách thức, đi đến thành công.

Ông Nguyễn Xuân Hàn, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Maseco:

Tất cả vì lợi ích người tiêu dung

Các bậc tiền bối, doanh nhân lão thành đã để lại một sự nghiệp to lớn cho kinh tế Việt Nam. Ngày hôm nay, trong bối cảnh kinh tế chung của thế giới và đất nước còn nhiều khó khăn, với vai trò là người chiến sĩ trên mặt trận kinh tế thời bình, càng đòi hỏi doanh nhân phải nỗ lực nhiều hơn nữa.

Theo đó phải cố gắng, tận lực, tận tâm cống hiến cho sự nghiệp phát triển kinh tế. Doanh nhân phải là người đi đầu dám nghĩ, dám làm để vượt qua khó khăn thử thách. Sự nỗ lực của mỗi doanh nhân sẽ là động lực lớn giúp cộng đồng doanh nghiệp nước ta ngày càng có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước.

Doanh nhân, doanh nghiệp phải biết lợi thế để phát huy tốt nội lực của bản thân. Chẳng hạn, khi nắm bắt được những điều kiện thuận lợi, doanh nhân nên mở rộng đầu tư vào một ngành nghề mang tính cốt lõi, sau đó mới mở rộng sang các lĩnh vực khác.

Không nên mở nhiều ngành nghề khi mình không hiểu rõ về nó vì rủi ro cao và dễ thất bại. Tôn chỉ của chúng tôi là lấy khách hàng làm trọng tâm cho mọi hoạt động kinh doanh, sản xuất; nắm bắt nhu cầu của khách hàng và giữ chữ tín với đối tác; chất lượng luôn được ưu tiên hàng đầu.

Theo đó, sản phẩm đưa ra thị trường phải rõ ràng, minh bạch không chạy theo lợi nhuận mà vì lợi ích người tiêu dùng.

Các tin khác