Cảnh báo bóng đen bủa vây sắc trắng áo blouse

(ĐTTCO) - Liên tục nhiều cán bộ lãnh đạo trong lĩnh vực y tế bị khởi tố và bắt tạm giam do hành vi khuất tất trong hoạt động mua sắm vật tư y tế, trong đó có cả Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường. 
Phải chăng, giá trị đạo đức và giá cả vật tư đã thực sự là 2 yếu tố tạo ra bức tranh đầy nghịch lý trong ngành y nước ta? 
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường bị bắt tạm giam ngày 10-12, sau hơn 1 tháng bị khởi tố về tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Sai phạm của ông Cường liên quan đến vụ buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh mang nhãn mác Health 2000 có xuất xứ từ Canada.
Đến ngày 21-10 một nhân vật tên tuổi khác trong giới y khoa là ông Nguyễn Quang Tuấn, cựu giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cựu giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội bị khởi tố về tội danh “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Cũng trong thời gian này hàng loạt quan chức y tế ở các địa phương khác cũng sa lưới pháp luật, cho thấy sự tụt dốc đạo đức trong lĩnh vực y tế.
Cảnh báo bóng đen bủa vây sắc trắng áo blouse ảnh 1
Ở TPHCM, từ đầu năm đến nay, danh sách cán bộ ở các bệnh viện vi phạm pháp luật đang ngày càng dài ra. Tại Bệnh viện Mắt TP, hành vi gian dối khi thực hiện gói thầu mua sắm thủy tinh thể nhân tạo đơn tiêu, lần lượt các đối tượng bị khởi tố và bắt tạm giam, gồm Giám đốc Nguyễn Minh Khải, Phó giám đốc Võ Thị Chinh Nga, Phó giám đốc Phí Duy Tiến, Phó giám đốc Nguyễn Trí Dũng, Trưởng phòng Tài chính Kế toán Phan Thị Bích Hạnh, Trưởng khoa Tổng hợp Nguyễn Đỗ Nguyên, Phó khoa khám mắt Lương Ngọc Tuấn... Còn tại Bệnh viện Thủ Đức, Giám đốc Nguyễn Minh Quân từng được nhiều người ca ngợi cũng đã bị khởi tố và bắt tạm giam về tội danh “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. 
Bóng đen bủa vây phía sau sắc trắng áo blouse nói lên điều gì? Giá trị đạo đức y khoa đã nghiêng ngả vì giá cả vật tư y tế. Ông Trương Quốc Cường trong giai đoạn đảm đương chức vụ Cục trưởng Cục Quản lý dược, đã có vai trò quan trọng trong vụ án buôn bán thuốc giả tại VN Pharma xôn xao dư luận kéo dài hơn 7 năm và trải qua 2 giai đoạn điều tra.
Nếu ông Trương Quốc Cường đóng vai “anh hùng nhất khoảnh” ở Cục Quản lý dược, ông Nguyễn Quang Tuấn là nhân vật “vua biết mặt, chúa biết tên”. Ông Nguyễn Quang Tuấn có học hàm Giáo sư và học vị Tiến sĩ, được đánh giá là chuyên gia trong lĩnh vực tim mạch, từng làm Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội. Với uy tín ấy, ông Nguyễn Quang Tuấn được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai. 
Thế nhưng, ngày vui ngắn chẳng tày gang, ông Nguyễn Quang Tuấn từ sự trọng vọng biến thành sự thất vọng của đồng nghiệp, khi bị phanh phui những sai phạm trong thời gian làm giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội. Cụ thể, ông Nguyễn Quang Tuấn đã cùng những cán bộ biến chất đồng lòng “thổi giá” đấu thầu mua sắm thiết bị y tế, trong đó có vật tư tiêu hao can thiệp tim mạch.
Hàng loạt thuộc cấp cũng đã vướng vòng lao lý như Hoàng Thị Ngọc Hưởng (nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội), Nguyễn Thị Dung Hạnh (nguyên Kế toán trưởng Bệnh viện Tim Hà Nội), Đoàn Trọng Bình và Nghiêm Tuấn Linh (cùng là nguyên Phó trưởng phòng phụ trách phòng vật tư thiết bị y tế). 
Những món lợi khổng lồ khi cung cấp thuốc hoặc các dụng cụ khám chữa bệnh, đã làm hoen ố sự lương thiện của đội ngũ thầy thuốc. Mỗi hợp đồng đấu thầu được dàn xếp bởi bàn tay doanh nghiệp tư nhân luôn dành ra những khoản “huê hồng” để đánh gục những người lãnh đạo ở các cơ sở y tế. Thuốc giả, vật tư kém chất lượng đều được đẩy giá lên cao, và tất cả hậu quả trút xuống đầu những bệnh nhân khốn khổ và tội nghiệp. 
Những cuộc tranh trừng nghiêm khắc có đủ lành mạnh hóa những hoạt động đấu thầu trong ngành y tế? Có, nhưng chưa đủ. Y đức chỉ thực sự bền vững khi mỗi thầy thuốc phải can đảm nhận thức rằng, nếu muốn tranh thủ kiếm tiền không nên làm nghề y nữa, mà hãy chọn nghề khác. Đừng khoác áo blouse để che đậy sự tham lam và sự ích kỷ. 

Các tin khác