Báo cáo tại cuộc họp, ông Châu Trần Vĩnh, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết, sau khi Bộ TN-MT công bố kịch bản nguồn nước trên lưu vực sông Hồng - Thái Bình và lưu vực sông Cửu Long, Cục Quản lý tài nguyên nước đã tiếp tục tổ chức xây dựng 6 kịch bản nguồn nước trên 6 lưu vực sông: Bằng Giang - Kỳ Cùng, Mã, Hương, Sê San, Sêrêpôk, Đồng Nai.
Dự kiến, Cục Quản lý tài nguyên nước sẽ trình bộ để công bố 6 kịch bản nguồn nước này trong tháng 1.
Ông Châu Trần Vĩnh, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước báo cáo tại cuộc họp
Để xây dựng kịch bản nguồn nước cho 6 lưu vực sông, cục và các đơn vị liên quan đã tổng hợp số liệu nguồn nước của 133 hồ chứa thủy điện và 1.505 hồ chứa thủy lợi lớn, quan trọng; số liệu quan trắc mực nước các tầng chứa nước; nhu cầu nước cho phát điện, nhu cầu nước của các ngành và sinh hoạt; dự báo xu thế diễn biến nguồn nước của các hồ chứa quan trọng, nguồn nước trên các tiểu lưu vực sông, trong tầng chứa nước dưới đất; dự báo khí tượng, thủy văn trên lưu vực sông.
Vẫn theo ông Châu Trần Vĩnh, về tổng thể, đến nay nhận định khả năng nguồn nước trên 6 lưu vực sông trong mùa cạn năm 2025 ở “trạng thái bình thường”. Tuy nhiên, trên từng lưu vực sông có một số vấn đề riêng. Một số tiểu lưu vực thuộc lưu vực sông Bằng Giang - Kỳ Cùng vẫn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu nước cục bộ. Đối với lưu vực sông Mã, một số khu vực thuộc các địa phương như: Điện Biện, Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa vẫn có khả năng xảy ra thiếu nước cục bộ.
Đối với lưu vực sông Hương, một số khu vực có khả năng xảy ra thiếu nước cục bộ, đặc biệt vào tháng 5, 6 năm 2025. Vào các tháng cao điểm về sử dụng nước cho nông nghiệp và thủy điện (tháng 6, 7), nguồn nước của 3 hồ chứa Tả Trạch, Bình Điền và Hương Điền cũng có thể không đáp ứng đủ lượng nước cần thiết.
Một số khu vực thuộc lưu vực sông Hương có khả năng xảy ra thiếu nước cục bộ, đặc biệt vào tháng 5, 6 năm 2025
Đối với lưu vực sông Đồng Nai, về tổng thể nguồn nước trên lưu vực đảm bảo đủ cho các nhu cầu sinh hoạt, an sinh xã hội; đảm bảo đầy đủ lượng nước cho các ngành kinh tế, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, nguồn nước trên một số tiểu lưu vực thượng sông Đồng Nai (đến hồ Đại Ninh, hồ Đồng Nai 3) và lưu vực sông Bé (đến hồ Thác Mơ) vẫn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu nước, nếu không khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả.
Một số khu vực thuộc các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Bình Phước, Bình Thuận vẫn có khả năng xảy ra thiếu nước cục bộ và nguyên nhân chính dẫn đến nguy cơ có khả năng thiếu nước ở các tiểu vùng là năng lực lấy nước và số lượng của các công trình khai thác, công trình, hệ thống công trình thủy lợi còn thiếu, chưa đồng bộ.
Đối với lưu vực sông Sê San, về tổng thể nguồn nước các hồ chứa thủy điện trên dòng chính sông Sê San tính đến ngày 1-1 đáp ứng cho nhu cầu phát điện và xả dòng chảy về hạ du. Một số khu vực do chưa có hệ thống cấp nước chủ động từ các hồ chứa thủy lợi, nên vẫn có nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước cục bộ vào các tháng cuối mùa cạn.
Đối với lưu vực sông Sêrêpôk, nếu nhu cầu nước phục vụ phát điện tăng cao như năm 2022, hoặc các nhà máy điện trên lưu vực được điều động phát điện với sản lượng lớn, thiếu hụt các nguồn điện khác vào các tháng có nguy cơ xảy ra nắng nóng kéo dài (các tháng 4, 5, 6), đồng thời với việc phải bảo đảm yêu cầu xả dòng chảy về hạ du theo Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Sêrêpôk, thì nguồn nước tích trữ tại các hồ có nguy cơ bị thiếu hụt, không đáp ứng đủ nước cho nhu cầu phát điện, xả dòng chảy tối thiểu.
Bên cạnh, diện tích được tưới bởi các hệ thống công trình thủy lợi trên lưu vực chỉ chiếm khoảng hơn 20% tổng diện tích cần tưới, còn phần lớn diện tích chưa chủ động được nguồn nước mà phải dựa vào nguồn nước mưa, nước ngầm và sông suối tự nhiên; dẫn đến một số khu vực sẽ có nguy cơ thiếu nước cục bộ khi xảy ra nắng nóng và không có mưa.