Một bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương
Nhiều trường hợp tử vong
Từ đầu tháng 10 đến nay, Bệnh viện (BV) Nguyễn Tri Phương đã tiếp nhận 11 ca ngộ độc rượu Methanol. Hầu hết bệnh nhân suy tạng, hôn mê sâu, trong đó có 3 trường hợp nặng, gia đình xin về để lo hậu sự. Điển hình là trường hợp nam bệnh nhân N.V.T. (ngụ tỉnh Vĩnh Long). Bệnh nhân T. vào viện trong tình trạng đau bụng, buồn nôn, lơ mơ và hôn mê. Kết quả xét nghiệm độc chất cho thấy nồng độ Methanol trong máu tăng gấp nhiều lần so với mức cho phép. Người thân của bệnh nhân cho biết, đêm trước nhập viện, anh T. đã mua rượu ở tiệm tạp hóa để uống. Đến rạng sáng hôm sau, bệnh nhân bắt đầu nói sảng, than chóng mặt, nôn ói, sau đó lơ mơ nên phải đưa đi cấp cứu… Trước đó, Khoa Hồi sức tích cực chống độc, BV Nguyễn Tri Phương cũng tiếp nhận 3 trường hợp nhập viện do ngộ độc Methanol. Cả 3 bệnh nhân đều bị ngộ độc nặng, khó cứu chữa nên người thân đã xin đưa về nhà. Theo các bác sĩ, nồng độ Methanol trong máu của các bệnh nhân quá cao, phải lọc máu và có khả năng tử vong cao.
Những ca ngộ độc rượu cấp cứu tại BV Nguyễn Tri Phương vừa qua thường rơi vào từ 24 giờ đến 48 giờ sau khi uống. Bác sĩ Đỗ Quốc Hùng, Trưởng khoa Cấp cứu, BV Nguyễn Tri Phương, cho biết, đa phần trường hợp ngộ độc Methanol khi nhập viện đều có biểu hiện nôn ói, nhức đầu, lơ mơ và dần đi vào hôn mê. Có trường hợp nặng bị ngưng tim ngoại viện. Sau đó là suy hô hấp, rối loạn cân bằng nước, điện giải, nhìn mờ, suy gan, suy thận, tăng đường huyết.
Tương tự, trong mấy tuần gần đây, BV Thống Nhất liên tục tiếp nhận 12 ca ngộ độc rượu Methanol, trong đó 6 trường hợp tử vong, đa số là lao động nghèo. Trong khi những tháng trước, BV không ghi nhận trường hợp nào. Theo BV Thống Nhất, tâm lý bị ảnh hưởng trong giai đoạn giãn cách có thể là nguyên nhân khiến những người này thường xuyên sử dụng rượu. Ngộ độc Methanol nhẹ nhập viện kịp thời vẫn cứu được, nhưng nếu uống quá nhiều, uống thường xuyên sẽ làm cho hệ thần kinh trung ương và các cơ quan bị tổn thương thì sẽ rất nguy hiểm.
Tràn lan rượu trôi nổi
Bác sĩ CKII Võ Đức Chiến (Giám đốc BV Nguyễn Tri Phương) cho rằng, sau thời gian dài bị giãn cách, khi được ra ngoài, hầu hết các bệnh nhân nhập viện đều đã mua rượu tại những tiệm tạp hóa nhỏ ngoài thị trường. Theo bác sĩ Chiến, ngộ độc Methanol trong rượu do chất chuyển hóa của Methanol là acid formic gây rối loạn chuyển hóa và tổn thương nhiều cơ quan. “Ngộ độc rượu Methanol gây tổn thương não, suy thận cấp, suy đa cơ quan. Nếu không được cấp cứu kịp thời, nguy cơ tử vong rất cao”, bác sĩ Chiến chia sẻ. Các chuyên gia y tế cũng xác nhận, do Methanol là cồn công nghiệp, bệnh nhân thường không biết bản thân bị ngộ độc nên lúc đến BV thường đã muộn, gây nhiều khó khăn trong điều trị, nguy cơ tử vong cao. Những trường hợp may mắn qua khỏi cũng có thể đối mặt với những di chứng nặng nề. “Qua những vụ việc vừa xảy ra, cần cảnh báo với cộng đồng về vấn đề sử dụng rượu, cảnh báo tình trạng rượu giả, rượu kém chất lượng khi người dân sử dụng dễ dẫn đến những sự cố đáng tiếc”, bác sĩ CKII Võ Đức Chiến khuyến cáo.
Vừa qua, Ban Quản lý ATTP TPHCM đã cảnh báo tình trạng ngộ độc rượu, sử dụng rượu không đảm bảo an toàn. Qua quá trình điều tra, Ban Quản lý ATTP đang tiến hành xử lý các đơn vị vi phạm về an toàn thực phẩm, tiến hành lấy mẫu phân tích hàm lượng Methanol có trong các mẫu rượu. “Khuyến cáo người dân thận trọng trong việc sử dụng rượu, tuyệt đối không sử dụng các loại rượu không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Nếu có bất cứ triệu chứng bất thường nào xảy ra khi sử dụng rượu, người dân cần nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để xử lý kịp thời”, lãnh đạo Ban Quản lý ATTP nhấn mạnh.
Từ thực tế nói trên, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân không sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng Methanol trên 0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong; không uống rượu nồng độ từ 300 trở lên vượt quá 30ml/người/ngày. Đồng thời nhận định, xảy ra nhiều ca ngộ độc rượu Methanol thời gian qua là do cồn công nghiệp Methanol vẫn đang trôi nổi trên thị trường, trong các quán ăn, nhà hàng mà chưa được kiểm soát tốt. Vì vậy, đề nghị các cơ quan chức năng cần có những phương án quyết liệt hơn trong các khâu quản lý sản xuất và kinh doanh rượu, quản lý hóa chất cồn công nghiệp đang mua bán tràn lan đáng báo động như hiện nay.
Theo PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý ATTP TPHCM, sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh từ các BV trực tiếp điều trị các ca ngộ độc rượu, ban đã nhanh chóng làm việc với các BV để ghi nhận các yếu tố dịch tễ liên quan đến các ca ngộ độc thực phẩm; tiến hành kiểm tra, truy xuất, ngăn chặn các sản phẩm rượu không đảm bảo an toàn lưu thông ngoài thị trường. |