Cảnh giác thương lái Trung Quốc

Thời gian gần đây, nhiều thương lái Trung Quốc đã đến các tỉnh miền Tây Nam bộ thực hiện thu mua lúa gạo của nông dân với mức giá cao hơn so với giá thu mua trong nước 1.000-1.500 đồng/kg. Thí dụ, với loại gạo chất lượng cao 5% tấm, các DN trong nước mua với giá 9.500 đồng/kg thì thương lái Trung Quốc sẵn sàng mua với giá 11.000 đồng/kg với số lượng lớn.

Ngoài việc liên hệ thu mua của nông dân, các thương lái này còn trực tiếp đến gặp một số đơn vị kinh doanh đầu mối đề nghị cung cấp gạo với số lượng 10.000-50.000 tấn gạo 5% tấm giao trong vòng 3 tháng.

Tuy nhiên, sau khi những đơn vị cung cấp gom hàng về kho các thương lái này lại yêu cầu phải bán lại với giá rẻ hơn và phải hỗ trợ phí vận chuyển hàng hóa hoặc thậm chí biến mất không nhận hàng.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết trong 4 tháng đầu năm 2012, VFA đã ký được khá nhiều hợp đồng xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc với khoảng 1,2 triệu tấn gạo 5% tấm, gấp 4 lần so với cả năm 2011.

Nhưng từ tháng 5 trở đi, các hợp đồng bắt đầu sụt giảm mạnh và thương nhân Trung Quốc gần như không còn xuất hiện. Mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ cảnh báo tình trạng thương lái Trung Quốc thu mua hàng hóa và hủy hợp đồng nhập khẩu đang diễn ra phổ biến.

Tuy nhiên, trong các hợp đồng nhập khẩu, các thương nhân Trung Quốc lại không mở tín dụng thư (L/C). Nếu DN nào đòi mở L/C, họ sẽ đưa ra nhiều điều khoản bất lợi cho bên xuất khẩu. Lợi dụng những điểm này, khi có đủ hàng, họ lập tức “im hơi lặng tiếng”, để mặc DN Việt Nam phải ôm hàng trong kho, hoặc đề nghị trộn gạo trắng với gạo thơm để bán với thương hiệu gạo thơm tại thị trường Trung Quốc.

Điều kiện này nhằm khiến người tiêu dùng Trung Quốc không còn tin tưởng vào chất lượng gạo Việt Nam và có cớ hủy những hợp đồng thu mua giá cao được ký trước đó. Đồng thời, thương lái Trung Quốc còn mua hàng theo điều kiện FOB, nghĩa là tự thuê tàu và chịu chi phí vận chuyển mà không cho DN Việt Nam tham gia vào việc này.

Chỉ khi được thuê tàu và container, đến giai đoạn thanh toán các DN mới được hãng tàu cấp vận đơn. Do đó, khi mất đi quyền này, một số DN xuất khẩu hàng đến địa phận Trung Quốc bị các nhà nhập khẩu từ chối nhận hàng cũng phải chịu vì không có vận đơn để hoàn tất chứng từ thanh toán.

Theo luật pháp, việc thương lái nước ngoài trực tiếp tổ chức mạng lưới thu gom hàng hóa của nông dân là vi phạm quy định của Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến nay cơ quan chức năng không thể xử lý được vì các vụ mua bán này diễn ra âm thầm, không đăng ký với cơ quan nào.

Nếu tiếp tục tình trạng này, thị trường trong nước sẽ bị xáo trộn mạnh. Muốn hạn chế, phía Nhà nước cần đưa ra nhiều chính sách khuyến khích nông dân và DN thành lập các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản để tránh bị những thương lái nước ngoài xen quá sâu thị trường gây những ảnh hưởng không tốt.

Ngoài ra, các DN khi muốn bán hàng cũng cần phải tìm hiểu kỹ đối tác để có chiến lược kinh doanh dài hạn, không nên chụp giật những hợp đồng giá cao mà cần hướng đến tính bền vững để giữ thương hiệu trên thị trường quốc tế.

Các tin khác