Cạnh tranh thiếu lành mạnh

(ĐTTCO) - Chiến lược cạnh tranh trong kinh doanh là điều các cơ sở kinh doanh phải có, song hiện nay, nhiều người trẻ lại chọn cách “bóc phốt”, “dìm hàng” đối thủ trên mạng xã hội (MXH) để giành khách.

Cạnh tranh thiếu lành mạnh ảnh 1“Bóc phốt” đang trở thành mốt mà người trẻ dùng để thu hút khách hàng

“Bóc phốt” bạn hàng

Thời gian gần đây, trong các hội, nhóm trên MXH xuất hiện nhiều vụ “bóc phốt” để bán hàng. Trên trang “Thanh lý đồ mẹ và bé” tại TPHCM liên tục xuất hiện câu chuyện một cô gái trẻ mua nội y của Nhật Bản nhưng bị cửa hàng chặt chém với giá 200.000 đồng/chiếc, và mới đây đã tìm được một mối khác cho là sản phẩm y chang vì là hàng xuất dư, chỉ 165.000 đồng/5 chiếc.

Để chứng minh cho lời nói của mình, cô gái này còn chụp cả hóa đơn tính tiền của một shop (không rõ tên và địa chỉ) mà cô bị mua đắt. Dù tự nhận chỉ là người mua hàng bình thường, không bán hàng, cũng không quảng cáo cho ai nhưng trong bài “bóc phốt” của cô gái liên tục xuất hiện trang web của một shop bán mặt hàng này. Thậm chí câu chuyện được kể còn đang dang dở, phía dưới có dòng chữ “nhấn để xem thêm” thì khi nhấn vào dòng chữ này, chúng tôi lập tức được dẫn vào trang web của shop.

Tương tự, tài khoản N.P.T cũng chụp hóa đơn và “bóc phốt” cửa hàng giặt giày khi tính 120.000 đồng/đôi giày cho mỗi lần giặt. Theo thanh niên này, khi tình cờ phát hiện ra nhân viên sử dụng một chai nước chuyên dụng để giặt giày và giặt hoàn toàn bằng thủ công thì cậu đã tìm mua chai nước giặt đó trên mạng về tự giặt. “Thật bất ngờ khi chai nước giặt chỉ có giá 350.000 đồng, có thể giặt được 8-10 lần, vậy mà họ tính của tôi tới 120.000 đồng/đôi cho mỗi lần giặt. Quá xót!”, thanh niên này viết và không quên gắn link trang web của shop bán mặt hàng trên.

Thậm chí, một số tài khoản có tên N.P, N.A còn nhiệt tình đến mức, sau khi “bóc phốt” những cửa hàng bán nước hoa giá cao, ở mỗi bình luận của cư dân mạng phía dưới, họ đều chăm chỉ trả lời bằng cách gắn đường link trang web mà họ đã mua và khuyên mọi người đặt sớm kẻo hết.

Chiêu kinh doanh “bẩn”

“Cũng có người “bóc phốt” vì mục đích không muốn để người khác mất tiền mua phải món hàng giá cao trong khi sản phẩm không tương xứng, nhưng thực tế nhiều người đã sử dụng chiêu này để “dìm hàng” đối thủ. Họ thường chọn những hội, nhóm trên MXH - nơi tập trung nhiều chị em phụ nữ ưa chuộng mua sắm online để đăng đàn”, chị Nguyễn Thị Cẩm Tú (ngụ quận 2) cho biết. Chị Tú kể: “Họ tố tôi bán giá cao gấp 2, gấp 3 lần so với một cửa hàng khác có cùng mẫu sản phẩm, rồi không ít khách hàng vào nhắn tin mắng vốn shop tôi mà không tìm hiểu sản phẩm của 2 bên khác nhau như thế nào. Mặt hàng giống y chang nhau, nhưng thực tế chỉ giống nhau về mẫu mã, chưa chắc đã giống nhau về chất liệu và đường kim mũi chỉ”.

Có nhiều kinh nghiệm trong kinh doanh, chị Vũ Thị Hồng (ngụ quận 11) khẳng định trò “bóc phốt” hiện đang là “chiêu kinh doanh bẩn” mà nhiều bạn trẻ đang lợi dụng MXH để thu hút khách. Theo chị Hồng, tại cửa hàng, người mua được nhìn tận mắt, sờ tận tay sản phẩm, thậm chí có tem mác, hóa đơn nhập hàng từ nước ngoài về; còn mua trên mạng thì mọi thứ đều hên xui. “Người mua có thể mua lầm chứ người bán không lầm, vì vậy khi mua mặt hàng nào mà giá cả chênh nhau quá nhiều, bạn nên tìm hiểu kỹ hơn về chất lượng. Không nên chỉ nghe vài ba lời “bóc phốt” của ai đó trên MXH mà quay lưng với các cơ sở kinh doanh uy tín, bởi có thể bạn sẽ mua phải hàng dỏm”, chị Hồng khuyên.

Hiện cũng đã có nhiều người nhận ra kiểu kinh doanh “bẩn” trên nên dưới mỗi bài “bóc phốt” cũng có không ít bình luận tẩy chay những shop được giới thiệu. Nói như vậy để thấy, MXH phát triển đã mở ra nhiều cơ hội cũng như hỗ trợ việc kinh doanh cho người trẻ, song để bền lâu và sống được với nó thì vẫn phải gầy dựng uy tín, từ chất lượng sản phẩm đến chiến lược thu hút khách hàng. Người trẻ nên dựa vào chính nội lực của mình để gầy dựng, duy trì và phát triển mới mong bền vững.

Các tin khác