Tỉnh Lâm Đồng hiện đang khẩn trương hoàn thiện giai đoạn chuẩn bị để khởi công 2 dự án đường cao tốc Tân Phú-Bảo Lộc và Bảo Lộc-Liên Khương.
Theo ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng, đây là con đường định hình cho tương lai của tỉnh Lâm Đồng, ước mơ của các thế hệ lãnh đạo cũng như mọi người dân trong tỉnh từ hàng chục năm qua. Dự kiến con đường này sẽ được khởi công vào tháng 6/2023.
Tuyến đường nối thành phố Đà Lạt, trung tâm của tỉnh Lâm Đồng với Thành phố Hồ Chí Minh trong tương lai sẽ là cao tốc Dầu Dây-Liên Khương với tổng chiều dài 200,3km, chia làm 3 đoạn để đầu tư.
Đoạn Dầu Dây-Tân Phú (thuộc địa bàn tỉnh Đồng Nai) dài 60,1km; đoạn Tân Phú-Bảo Lộc dài 66,3km nằm trên địa phận tỉnh Lâm Đồng và 1 đoạn ngắn nằm trên địa phận tỉnh Đồng Nai; đoạn Bảo Lộc- Liên Khương nối thành phố Bảo Lộc với cao tốc Liên Khương- Prenn dài 73,9km, nằm hoàn toàn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Theo ông Trần Văn Hiệp, nếu dự án này hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ định hình cho tương lai của tỉnh Lâm Đồng. Bởi hiện nay, hàng hóa luân chuyển từ thành phố Đà Lạt tới Thành phố Hồ Chí Minh mất từ 8- 9 giờ, trong tương lai rút ngắn chỉ còn 3-4 giờ.
Mặt khác, tuyến cao tốc này chủ yếu được mở mới chứ không chạy trên nền Quốc lộ 20 và các tuyến đường khác, nên sẽ phát triển được quỹ đất ở 2 bên đường. Đặc biệt, từ các nút giao thông sẽ hình thành nên các khu đô thị, khu công nghiệp, khu du lịch…
Sau khi tuyến cao tốc này đi vào sử dụng, tuyến Quốc lộ 20 sẽ trở thành đường dân sinh, thuận lợi cho giao thông khu vực phát triển. Chưa kể khi các phương tiện giao thông lưu thông trên đường cao tốc sẽ giảm thiểu tai nạn giao thông rất nhiều, không còn hiện tượng kẹt xe, ùn ứ. Hàng hóa đặc sản tươi sống của Lâm Đồng như rau, hoa vận chuyển tới các tỉnh phía Nam sẽ kịp thời trong ngày và tăng lượng hàng được luân chuyển ra khỏi địa bàn tỉnh.
Với dự án này, Lâm Đồng sẽ trở thành tỉnh đầu tiên trong cả nước thực hiện xây dựng các tuyến đường cao tốc mở mới từ nguồn vốn dựa trên phương thức đối tác công tư (PPP).
Hiện tại, dự án cao tốc Tân Phú- Bảo Lộc giai đoạn 1 có tổng đầu tư 6.500 tỷ đồng. Tỉnh Lâm Đồng cam kết với Trung ương bố trí vốn trong giai đoạn 2022- 2025 là 4.500 tỷ đồng; trong đó, mỗi năm phân kỳ 1.500 tỷ đồng. Hiện tỉnh đã bố trí từ ngân sách 3.700 tỷ đồng.
Trong dự án này, Trung ương đã bố trí 2.000 tỷ đồng hỗ trợ cho tỉnh cho hạng mục giải phóng mặt bằng và thi công. Trong tháng 7, Bộ Giao thông Vận tải mới có điều chỉnh tiêu chuẩn cơ sở của đường cao tốc quy mô lòng đường tăng lên từ 13,6m lên 15m. Còn ý chí của lãnh đạo tỉnh sẽ tăng quy mô lòng đường lên 17m, để đồng bộ với các tuyến cao tốc khác trên trục đường này.
Dự án Bảo Lộc- Liên Khương với nguồn vốn 12.000 tỷ đồng, tỉnh Lâm Đồng cam kết bố trí 10.800 tỷ đồng đối ứng, còn lại là vốn của các nhà đầu tư. Tỉnh đã gửi văn bản đề nghị Trung ương hỗ trợ 2.500 tỷ đồng. Dự án này thuận lợi hơn vì thẩm quyền thuộc về Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng, thống nhất về chủ trương đầu tư.
Dự án Tân Phú-Bảo Lộc liên quan đến tỉnh Đồng Nai vì có 10km chạy qua địa bàn tỉnh này. Khó khăn lớn nhất hiện nay thực hiện 2 tuyến đường này chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để chuyển sang mục đích làm đường. Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xin ý kiến các bộ ngành lần cuối để trình Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi.
Với tiến độ thực hiện như hiện nay, tỉnh Lâm Đồng khẳng định sẽ khởi công cả 2 dự án này trong tháng 6/2023. Đáng chú ý, ngay từ khi sơ khai hình thành dự án này, Lâm Đồng đã đi trước 1 bước, “để dành” các điểm mỏ và sắp tới sẽ bàn giao cho các nhà đầu tư dự án 12 điểm mỏ vật liệu xây dựng thông thường như đất, cát, đá sỏi… để phục vụ thi công.
Với các điều kiện về tài chính, năng lực, vật lực, tỉnh Lâm Đồng hy vọng tới tháng 6/2026 sẽ hoàn thành 2 dự án quan trọng này.