Với sự vào cuộc quyết liệt của phía địa phương, chủ đầu tư dự án và các nhà thầu, tiến độ huy động và thi công của các gói thầu dự án cao tốc Bắc-Nam đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45 đến nay cơ bản đáp ứng yêu cầu của dự án.
Tuy nhiên, dự án hiện vẫn còn những “điểm nghẽn” và nếu không giải quyết triệt để sẽ dẫn tới khó hoàn thành tiến độ vào năm 2022.
Tiến độ song hành với chất lượng công trình
Theo ông Lương Văn Long, Giám đốc quản lý dự án (Ban Quản lý dự án Thăng Long - đại diện chủ đầu tư), dự án có tổng chiều dài 63,37km (đoạn qua tỉnh Ninh Bình dài 14,41km; đoạn qua tỉnh Thanh Hóa dài 48,96km), tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ dự kiến 12.111 tỷ đồng. Dự án được chia làm 5 gói thầu xây lắp và đã khởi công triển khai đồng loạt thi công xây dựng.
Về công tác giải phóng mặt bằng, ông Long cho hay, đến nay đã hoàn thành đền bù được 59 trong tổng số 63,37km (đạt 93,15%), trong đó tỉnh Ninh Bình còn lại 3,33km trong tổng số 14,35km, hiện nay địa phương đang tích cực để giải quyết xong các vướng mắc còn lại, dự kiến trong tháng Ba sẽ bàn giao được 2,4km, còn lại khoảng 900m sẽ tiếp tục thực hiện bàn giao sớm nhất cho nhà thầu thi công.
Tại tỉnh Thanh Hóa, mặt bằng còn lại 1,5km chưa bàn giao, hiện Ban quản lý dự án Thăng Long đang tích cực phối hợp cùng các hội đồng giải phóng mặt bằng và các cơ quan ban ngành địa phương để giải quyết các vướng mắc, sớm bàn giao toàn bộ mặt bằng sạch cho các nhà thầu thi công.
“Mặc dù các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa đã hết sức nỗ lực trong việc bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công, tuy nhiên, trong trường hợp hết quý 1/2021 mà không bàn giao mặt bằng thì dự án sẽ chậm tiến độ và khó có thể hoàn thành trong năm 2022,” ông Long khẳng định.
Liên quan đến vấn đề này, ông Hoàng Mạnh Hùng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Tam Điệp (tỉnh Ninh Bình) cho biết để phấn đấu bàn giao toàn bộ mặt bằng cho nhà thầu thi công cao tốc Mai Sơn-Quốc lộ 45 trước ngày 31/3/2021, thành phố yêu cầu Hội đồng giải phóng mặt bằng thành phố tiếp tục tập trung cao độ, triển khai đồng bộ các giải pháp, đổi mới cách thức tuyên truyền, vận động để hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng thực hiện dự án trước ngày 28/3/2021.
Ngoài ra, thành phố Tam Điệp cũng chỉ đạo các phòng, đơn vị liên quan hoàn chỉnh phương án bố trí đất tái định cư cho các hộ dân trước ngày 17/3/2021.
Ghi nhận tại các gói thầu, đơn vị nhà thầu đã huy động máy móc và nhân công, chia ca kíp để đẩy nhanh tiến độ thi công đắp nền đất, khoan hầm Tam Điệp, hầm Thung Thi...
Ông Đỗ Quốc Tuấn, chỉ huy trưởng thi công đường dẫn và hầm Tam Điệp (trị giá gói thầu 380 tỷ đồng) của nhà thầu Tập đoàn Sơn Hải tại gói 10-XL cho hay, ngoài bố trí đủ lượng phương tiện máy móc, hiện có 100 lao động chia 3 ca làm việc nhằm đẩy nhanh tiến độ.
“Bình quân mỗi ngày khoan 4-5m hầm. Qua khoan khảo sát, địa chất đá phía ngoài hầm chưa tốt, khi đào sâu vào trong sẽ tiếp tục theo dõi và đưa ra các biện pháp xử lý,” ông Tuấn nhấn mạnh.
Đánh giá các nhà thầu tham gia dự án đều là những “ông lớn” có tiềm lực mạnh về tài chính và kinh nghiệm thi công ở các dự án giao thông như Xuân Trường, Sơn Hải, Cường Thịnh Thi, Định An, Tổng công ty 319, Đèo Cả.... ông Long quả quyết: “Cao tốc Bắc-Nam là dự án trọng điểm Quốc gia, là công trình mẫu nên trong quá trình thực hiện, ngoài đảm bảo tiến độ hoàn thành cũng phải đặt vấn đề chất lượng lên hàng đầu.”
Vật liệu khan hiến và tăng giá, nhà thầu lỗ nặng
Kế hoạch hoàn thành dự án Mai Sơn-Quốc lộ 45 đang đứng trước vướng mắc về tiến độ bởi nguồn vật liệu thi công nền đường khan hiếm trầm trọng.
Theo báo cáo của Ban quản lý dự án Thăng Long, dự án này có tổng khối lượng vật liệu dự kiến khoảng 8,2 triệu m3 trong đó đoạn đi qua Thanh Hóa có nhu cầu khoảng 5,9 triệu m3 đất đắp nền; 1,8 triệu m3 đá và 1,7 triệu m3 cát. Kết quả điều tra, khảo sát và danh sách nguồn cung cấp vật liệu đã được tỉnh Thanh Hóa thỏa thuận, thống nhất cơ bản đáp ứng nhu cầu.
Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 3 dự án cao tốc đi qua (gồm Mai Sơn-Quốc lộ 45, Quốc lộ 45-Nghi Sơn và Nghi Sơn-Diễn Châu), khi các dự án đồng loạt triển khai, nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh là rất lớn và phụ thuộc vào công suất khai thác của các mỏ.
“Thực tế, nhiều mỏ dù nằm trong quy hoạch nhưng đến nay vẫn bị ‘treo’ do chưa được cấp phép, trong khi các mỏ đang khai thác trữ lượng ít, công suất nhỏ, khiến nguồn cung thiếu trầm trọng, dẫn đến khó khăn cho nhà thầu thi công về vật liệu đất đắp và ảnh hưởng tới tiến độ,” ông Long thừa nhận.
Mặt khác, nhà thầu muốn đẩy nhanh tiến độ thi công cũng rất khó khi các mỏ đất được địa phương cấp phép do tư nhân quản lý đang đẩy giá vật liệu lên cao gấp 2-3 so với giá khảo sát ban đầu.
Ông Trần Đình Ngân, chỉ huy trưởng công trường thi công gói 11-XL của Tổng công ty 319 (Bộ Quốc phòng) cho biết trước đây, giá vật liệu đất đắp nền từ 20.000-22.000 đồng/m3 nhưng hiện nay giá đã lên tới 35.000-37.000 đồng/m3, giá tăng gần gấp đôi mà vẫn chưa đủ vật liệu để mua.
“Để có thể thi công, nhà thầu loay hoay tìm khảo sát mỏ khác nằm trong quy hoạch và được địa phương cấp phép để đáp ứng nguồn vật liệu cho gói thầu. Hiện tại, với giá mua chủ mỏ ngoài và khoảng cách xa từ 17-20km, chưa kể giá cao dẫn đến các nhà thầu đứng trước nguy cơ phải bù lỗ hàng trăm tỷ đồng,” ông Ngân ngao ngán nói.
Thừa nhận việc mua bán vật liệu thi công là quan hệ giữa các nhà thầu với chủ mỏ đất, mỏ đá, không ảnh hưởng gì đến tổng mức đầu tư của dự án được duyệt, bởi khi nhà thầu đã bỏ giá thầu thì phải làm đúng theo quy định. Tuy nhiên, ông Ngân cho rằng việc khan hiếm vật liệu, giá đất bị đẩy lên cao, nhà thầu bị thiệt hại sẽ ảnh hưởng đến tiến độ của công trình.
Là một trong các đơn vị tư vấn tham gia thiết kế kỹ thuật dự án cao tốc Mai Sơn-Quốc lộ 45 và đã làm rất kỹ lưỡng, tính toán đủ nguồn vật liệu đất đắp thi công, phía Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) đã khảo sát khu vực xung quanh dự án có tới 16 mỏ đất có thể cung cấp cho dự án và đã được chính quyền hai tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa có văn bản thỏa thuận, thống nhất.
Trữ lượng khai thác của 16 mỏ này khoảng 15 triệu m3, trong khi nhu cầu đất đắp của dự án cao tốc Mai Sơn-Quốc lộ 45 chỉ khoảng 7 triệu m3. Tuy nhiên, đại diện TEDI nhìn nhận, tình trạng khan hiếm vật liệu, giá đất đắp bị tư nhân “đẩy” lên cao vẫn đang xảy ra tại dự án này do nhiều mỏ dù đã nằm trong quy hoạch nhưng chưa được chính quyền địa phương cấp phép.
Để tháo gỡ khó khăn này, Bộ Giao thông Vận tải, Ban quản lý dự án Thăng Long đã làm việc với các địa phương nơi dự án đi qua xem xét, bổ sung các mỏ vật liệu, mở rộng diện tích, tăng công suất khai thác đối với mỏ vật liệu đất đắp và bổ sung quy hoạch, cấp phép khai thác như tại tỉnh Ninh Bình có các mỏ Đồi Giàng (trữ lượng khoảng 900.000-1 triệu m3), mỏ Sòng Vặn (khoảng 3,5 triệu m3); tỉnh Thanh Hóa có mỏ Đồi Ao (trữ lượng 900.000 m3) và các điều kiện cần thiết khác (giải phóng mặt bằng, thi công xây dựng đường tiếp cận vào mỏ,...).
Ngoài ra, vị trí bãi đổ thải không thích hợp cũng là một vấn đề khó khăn cho nhà thầu thi công đặc biệt là địa phận tỉnh Thanh Hóa, đến nay tỉnh mới cấp phép 2 bãi dẫn đến khó khăn cho nhà thầu trong công tác vận chuyển, tập kết vật liệu không thích hợp.
Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải và Ban quản lý dự án Thăng Long đang làm việc với các địa phương để kiểm tra, rà soát các khu vực, vị trí tập kết vật liệu không thích hợp của dự án phù hợp với nhu cầu sử dụng và quy hoạch của địa phương báo cáo Ủy ban Nhân dân các tỉnh để phối hợp giải quyết sớm.