Theo đó, bệnh nhân T.A.G. (30 tuổi, ngụ tỉnh Sóc Trăng) đã lấy 2 bộ trứng cóc nấu cháo ăn. Sau khi ăn khoảng 1 giờ thì trong người cảm giác đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, đau ngực trái, đánh trống ngực, đau bụng và nôn ói… Ngay lập tức được đưa vào Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long cấp cứu.
Tại Khoa Cấp cứu, bệnh nhân trong tình trạng đau bụng, buồn nôn nhiều, li bì, chân tay lạnh, rối loạn nhịp tim. Các bác sĩ tiến hành cấp cứu và làm các xét nghiệm cần thiết; bệnh nhân được chẩn đoán bị ngộ độc do ăn trứng cóc, gây tổn thương đa cơ quan.
Xác định đây là trường hợp ngộ độc nặng, đe dọa tính mạng, nên các bác sĩ đã nhanh chóng xử trí rửa dạ dày, cân bằng nước điện giải, kiểm soát nhịp tim, dùng các loại thuốc điều trị biến chứng tim mạch, gan, thận... Sau đó, chuyển sang Khoa Hồi sức tích cực và chống độc theo dõi.
Sau 2 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân dần ổn định hơn, giảm mệt, không còn đau bụng, nôn ói, nhịp tim, huyết động ổn định, chức năng gan, thận có cải thiện, kali máu về bình thường.
BS CKI Nguyễn Chí Hiểu, Khoa Hồi sức tích cực và chống Độc (Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long) cho biết, mặc dù thịt cóc chứa nhiều chất dinh dưỡng, nhưng một số bộ phận khác của con cóc lại chứa độc tố, trong đó có độc tố nguy hiểm gây chết người là tetrodotoxin. Độc tố này có trong da, gan, trứng, mủ, mắt và hạch thần kinh của con cóc cũng chứa các chất cực độc, dễ gây chết người; kể cả khi chế biến ở nhiệt độ cao, độc tố này cũng khó phân hủy.
Do đó, khi bản thân hoặc gặp người nào bị ngộ độc trứng cóc, cần nhanh chóng gây nôn để loại bỏ tối đa độc tố ra khỏi cơ thể; đồng thời đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.