
Theo đó, bệnh nhân P.M.V. (44 tuổi, ngụ tại quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ) bị tai nạn giao thông, nhập viện trong tình trạng đau khắp bụng, đau dữ dội vùng bờ sườn và hông lưng bên phải, da niêm nhợt nhạt, vã mồ hôi, thở nhanh, nhịp tim nhanh, huyết áp thấp, có dấu hiệu mất máu nặng… Ngay lập tức, bệnh nhân được khám, siêu âm và chụp cắt lớp vi tính bụng, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị xuất huyết nội do vỡ gan độ 4 (nhánh động mạch gan vỡ đang xuất huyết).
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã tiến hành “nút nhánh động mạch gan”; đây là phương pháp điều trị nội mạch dưới máy chụp mạch kỹ thuật số hóa, xóa nền DSA. Bác sĩ dùng một ống thông nhỏ đường kính dưới 1mm, luồn từ vùng bẹn phải vào động mạch đùi, đưa lên động mạch chủ vào đến động mạch gan. Tiếp theo bác sĩ bơm thuốc cản quang chụp toàn bộ hệ động mạch của gan, xác định nhánh động mạch bị vỡ gây chảy máu ổ bụng.
Sau khi đã xác định được vị trí động mạch tổn thương, thuốc tắc mạch sẽ được bơm vào động mạch bị vỡ để cầm máu. Thủ thuật nút động mạch gan đã được thực hiện thành công trong vòng 45 phút.
Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Kỳ Phương, Trưởng khoa Tiêu hóa (Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long), trước đây các trường hợp chấn thương gan vỡ có tình trạng diễn tiến tiếp tục xuất huyết, bác sĩ cân nhắc đến việc phẫu thuật cầm máu. Ca vỡ gan trên gặp một ít khó khăn do động mạch gan không xuất phát từ động mạch thân tạng, mà lại xuất phát từ nhánh của động mạch mạc treo tràng trên. Việc can thiệp nội mạch cầm máu chấn thương gan vỡ giúp người bệnh ít đau, không phải gây mê, thời gian hồi phục nhanh, tránh được phẫu thuật lớn, không để lại vết mổ trên thành bụng và bảo tồn được gan.