Năm 2012 và 2013 là thời điểm nền kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn, một lần nữa được miêu tả rõ hơn tại báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2013 vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Ngân hàng Thế giới (WB) công bố.
Lãng phí nhân lực, vốn
Xét về tốc độ tăng, tổng đầu tư toàn xã hội trong năm 2013 chỉ tăng 8%. Mặc dù cao hơn mức 7% của năm 2012 và 5,73% năm 2011 nhưng thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng 17% giai đoạn 2007-2012. Tỷ lệ lao động qua đào tạo các năm 2011, 2012 và 2013 lần lượt là là 43%, 46% và 49%, tuy nhiên đang bị lãng phí nghiêm trọng.
Theo đó, ước tính số thất thoát thời gian lao động tương đương với trên 10 triệu lao động thất nghiệp hoàn toàn. Trong số này không ít lao động có sức khỏe và đã qua đào tạo. Bên cạnh đó, năng suất lao động xã hội (được tính bằng GDP theo giá thực tế chia cho tổng số lao động đang làm việc) của Việt Nam còn rất thấp: Năm 2012 đạt khoảng 62,8 triệu đồng/người/năm, tương đương 3.000 USD/năm, thấp so với các quốc gia thuộc ASEAN và khu vực châu Á.
Cụ thể, so với Singapore (nước có mức năng suất lao động cao nhất khối ASEAN và châu Á), Việt Nam chỉ bằng 1/16 lần, khoảng 1/2 của khối ASEAN, 1/3,5 lần các nước Đông Á.
Năng lực sản xuất của vốn đầu tư trong thời gian qua có xu hướng giảm, thể hiện thông qua chỉ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR). Năm 1991, chỉ số ICOR 2,9 nhưng đến năm 2012 tăng lên 6,6. Như vậy, trong vòng 22 năm, ICOR đã tăng 2,2 lần và đáng lo ngại là xu hướng trong vài năm gần đây lại tăng khá mạnh.
Chỉ số này của Việt Nam cũng cao hơn nhiều so với nhiều nước công nghiệp mới và so sánh với tiêu chí của WB, ICOR của Việt Nam cao hơn gấp 2 lần, nghĩa là hiệu suất đầu tư chỉ bằng một nửa. Điều đáng nói ở khu vực đầu tư công, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước có chỉ số ICOR cao hơn nhiều so với khu vực tư nhân, tương ứng lần lượt là 3,63 và 7,85.
Xuất khẩu đóng góp vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế khi chiếm 47% GDP năm 2000, tăng lên 81,85% năm 2012 và 77,72% năm 2013. Tuy nhiên, trước năm 2003 doanh nghiệp trong nước luôn chiếm tỷ lệ cao hơn trong kim ngạch xuất khẩu so với doanh nghiệp FDI, thì những năm gần đây xu thế này ngược lại (năm 2011, 2012, 2013, xuất khẩu khu vực FDI chiếm tương ứng 56,9%, 63,1% và 61,4%). Thực tế trên cho thấy nền kinh tế Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào doanh nghiệp FDI, trong khi vai trò của các doanh nghiệp trong nước còn hạn chế.
Đổi mới mô hình tăng trưởng
Ở Việt Nam, tăng trưởng dựa vào vốn và lao động rẻ, lương thấp đã vơi cạn. Thực tế hiện nay đã đòi hỏi tính cấp bách của việc đổi mới mô hình tăng trưởng ở nước ta. Yêu cầu này lại càng cấp thiết hơn do những xu thế mới trong phát triển kinh tế toàn cầu và yêu cầu ổn định vĩ mô bền vững. | |
Ông Trương Đình Tuyển, |
Tính đến thời điểm 1-1-2013, Việt Nam có trên 347.000 doanh nghiệp, chỉ tăng 6,9% so với năm 2011 và giảm mạnh so với mức tăng của thời điểm 2011 và 2010 (11,9% và 16,8%). Sự suy giảm tốc độ tăng trưởng doanh nghiệp hoạt động cùng sự khó khăn trong hoạt động đã kéo theo tốc độ tăng trưởng lao động giảm khi năm 2012 tăng 0,9%, tương ứng với dưới 100.000 việc làm mới và thấp nhất giai đoạn 2002-2012 (trong giai đoạn 2007-2011 tăng 11%/năm tương ứng 900.000 việc làm, 2002-2006 là 10,8%/năm tương ứng gần 520.000 việc làm).
Việc tốc độ tăng trưởng lao động giảm nhiều hơn so với tăng trưởng số lượng doanh nghiệp cũng cho thấy doanh nghiệp Việt Nam đang xu hướng thu nhỏ về quy mô lao động. Điều này còn thể hiện qua sự thay đổi lớn về vốn của doanh nghiệp khi lần đầu tiên sau 10 năm trước, tổng nguồn vốn của doanh nghiệp giảm so với năm trước: đạt khoảng 14,5 triệu tỷ đồng, giảm 803.000 tỷ đồng so với năm 2011, tương ứng giảm hơn 5,2%.
Khuyến nghị chính sách cho phát triển kinh tế Việt Nam, theo nhóm nghiên cứu, để tăng trưởng cao đi liền với chất lượng đòi hỏi phải đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó có sự hội tụ của 3 trụ cột quan trọng liên quan đến chính sách phát triển doanh nghiệp: tái cấu trúc kinh tế, nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Để làm được điều đó, giải pháp thứ nhất được VCCI khuyến nghị là cần thiết lập cơ cấu kinh tế ngành, vùng phù hợp phục vụ mục tiêu hiệu quả kinh doanh và phát huy lợi thế cạnh tranh của từng địa phương. Các trọng tâm tái cấu trúc mà Chính phủ đang theo đuổi phải được thực hiện đồng bộ. Trong đó, tái cơ cấu đầu tư công thực hiện theo hướng đảm bảo tính thống nhất của chiến lược phát triển quốc gia, nâng cao chất lượng quy hoạch…
Trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giảm bớt sự lấn sân của khu vực này với doanh nghiệp ngoài nhà nước; thực hiện vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp nhà nước thông qua tái cấu trúc với chiến lược kinh doanh rõ ràng.
Thứ hai xây dựng các thể chế, định chế để khuyến khích và định hướng đầu tư theo tín hiệu thị trường bằng cách đa dạng hóa xuất khẩu và xâm nhập vào chuỗi giá trị; mở rộng thị trường nội địa; tạo lập thị trường cạnh tranh, kiểm soát độc quyền tự nhiên.
Thứ ba, tăng hàm lượng khoa học công nghệ và tỷ trọng giá trị nội địa trong sản phẩm thông qua đầu tư, đổi mới công nghệ, chuyển giao kiến thức, thu hút FDI và nâng cao năng suất lao động.
Thứ tư, lựa chọn một số ngành có lợi thế cạnh tranh để ưu tiên phát triển và tập trung phát triển một số doanh nghiệp có hiệu quả kinh doanh, có quy mô từ cỡ trung bình trở lên.
Và cuối cùng là phát huy lợi thế cạnh tranh của các vùng kinh tế.