Cầu Long Biên, 'bảo tàng' lịch sử vô giá của Hà Nội

(ĐTTCO) - Cầu Long Biên có tên “khai sinh” là Paul Doumer - vị Toàn quyền Đông Dương thời đó quyết định xây cây cầu này, còn dân dã thời đó gọi là Cầu Sông Cái (*). Trải qua 120 năm tồn tại, cây cầu lịch sử này đã cho cảm xúc đa chiều, rực sáng từ nhiều góc nhìn.
Cầu Long Biên.
Cầu Long Biên.

Cơ duyên khiến Paul Doumer quyết bắc cầu Long Biên có lẽ từ khi ông đặt chân tới Hà thành, cảnh trí của kinh kỳ Thăng Long ùa vào cảm xúc của vị Toàn quyền.

Ông viết trong Ký ức Đông Dương thuộc Pháp, như sau: "Khi tôi nhìn thấy Hà Nội vào đầu tháng 3-1897, thành phố lúc đó thật là duyên dáng với các ngôi nhà trắng cổ kính của người Việt và người Hoa chen lẫn nhau ở bờ Bắc, khiến nó giữ được vẻ đẹp phương Đông như trong tranh. Các khu phố An Nam với những con phố nhỏ hẹp, hai bên là những hàng nhà thấp có cửa hàng lấn ra cả vỉa hè đông đúc trông thật ấn tượng. Chính đó mới là cái hồn thật sự của Hà Nội”.

Ngày nay, còn lưu giữ bản viết của Paul Doumer: “Đông Dương, cần tất cả những gì tạo nên cơ sở hạ tầng cơ bản cho xứ sở rộng lớn, phì nhiêu và đông đúc. Một việc mà tôi cho rằng cực kỳ cấp thiết, đó là xây dựng một cây cầu lớn qua sông Hồng ở Hà Nội”. Và ông quyết định bắc cây cầu khổng lồ dài 1.600m qua sông Hồng.

Thế nhưng, thời điểm đó ông đã không nhận được nhiều tán thành, nhiều người coi việc này không khả thi. Sông Hồng rộng như một eo biển, sâu hơn 20m và dâng thêm 8m vào mùa lũ. Lòng sông luôn thay đổi, khi bồi chỗ này, lúc lở chỗ kia. Một con sông như vậy sao có thể chế ngự bằng một cây cầu đặt trụ dưới một lòng sông đầy sóng dữ…

Vị Toàn quyền vẫn quyết định làm cầu. Có 6 công ty lớn của Pháp tham gia và Công ty Daydé et Pillé đã giành chiến thắng. Công ty mang tên Daydé et Pillé - một kỹ sư bách nghệ lừng danh với bề dày kinh nghiệm - đã làm nhiều công trình hầm cầu, trong đó nổi tiếng là ga đường sắt Bordeaux-Saint-Jean, mái vòm và gian giữa của Cung điện lớn Grand Palai ở Paris năm 1900.

Bản đăng ký dự thầu do Công ty Daydé et Pillé được chính Doumer phê duyệt, với các bản vẽ mặt đứng và mặt cắt dọc nhịp cầu dài 51,2m với các dầm chìa của các nhịp cầu… và tên tuổi nhà thầu Daydé et Pillé được khắc ghi trên tấm biển kim loại nhỏ nhắn, chữ nổi, trên nhịp cầu phía hữu ngạn, đến nay vẫn sắc nét.

Cây cầu chính thức khởi công ngày 12-9-1898, được đánh dấu bằng nghi thức Toàn quyền Paul Doumer dùng chiếc bay bằng bạc gắn tấm biển bằng đá hoa cương lên đầu cầu. Trở ngại đầu tiên trong xây dựng cầu là thay đổi mực nước sông Hồng, tăng thêm 8m vào mùa mưa lũ với tốc độ dòng chảy là 4m/giây… nên công trình được thực hiện từ tháng 11 đến tháng 6 năm sau và dừng thi công trong những tháng lũ lụt. Hơn nữa, thuyền bè di chuyển trên sông cũng không bị cản trở.

Đặc biệt các trụ cầu khi đang xây dựng phải được bảo vệ, tránh nguy cơ các bè tre, gỗ gây ra. Việc đào móng xây trụ cầu là công đoạn khó khăn nhất được tiến hành ở độ sâu 30m, do kỹ sư Jacques Triger sáng chế ra. Phương pháp này cần dùng các máy nén khí. Đầu tiên, một giếng chìm hơi ép được nhấn chìm xuống đất và sau đó được điều áp để ngăn nước tràn lên. Tiếp đó, chiếc giếng biến thành một van điều áp có nắp…

Đội quân thợ đá, thợ mộc, thợ xây, thợ sắt... hơn 2.000 người, có lúc lên tới 3.000 người làm việc dưới sự hướng dẫn của khoảng 40 quản đốc, kỹ sư, đốc công người Pháp. Dù thi công thời đó nhiều thao tác thủ công, nặng nhọc, mạo hiểm và mới mẻ đối với họ, song kết cục suôn sẻ.

Thí dụ, đinh ri-vê được “nướng” chín bằng lò bễ tại chỗ, dùng kìm cặp tung cho thợ tán đón bằng phễu sắt như trò xiếc tung hứng, đút ngay vào lỗ giáp nối, hối hả búa tán. Việc tung đinh tán nung đỏ là thủ thuật từng được người Pháp áp dụng trước đó, trong đó có xây dựng tháp Eiffel.

Tới 28-2-1902, đoàn tàu hỏa rời ga mới của Hà Nội đưa vua Thành Thái, Paul Doumer, thông cầu. Cây cầu được xây dựng với tốc độ ấn tượng, trong 3 năm 7 tháng, trong khi định hạn là 5 năm, không đội vốn. Cây cầu này là công trình xây dựng lớn nhất Đông Dương lúc bấy giờ. Và, nó đã từng là cây cầu dài thứ 2 trên thế giới (chỉ sau cầu Brooklyn bắc qua sông East-River của Mỹ), thậm chí được gọi là tháp Eiffel nằm ngang của Hà Nội.

Từ khi chào đời, cây cầu không chỉ tạo ra đột phá đời sống kinh tế - xã hội khu vực sông Hồng mà vượt lên là biểu tượng của kiệt tác kiến trúc và kết cấu thép đồ sộ nhất Đông Nam Á. Trên dòng sông miệt mài chở nặng phù sa theo nước trên nguồn về xuôi, bỗng hiện ra cây cầu như một con rồng xanh, vươn mình, bay lên, hay tựa hồ một cầu vồng tuyệt đẹp kiêu hãnh giữa khoảng không bao la. Chữ “Long Biên” được đặt tên cho cây cầu có lẽ được nảy ra từ huyền thoại Thăng Long tức rồng bay.

Cũng từ đó cây cầu nhịp bước theo dòng lịch sử hiện đại của đất nước. Ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập 2-9-1945, hàng ngàn người dân từ tả ngạn sông Hồng rầm rập tiến bước trên cầu Long Biên hòa cùng dòng người muôn nẻo hồ hởi đến Quảng trường Ba Đình lịch sử, hô vang lời thề độc lập.

Rồi cây cầu cùng ta đi qua cuộc trường kỳ kháng chiến 9 năm, tới 10-10-1954, rực rỡ cờ hoa đón chào đoàn quân chiến thắng tiến về giải phóng Thủ đô. Trong những năm chiến tranh phá hoại, cây cầu là một trong những trọng điểm oằn mình hứng bom đạn, vẫn đứng vững. Vắt qua 3 thế kỷ, cầu Long Biên không chỉ là công trình kiến trúc còn là chứng nhân lịch sử, bảo tàng vô giá.

---------------

(*) Sông Hồng còn có tên là Sông Cái (sông mẹ), khi có Cây cầu thì dân dã gọi luôn cầu là Cầu Sông Cái.

Các tin khác