Cầu nối cung cấp nguyên phụ liệu

Tình trạng phụ thuộc nguồn nguyên phụ liệu nước ngoài đã khiến các ngành xuất khẩu, đặc biệt đối với ngành dệt may, da giày, vẫn chưa đạt được giá trị và lợi ích kinh tế như mong muốn. Hơn nữa, do không chủ động được nguyên liệu nên trong quá trình sản xuất, các DN có nguy cơ thiếu nguyên phụ liệu giữa chừng.

Tình trạng phụ thuộc nguồn nguyên phụ liệu nước ngoài đã khiến các ngành xuất khẩu, đặc biệt đối với ngành dệt may, da giày, vẫn chưa đạt được giá trị và lợi ích kinh tế như mong muốn. Hơn nữa, do không chủ động được nguyên liệu nên trong quá trình sản xuất, các DN có nguy cơ thiếu nguyên phụ liệu giữa chừng.

Chết yểu vì thiếu đối tác

Hiện nay ngành dệt may, da giày đang phụ thuộc nguồn nguyên phụ liệu của 3 thị trường Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc, trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm cao nhất. Nhìn thấy vấn đề này, năm 2007 Công ty TNHH Liên Anh quyết định đầu tư xây dựng trung tâm nguyên phụ liệu tại tỉnh Bình Dương nhằm tạo một thị trường tập trung, cung cấp nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, da giày, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu.

Sau 2 năm xây dựng, năm 2009 Trung tâm nguyên phụ liệu Liên Anh đi vào hoạt động với vốn đầu tư 12 triệu USD, cơ sở hạ tầng hiện đại, có đầy đủ các hạng mục như khu chợ nguyên phụ liệu, kho ngoại quan, kho nội địa, nhà xưởng, ký túc xá, phòng hội nghị… và nhận được sự tham gia của hơn 50 nhà cung cấp. Trung tâm ra đời được kỳ vọng sẽ nâng cao sức cạnh tranh cho các ngành hàng, giảm tỷ lệ hàng gia công, tăng lượng hàng FOB, tạo giá trị gia tăng cho ngành dệt may, da giày.

Tuy nhiên, chỉ sau thời gian ngắn hoạt động, trung tâm đã gặp khó khăn do không có khách hàng. Trước tình hình đó, công ty đã gửi kiến nghị lên Bộ Công Thương và một số đơn vị khác để tháo gỡ, tìm lối ra cho trung tâm nguyên phụ liệu.

Dù Bộ Công Thương đã đưa ra một số hướng đi nhưng không thực hiện được nên trung tâm đã ngưng hoạt động từ tháng 6-2009. Đến tháng 9-2009, công ty quyết định chuyển đổi mô hình hoạt động của trung tâm nguyên phụ liệu sang hình thức siêu thị, nhận bán các loại phụ liệu, nguyên liệu do các nhà sản xuất ký gửi, thay vì chờ các DN đến thuê gian hàng tự doanh theo mô hình chợ trước đây.

Dù thất bại, song công ty vẫn ấp ủ ý tưởng sẽ phục hồi trung tâm. Sau gần 3 năm nỗ lực, công ty đã trả được nợ vay xây dựng trung tâm, đồng thời mở rộng tìm kiếm đối tác liên kết. Đến tháng 7-2012, trung tâm nguyên phụ liệu Liên Anh đã hoạt động trở lại.

Đẩy mạnh liên kết

Hiện nay, nguồn nguyên phụ liệu trong nước chủ yếu nằm trong tay các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), các DN trong nước chỉ chủ động được khoảng 10%. Nhiều DN trong nước muốn liên kết để chia sẻ nguồn nguyên phụ liệu này nhưng các DN FDI luôn từ chối. Nguyên nhân do sản phẩm của họ chủ yếu xuất khẩu qua nước khác, công ty thành lập ở Việt Nam vì có được các lợi thế về thuế thu nhập DN, nhân công giá rẻ.

Nguồn nguyên phụ liệu không ổn định làm giảm sức cạnh tranh ngành dệt may trong nước. Ảnh: GIA HÙNG

Nguồn nguyên phụ liệu không ổn định làm giảm sức cạnh tranh
ngành dệt may trong nước. Ảnh:  GIA HÙNG

Còn nếu tham gia thị trường Việt Nam, bán hàng cho DN nội địa sẽ phải chịu thuế giá trị gia tăng. Hơn nữa, khi xuất khẩu, họ giao dịch với các DN nước ngoài nên chúng ta không xác định được mức giá thật của sản phẩm. Còn khi bán cho DN Việt Nam, các nhà cung cấp này buộc phải đưa ra giá thật nên có thể phải chịu thuế cao hơn. Trên thực tế, thời gian qua nhiều DN FDI đã dễ dàng né được nhiều loại thuế, đồng thời khiến Việt Nam không thể gia nhập vào thị trường nguyên phụ liệu chung.

Trong bối cảnh này, Liên Anh đã quyết định liên kết với các DN ở nước ngoài để có được sự hỗ trợ mạnh mẽ và vững chắc hơn. Qua nhiều lần liên hệ với nhiều đối tác khác nhau, công ty đã tìm được và liên kết với Hiệp hội Các nhà sản xuất nguyên phụ liệu vùng Toscana, Florence của Italia. Đến nay đã có khoảng 20 DN đến từ Italia tham gia trung tâm nguyên phụ liệu của Liên Anh.

Ngoài việc cung cấp nguồn nguyên phụ liệu, các DN này còn cam kết sẽ phát triển một số dịch vụ như đào tạo, tư vấn kỹ thuật, giúp DN trong nước trong việc nâng cao chất lượng, mẫu mã. Ở Italia, các DN trong ngành dệt may, da giày liên kết tạo thành một chuỗi giá trị chung rất tốt.

Do vậy, các DN Italia cũng mong muốn Trung tâm Nguyên phụ liệu Liên Anh sẽ trở thành một mắt xích nối ngành dệt may, da giày ở Việt Nam với nhau. Nhu cầu về nguồn hàng cũng được đáp ứng nhanh, khi có đơn hàng, Hiệp hội sẽ gửi sang Italia và trong vòng 7 ngày các DN sẽ gửi hàng sang Việt Nam.

Với việc liên kết trên, trung tâm đã góp phần đảm bảo nguồn nguồn nguyên phụ liệu có chất lượng, đem lại nhiều lợi ích hơn cho DN. Để trung tâm hoạt động ổn định và lâu dài, chúng tôi rất cần sự ủng hộ, hỗ trợ của các cơ quan chức năng, DN, qua đó, góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường nguyên phụ liệu tại Việt Nam.

Các tin khác