Cây lục bình “bức tử” sông rạch ở ĐBSCL

(ĐTTCO) - Hiện nay, lục bình ngày càng sinh sôi tràn lan, che lấp nhiều tuyến kênh, rạch ở các tỉnh ĐBSCL, gây trở ngại cho việc đi lại trên sông; khó khăn cho tưới tiêu nông nghiệp. Nhiều năm qua, các địa phương nỗ lực giải quyết lục bình phát sinh, nhưng hiệu quả chưa cao. 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ông Hồ Văn Bún, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Vĩnh Hưng (tỉnh Long An), cho biết, trước đây cứ đến mùa lũ là lục bình ở vùng Đồng Tháp Mười bị nước cuốn trôi đi hết. Tuy nhiên, mấy năm nay lũ ngày càng cạn kiệt nên lục bình có điều kiện sinh sôi dày đặc. Ngoài ra, có những năm mặn xâm nhập sâu vào đất liền khiến lục bình ít phát triển, còn mùa khô năm nay mặn ít xâm nhập, lục bình sinh sôi nhiều…

Lục bình phát triển mạnh ở một số kênh, rạch vùng Đồng Tháp Mười làm ngăn cản dòng chảy, gây khó khăn cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa và ảnh hưởng đến nguồn nước tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trên sông Vàm Cỏ Tây, tuyến giao thông thủy huyết mạch vùng Đồng Tháp Mười (thuộc tỉnh Long An), lục bình mọc dày đặc hai bên bờ, chỉ còn trống khoảng giữa sông. Nhiều tuyến sông nhỏ, kênh nội đồng… bị lục bình phủ kín, ghe xuồng chuyên chở nông sản không thể qua lại.

Không chỉ ở Long An, nhiều tuyến kênh, rạch trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp… cũng xuất hiện những đám lục bình gây cản trở giao thông và có nguy cơ xâm lấn vào kênh mương nội đồng. Theo ngành chức năng tỉnh Tiền Giang, những đám lục bình xuất phát từ vùng Đồng Tháp Mười (Long An) xuôi theo dòng Vàm Cỏ Tây đổ vào hệ thống sông rạch của tỉnh này ngày càng nhiều hơn. 

Ông Hồ Văn Bún cho rằng, trước đây ngân sách tỉnh có phân bổ cho các huyện để thực hiện công tác trục vớt, xử lý lục bình. Từ sau năm 2018 trở lại đây, các địa phương tự cân đối nguồn kinh phí dự phòng và kinh phí sự nghiệp môi trường được cấp hàng năm để huy động các phương tiện, lực lượng… vớt lục bình trên kênh, rạch.

Song, do nguồn kinh phí hạn hẹp, trong khi kênh, rạch quá nhiều, lục bình lại dày đặc, nên huyện chỉ có thể xử lý trên các tuyến sông chính cho tàu thuyền qua lại, còn các sông nhỏ, kênh nội đồng thì do cấp xã xử lý. Ngoài ra, nhân công lao động ở nông thôn ngày càng khan hiếm nên nhiều nơi phải phun thuốc để diệt lục bình thay vì trục vớt thủ công, từ đó làm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường. Còn ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch 

Hội Nông dân xã Tuyên Bình Tây (huyện Vĩnh Hưng, Long An) than, địa bàn xã có nhiều sông rạch, kênh nội đồng bị phủ kín lục bình và xã chỉ có khả năng khơi thông các tuyến chính phục vụ giao thông thủy, chuyên chở nông sản.

Thời gian qua, ngành chức năng 2 tỉnh Tiền Giang và Long An đã chi hàng tỷ đồng cho các chiến dịch diệt lục bình sinh sôi trên kênh rạch, tuy nhiên hiệu quả vẫn chưa cao.

Ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An, cho biết, trước đây vấn nạn lục bình từng được đưa ra bàn bạc cách giải quyết ở một kỳ họp HĐND tỉnh và tỉnh đã thử nghiệm mua sắm máy trục vớt, xử lý lục bình hàng tỷ đồng, nhưng hiệu quả không cao.

Những năm gần đây việc xử lý lục bình được giao về các địa phương theo hướng sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường hàng năm của huyện, đồng thời vận động người dân, tổ chức, đoàn thể tham gia trục vớt lục bình trên địa bàn. Khuyến cáo các địa phương dùng biện pháp thủ công để diệt lục bình, không sử dụng thuốc hóa học, tránh gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước.

Các tin khác