Mặc dù đã xuất hiện một số điểm sáng, nhưng năng lực tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong những tháng đầu năm 2013 chưa cho thấy nhiều cải thiện so với những tháng cuối năm 2012. Nền kinh tế vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, tổng cung và tổng cầu vẫn còn yếu.
![]() |
Tại phiên họp thường kỳ tháng 2 vừa qua của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP và 02/NQ-CP, cụ thể hóa các giải pháp này bằng cơ chế, chính sách.
Nhìn chung, 2 tháng đầu năm sản xuất công nghiệp có dấu hiệu cải thiện, xuất khẩu tăng khá, dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng khá… Tuy nhiên, tổng cầu của nền kinh tế vẫn còn yếu. Tham khảo Báo cáo chỉ số quản trị mua hàng - PMI do HSBC vừa công bố, sản xuất có xu hướng cải thiện từ tháng 7-2012 nhưng chưa vững chắc.
Theo thông tin từ các doanh nghiệp được khảo sát, các điều kiện thị trường nhìn chung vẫn yếu, giảm số lượng đơn đặt hàng cả trong nước và xuất khẩu. Đặc biệt, lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã giảm tháng thứ chín liên tiếp và tốc độ giảm ngày càng lớn.
Tổng cầu của nền kinh tế còn khá yếu, 2 tháng đầu năm tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ chỉ tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, chỉ số hàng tồn kho tại thời điểm 1-2-2013 vẫn tăng 19,9% so với cùng kỳ năm trước.
Dư nợ tín dụng tính đến 19-2 giảm 0,16%, trong khi tốc độ giải ngân vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước còn khá chậm. Tính chung 2 tháng đầu năm, vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước ước đạt 20.000 tỷ đồng, tương đương 10,5% kế hoạch năm, giảm 8,1% so với cùng kỳ năm 2012.
Lạm phát trong 2 tháng đầu năm khá cao (tăng 2,6%) so với mục tiêu lạm phát của cả năm 2013 (6-6,5%). Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, tác động của lạm phát cầu kéo đến lạm phát năm 2013 là không quá lớn do tổng cầu còn khá yếu; yếu tố tiền tệ đang tạo nên những áp lực nhất định đến lạm phát nhưng chưa quá lo ngại; lạm phát chi phí đẩy chủ yếu phụ thuộc vào sự phối hợp trong điều hành chính sách và đây có lẽ là nhân tố cần được đặc biệt quan tâm đối với công tác quản lý giá trong thời gian tới.
Tuy nhiên, việc điều chỉnh chính sách tiền tệ trong giai đoạn cuối năm 2012 sẽ có tác động nhất định đến lạm phát trong thời gian tới. Cung tiền M2 đã tăng trên 22% trong năm 2012 (so với mức tăng 12,5% của năm 2011), sẽ có ảnh hưởng nhất định đến lạm phát trong năm 2013 với độ trễ khoảng 6 tháng.
Tính toán chỉ tiêu lạm phát lõi của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho thấy khá rõ nét về điều này, lạm phát cơ bản sau khi được duy trì ổn định quanh mức 8% trong khoảng từ tháng 5 đến tháng 8-2012 đã bắt đầu xu hướng tăng dần lên mức 10% trong khoảng từ tháng 9 đến tháng 11-2012 và duy trì ở mức 12% kể từ tháng 12 cho đến nay.
Do đó, việc thực hiện các kế hoạch giải cứu bất động sản theo Nghị quyết 01 và 02 và quá trình xử lý nợ xấu cũng cần tính đến lượng tiền ra lưu thông để không ảnh hưởng đến mục tiêu lạm phát cả năm 2013.
Đã gần hết quý I-2013, nhưng trên thực tế đến nay những chính sách tháo gỡ các điểm nghẽn của nền kinh tế như nợ xấu, hàng tồn kho hầu như vẫn chưa chuyển biến rõ, thiếu cụ thể hóa.
Theo phân công của Chính phủ tại Nghị quyết 02, nhiều cơ chế, chính sách cụ thể như thành lập công ty quản lý tài sản quốc gia, quy chế cho vay để thuê, thuê mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 với lãi suất thấp nhằm kích hoạt thị trường bất động sản… phải được ban hành trong quý I.
Tuy nhiên, đến nay các văn bản hướng dẫn này vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến nên thời điểm ban hành vẫn chưa xác định. Tại phiên họp Chính phủ vừa qua, Thủ tướng nêu rõ nghị quyết muốn đi vào cuộc sống phải được cụ thể hóa.
Chủ trương giải quyết nợ xấu, đẩy mạnh xây dựng nhà ở xã hội cũng như tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản... đều được đồng tình, nhưng cần sớm có hướng dẫn bằng cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể để thực hiện hiệu quả, xoay chuyển cục diện tình thế còn nhiều khó khăn.