Dư luận xã hội đang rất bức xúc với việc Bộ LĐTB-XH chậm hoàn thiện dự thảo nghị định điều chỉnh tiền lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng (theo Nghị định số 42 của Chính phủ) cũng như chậm ban hành hướng dẫn việc tăng lương này.
Cụ thể, Nghị định số 42 đến ngày 29-6-2023 mới được ban hành, mặc dù Nghị quyết 69 của Quốc hội đồng ý điều chỉnh lương hưu đã được thông qua từ tháng 11-2022. Việc xây dựng và hoàn thiện dự thảo nghị định này được giao cho Bộ LĐTB-XH nhưng đến sát thời điểm điều chỉnh lương hưu mới được ban hành. Đồng thời, thông tư hướng dẫn dù được ký ngày 29-6, nhưng đến ngày 13-7 vừa qua mới công bố.
Điều khiến dư luận, mà trực tiếp là người lao động hưởng lương bức xúc là mặc dù mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội bắt đầu áp dụng từ ngày 1-7, nhưng không có hiệu lực ngay, mà phải chờ đến tận ngày 14-8 (tức một tháng rưỡi sau) mới có hiệu lực. Căn cứ vào hướng dẫn này, cơ quan bảo hiểm xã hội đã ra thông báo trong tháng 7 và 8 vẫn trả lương hưu như mức cũ, đến tháng 9 mới trả phần chênh lệch (tăng thêm) của tháng 7 và 8.
Có nghĩa là, từ tháng 9 tới (tức sau 2 tháng) người hưởng lương hưu mới được nhận phần lương tăng. Sự khó hiểu này dẫn đến 3,4 triệu người lao động về hưu, hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội bị ảnh hưởng.
Trong khi, đời sống của người hưởng lương đang rất khó khăn khi vật giá tăng, nhiều người từng ngày mong mỏi tăng lương. Cơ quan bảo hiểm xã hội địa phương cho biết liên tục nhận điện thoại của người hưu trí thắc mắc vì sao chưa được tăng lương. Nhiều người cho rằng, việc chậm trả phần tăng thêm cũng là một hình thức chiếm dụng tiền lương của người hưởng.
Để tương thích với việc tăng lương cơ sở (áp dụng ngay từ ngày 1-7) của đối tượng là cán bộ công chức, người lao động đang làm việc, lẽ ra việc ban hành Nghị định 42 phải được chuẩn bị sớm hơn, để thực hiện đồng bộ ngay và luôn từ ngày 1-7. Câu hỏi đặt ra là vì sao Bộ LĐTB-XH không ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn tăng lương sớm hơn?