Chậm hoàn thuế phải trả lãi

DN nợ thuế luôn bị cơ quan quản lý tiến hành xử phạt, phong tỏa tài khoản, bêu tên... Trong khi Nhà nước nợ tiền hoàn thuế, nợ tiền xây dựng cơ bản... thì DN “ngậm bồ hòn làm ngọt”. ĐTTC đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Văn Lộc (ảnh), Đoàn Luật sư TPHCM, xung quanh nghịch lý này.

DN nợ thuế luôn bị cơ quan quản lý tiến hành xử phạt, phong tỏa tài khoản, bêu tên... Trong khi Nhà nước nợ tiền hoàn thuế, nợ tiền xây dựng cơ bản... thì DN “ngậm bồ hòn làm ngọt”. ĐTTC đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Văn Lộc (ảnh), Đoàn Luật sư TPHCM, xung quanh nghịch lý này.

PHÓNG VIÊN: - Cơ quan thuế Hà Nội và TPHCM vừa công bố một loạt DN nợ thuế lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Thực ra đây là vấn đề không mới, nhưng nó đủ để làm cuộc tranh luận về nợ thuế - thuế nợ bùng nổ vốn dĩ âm ỉ lâu nay. Dưới góc độ luật sư ông bình luận gì về vấn đề này?

Chậm hoàn thuế phải trả lãi ảnh 1

Luật sư NGUYỄN VĂN LỘC: - Theo quy định hiện hành, DN bị chậm hoàn thuế có quyền khiếu nại cơ quan thuế, nếu chứng minh cơ quan thuế có dấu hiệu sai phạm sẽ nhận bồi thường thiệt hại.

Thực tế cho thấy tình trạng nợ đọng tiền hoàn thuế qua từng năm vẫn là một vấn đề nhức nhối, thế nên DN thường chỉ cần nhận được đủ số tiền hoàn thuế chứ họ không dám mong đợi sẽ được Nhà nước bồi thường.

Vì biết rằng việc kiện tụng chỉ gây tốn kém về thời gian và công sức, có khi còn gây ra những hệ quả về mặt kinh doanh với các cơ quan thuế sau này. Không phải DN không biết cơ quan thuế sai trong nhiều trường hợp, nhưng công việc của họ là kinh doanh, cái gì cho qua được họ sẽ im lặng dù việc im lặng đó thiệt thòi về mình. Tôi cũng không thấy DN thành công trong việc khiếu nại, khiếu kiện cơ quan thuế.

Tính công bằng nên được Nhà nước và DN coi trọng, có như vậy mới đảm bảo thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, làm lợi cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, đã gọi là tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, chúng ta cần có chế tài đối với các trường hợp Nhà nước nợ tiền hoàn thuế cho DN, quy định rõ trách nhiệm của từng cá nhân cán bộ thuế, cơ quan thuế gây khó cho DN, chứ không nên để DN phải đơn phương gánh chịu thiệt hại.

Nhà nước yêu cầu DN phải nộp thuế đúng quy định, ngược lại DN cũng có quyền yêu cầu được Nhà nước hoàn thuế đúng hạn. Chỉ khi đó DN mới có lòng tin vào sự công bằng, tính nghiêm minh của pháp luật, từ đó có ý thức chấp hành pháp luật nghiêm chỉnh hơn. Ở các nước phát triển, nghĩa vụ thuế giữa Nhà nước và DN mang tính minh bạch cao, kết hợp với tính công bằng tạo điều kiện cho DN môi trường tự do kinh doanh hơn. Khi đó, việc cơ quan thuế bị tòa án tuyên thua kiện và bồi thường cho DN khi làm trái nguyên tắc và quy định của pháp luật là điều hết sức bình thường.

- Vậy theo ông cần có chế tài gì khi Nhà nước nợ tiền hoàn thuế, nợ tiền xây dựng cơ bản đối với DN?

- Việc Nhà nước nợ tiền hoàn thuế, nợ tiền xây dựng cơ bản của DN đang là một vấn đề nan giải hiện nay. Các DN khi đã phải tự bỏ ra trước một số vốn khá lớn để thi công công trình, nhưng sau đó lại không được Nhà nước hoàn trả do rất nhiều vướng mắc, nhất là về mặt thủ tục. Điều này dẫn đến hậu quả làm cho hoạt động của DN bị trì trệ, không thể tái đầu tư sản xuất, nợ lương công nhân… Do đó, cần có quy định và cơ chế chế tài áp dụng cụ thể trong các trường hợp này để bảo vệ quyền lợi của DN, một phần cũng là cách để họ làm tốt nhất công việc của mình.

Giả định, số tiền Nhà nước chậm hoàn thuế cho DN về bản chất có thể được xem là một “khoản nợ” của Nhà nước với DN. Do đó khoản nợ này cần phải được tính lãi nếu Nhà nước chi trả không đúng thời hạn theo luật định. Bên cạnh đó, trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan thuế phải được làm rõ và xử lý thích đáng nếu có bất cứ hành vi tiêu cực hay có dấu hiệu “làm khó” DN. Các quy định hiện hành cũng cần phải được Nhà nước cũng như DN tôn trọng và thực hiện nghiêm chỉnh. Có như vậy quyền lợi của DN mới được đảm bảo dựa trên cơ chế bình đẳng giữa DN và Nhà nước.

Bên cạnh đó, các biện pháp chế tài và việc tạo cơ chế cho DN sẵn sàng khởi kiện là điều cần quan tâm và hoàn thiện. Tại đó, thẩm phán phải thật sự công bằng và nghiêm minh khi xét xử những vụ việc giữa Nhà nước và tổ chức/cá nhân. Nếu cơ quan Nhà nước làm sai quy định của pháp luật phải chịu trách nhiệm vì sự vi phạm đó, phải thực hiện nghĩa vụ của mình và bồi thường thiệt hại nếu có bất cứ thiệt hại nào cho DN.

- Nói như vậy có nghĩa là tạo hành lang pháp lý cho DN khiếu nại hay khởi kiện?

- Như tôi đã nói, theo luật DN hoàn toàn có thể thực hiện việc khiếu nại và thậm chí là khởi kiện cơ quan Nhà nước có liên quan đến các hành vi chậm trả tiền xây dựng cơ bản, chậm hoàn thuế tại các tòa án hành chính có thẩm quyền, nếu nguyên nhân dẫn đến chậm thanh toán này xuất phát từ những sai phạm của cơ quan nhà nước.

Tuy nhiên, DN ở nước ta rất “ngại” việc kiện tụng, tâm lý của họ rằng đó chẳng khác nào “con kiến kiện củ khoai”. Thế nhưng, một khi quyền lợi của DN bị xâm phạm, không loại trừ khả năng các DN liên kết với nhau có những hành động cụ thể để yêu cầu sự công bằng từ các cơ quan công quyền.

Việc ban hành một hành lang pháp lý để đảm bảo sự bình đẳng giữa Nhà nước và DN là điều nên làm. Thực tế các văn bản pháp luật liên quan đã được ban hành, vấn đề là tính thực thi không cao và cơ chế áp dụng cần thực tế hơn nữa. Có chăng là việc Nhà nước thành lập các đơn vị trung lập chuyên hỗ trợ các DN khi có vấn đề về thuế với cơ quan thuế. Vì xét rằng, nếu Nhà nước muốn thu hút đầu tư, khuyến khích sự phát triển của nền kinh tế vấn đề này càng trở nên cấp bách, bởi trong một môi trường chính sách không minh bạch, rõ ràng sẽ tạo tâm lý e ngại cho nhà đầu tư, doanh nhân khi đầu tư và kinh doanh.

Ngoài những lý do chủ quan, việc chậm hoàn thuế, chậm trả tiền của Nhà nước cũng xuất phát một phần từ tình trạng nợ thuế quá cao của các DN không thực hiện đúng nghĩa vụ nộp thuế, dẫn đến tình trạng ngân sách dành cho hoàn thuế bị cạn kiệt.

Nhìn chung, vấn đề này cần được nhanh chóng giải quyết trên cơ sở trung hòa lợi ích giữa Nhà nước và DN, tránh tình trạng văn bản được ban hành chỉ là để “bảo vệ” cho phía Nhà nước, chứ không đứng trên quyền lợi chính đáng của DN và các nhà đầu tư.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác