Chiến thắng của ông Naftali Bennett đã chấm dứt 12 năm cầm quyền liên tục của ông Benjamin Netanyahu – người giữ chức thủ tướng lâu nhất trong lịch sử Israel. Như vậy, sau 4 cuộc bầu cử liên tiếp trong 2 năm, chính phủ mới của ông Naftali Bennett đã phá vỡ thế bế tắc chính trị kéo dài và mở ra một liên minh cầm quyền đa dạng nhất chưa từng thấy tại Israel, trong đó lần đầu tiên có sự tham gia của đảng người Arab.
Chính phủ mới của Israel được thành lập dựa trên liên minh 8 đảng gồm Yesh Atid (hiện đang giữ 17 ghế trong Quốc hội), Xanh và Trắng (8 ghế), Yisrael Beytenu (7 ghế), Lao động (7 ghế), Yamina (6 trong số 7 ghế), Hy vọng mới (6 ghế), Meretz (6 ghế) và Ra'am (4 ghế).
Phát biểu trước quốc hội, ông Bennett, 49 tuổi, khẳng định chính phủ liên minh của ông "đại diện cho toàn thể Israel". Ông cho rằng sau 4 cuộc bầu cử trong chưa đầy hai năm, Israel đã rơi vào "đống lửa của hận thù và giao tranh”, đồng thời nhấn mạnh đã đến lúc hàn gắn những chia rẽ.
“Chúng tôi sẽ làm việc cùng nhau để hàn gắn những rạn nứt ở quốc gia này và ngay lập tức đưa đất nước hoạt động bình thường trở lại sau một thời gian dài tê liệt”, ông Bennt tuyên bố sau cuộc bỏ phiếu.
Sự nghiệp chính trị của ông Bennett
Ông Bennett, sinh ra tại thành phố Haifa của Israel, là con trai của một gia đình Mỹ nhập cư. Ông từng là cựu lính biệt kích thuộc Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), sau đó trở thành doanh nhân công nghệ trước khi dấn thân vào con đường chính trị và theo đuổi tư tưởng cánh hữu, tôn giáo-dân tộc chủ nghĩa.
Ông gia nhập chính trường vào năm 2005 sau khi bán công ty khởi nghiệp công nghệ của mình với giá 145 triệu USD. Bennett có mối quan hệ lâu năm với ông Netanyahu. Từ năm 2006 đến 2008, ông đảm nhận vai trò phụ tá cấp cao cho ông Netanyahu, lúc bấy giờ còn là lãnh đạo phe đối lập, nhưng sau đó từ bỏ vị trí vì bất đồng quan điểm.
Năm 2010, ông Naftali Bennett trở thành Chủ tịch Hội đồng Yesha, tổ chức vận động hành lang cho người định cư Do Thái ở Bờ Tây.
Bennett đã gây bão chính trị vào năm 2012 khi giành quyền lãnh đạo đảng Do thái cực hữu Jewish Home và tham gia Quốc hội với tư cách là đại diện của đảng này năm 2013. Sau đó, ông đảm nhiệm nhiều chức vụ như bộ trưởng quốc phòng hay bộ trưởng phụ trách các vấn đề cộng đồng, bộ trưởng giáo dục trong các chính phủ do ông Netanyahu điều hành.
Ông Bennett đổi tên đảng Jewish Home thành đảng Cánh hữu Yamina vào năm 2018 và đảng này đã thành lập liên minh với đảng Likud của ông Netanyahu, nhưng bị sụp đổ cùng năm đó.
Naftali Bennett phản đối việc thành lập nhà nước Palestine và ủng hộ mạnh mẽ việc xây dựng các khu định cư của người Do Thái ở Bờ Tây và Đông Jerusalem –các vùng lãnh thổ bị Israel chiếm đóng bất hợp pháp. Đây được coi là rào cản lớn đối với tiến trình hòa bình Trung Đông.
Tân Thủ tướng của Israel cũng theo đuổi lập trường cứng rắn với các nhóm vũ trang Palestine tại Dải Gaza, thậm chí ủng hộ việc ban hành án tử hình cho các nhóm này. Trước đó vào tháng 5/2021, khi xung đột giữa Israel và phong trào Hamas nổ ra, ông cáo buộc Hamas đã “sát hại” dân thường ở Dải Gaza.
Nhân vật đối lập với ông Netanyahu
Dù từng là trợ lý cấp cao của ông Netanyahu và có cùng quan điểm với người tiền nhiệm về nhiều vấn đề tại Trung Đông, nhưng quan hệ giữa ông Naftali Bennett và ông Netanyahu đã nảy sinh nhiều mâu thuẫn trong những năm qua.
Ông Naftali Bennett từng chỉ trích dữ dội ông Netanyahu sau khi ông Netanyahu chấp nhận dừng việc xây dựng các khu định cư của người Do Thái dưới sức ép của cựu Tổng thống Barack Obama – người từng nỗ lực khôi phục tiến trình hòa bình Trung Đông.
Trước đó vào tháng 5/2021, ông Netanyahu đã không mời ông Bennett tham gia chính phủ đoàn kết do ông lãnh đạo - một dấu hiệu cho thấy sự lạnh nhạt trong quan hệ giữa hai bên.
Ông Bennett đã vận động tranh cử với tư cách là người ủng hộ cánh hữu trước cuộc bầu cử tháng 3/2021 và cam kết rằng ông sẽ không bao giờ cho phép ông Yair Lapid - Lãnh đạo đảng Yesh Atid đối lập của Israel, đối thủ chính của ông Netanyahu, trở thành thủ tướng.
Nhưng khi ông Netanyahu thất bại trong việc thành lập một liên minh cầm quyền, ông Bennett đã chấp nhận thành lập chính phủ có sự tham gia của đảng Yesh Atid và nhất trí về thỏa thuận chia sẻ quyền lực, đồng ý giữ chức thủ tướng trong 2 năm trước khi chuyển giao vai trò này cho ông Yair Lapid – vốn được coi là kiến trúc sư của liên minh cầm quyền mới.
Những người ủng hộ ông Netanyahu đã phản đối quyết định này của ông Bennett, cáo buộc ông là “người phản bội” và “người lừa dối” các cử tri. Nhưng tân Thủ tướng Bennett khẳng định, ông đang thực hiện sứ mệnh khôi phục quyền lực của Israel và tránh một cuộc bầu cử thứ 5 trong vòng chưa đầy 2 năm.
“Mục đích cốt lõi của các cuộc bầu cử này là đưa Israel ra khỏi sự hỗn loạn. Tôi đã chọn những gì tốt nhất cho Israel”, ông Bennett nói.
Lãnh đạo thế hệ 3.0 của Israel
Giới phân tích cho rằng, bằng cách phá vỡ những cam kết khi tranh cử và tham gia vào một liên minh hạ bệ ông Netanyahu, ông Bennett có thể tranh thủ được sự ủng hộ về lâu về dài. Toby Greene – nhà khoa học chính trị tại Israel cho biết: “Trở thành thủ tướng là một cơ hội lớn để ông Bennett thể hiện năng lực lãnh đạo của mình”.
Là người hướng đến tự do hóa nền kinh tế, Bennett luôn ủng hộ việc cắt giảm các khoản thuế và các quy định cứng nhắc trong điều hành.
Ngoài ra, ông còn rất cởi mở trong những vấn đề như quyền lợi của người đồng tính, mối quan hệ giữa tôn giáo và nhà nước tại một quốc gia mà các giáo sĩ Do Thái chính thống thường có ảnh hưởng mạnh mẽ.
Anshel Pfeffer, cây bút của tờ Haaretz cho biết, ông Bennett đại diện cho thế hệ lãnh đạo thứ ba của Israel, sau thế hệ của những người sáng lập nhà nước Israel và thế hệ của Thủ tướng Netanyahu. “Ông ấy là nhà lãnh đạo 3.0 của Israel”, Anshel Pfeffer viết trong một bài bình luận.
Yohanan Plesner, người đứng đầu Viện Dân chủ Israel cho biết: “Ông ấy là một nhà lãnh đạo cánh hữu, một người rất cứng rắn về an ninh, nhưng đồng thời cũng rất thực tế”. Yohanan Plesner hy vọng, Thủ tướng Bennett sẽ kết nối thành công với các đảng phái khác để đạt được sự đồng thuận chung khi ông tìm kiếm sự ủng hộ với tư cách là người đứng đầu 1 quốc gia.