Chấn hưng kinh tế, vực dậy niềm tin

Cái tết đang đến gần nhưng mối lo toan năm cũ vẫn còn vương vấn: Bác nông dân trông mong tiêu thụ hết hàng, được giá vào những ngày giáp tết để gặt hái công sức cả năm trên mảnh vườn, ao cá, luống hoa khi sức mua vẫn chưa có dấu hiệu tăng mạnh; bà nội trợ tần ngần, tính toán chắt chiu mua sắm để có một cái “tết đủ đầy” cho gia đình khi hầu bao năm qua vợi hẳn; anh giám đốc không còn hào sảng như trước vào dịp cuối năm, phải ứng biến trong bài toán lương thưởng tết đè nặng...

Cái tết đang đến gần nhưng mối lo toan năm cũ vẫn còn vương vấn: Bác nông dân trông mong tiêu thụ hết hàng, được giá vào những ngày giáp tết để gặt hái công sức cả năm trên mảnh vườn, ao cá, luống hoa khi sức mua vẫn chưa có dấu hiệu tăng mạnh; bà nội trợ tần ngần, tính toán chắt chiu mua sắm để có một cái “tết đủ đầy” cho gia đình khi hầu bao năm qua vợi hẳn; anh giám đốc không còn hào sảng như trước vào dịp cuối năm, phải ứng biến trong bài toán lương thưởng tết đè nặng...

Những điều ấy đã hội tụ, phản ánh rõ nét bức tranh kinh tế-xã hội năm qua: Kinh tế suy thoái, chưa lấy lại được đà tăng trưởng; hoạt động sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm gặp nhiều khó khăn; nguồn lực doanh nghiệp và thu nhập dân cư sụt giảm, niềm tin thị trường giảm thấp...

Chưa bao giờ đổi mới tư duy về thể chế kinh tế được bàn luận nhiều như năm qua. Nhà nước đã xác định 3 nội dung đột phá của chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020 là hoàn thiện thể chế kinh tế để huy động các nguồn lực tạo động lực phát triển giai đoạn mới, tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển bền vững.

Tuy nhiên, trong thực tế việc triển khai rất chậm chạp và kết quả đạt được còn khá khiêm tốn. Môi trường đầu tư kinh doanh và năng lực cạnh tranh của Việt Nam tiếp tục suy giảm, kém hấp dẫn so với các nước trong khu vực. Xét về nội tại, điều này còn gây khó, tạo rủi ro cho doanh nghiệp: Chính sách thiếu tính dự báo và ổn định để người dân, doanh nghiệp có định hướng trong đầu tư, tính toán được hiệu quả.

“Rủi ro chính sách” còn đến từ việc quản lý nhà nước về kinh tế kém; sự can thiệp hoặc mệnh lệnh hành chính ở nhiều cấp chính quyền, nhiều ngành khác nhau làm đảo lộn kế hoạch kinh doanh, doanh nghiệp trở tay không kịp, thua lỗ nặng.

Ngày xuân cũng cần nhìn lại quá trình thăng trầm của nền kinh tế nước ta: Năm 1986 - cột mốc Đổi mới, lúc ấy chỉ số lạm phát lên đến 192%/năm, người dân không đủ ăn. Sau đó, bằng việc xóa chế độ quan liêu bao cấp, chỉ trong 3 năm, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu lương thực.

Năm 1990, toàn bộ khối xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, khủng hoảng kinh tế tiếp tục diễn ra, khi đất nước bị cô lập, bất ổn trong nước lan rộng nhưng ta vẫn trụ vững. Sau đó Luật Công ty, Luật Doanh nghiệp tư nhân ra đời, lần đầu tiên Nhà nước công nhận thực thể kinh tế tư nhân, đã thổi một luồng sinh khí mới vào nền kinh tế.

Luật Doanh nghiệp tiếp tục ra đời, tạo nên bước đột phá ngoạn mục, đưa nền kinh tế Việt Nam vào quỹ đạo phát triển mới với nguyên tắc người dân, doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm. Có thể nói đổi mới tư duy, đột phá thể chế đã cứu nền kinh tế, đã đưa đất nước vượt qua khủng hoảng, đạt được những kết quả thần kỳ.

5 năm qua đất nước ta lại rơi vào chu kỳ kinh tế khó khăn. 5 năm trước khi gia nhập WTO, mọi người hồ hởi, cho rằng người Việt Nam sánh vai cùng các nước ngẩng cao đầu vươn ra biển lớn, sẽ trở thành con hổ, con rồng mới ở châu Á.

Niềm kỳ vọng ấy cứ vơi dần cùng đà tác động bất lợi nền kinh tế thế giới ngày càng mãnh liệt. GDP 5,02% năm 2012 là mức tăng trưởng thấp nhất trong hàng chục năm qua. Suy thoái kinh tế nước ta không đến như một cơn lốc, như các nước châu Âu chống chọi với khủng hoảng trong những năm qua, mà cứ bào mòn, gặm nhấm dần qua năm tháng bằng con số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động ngày một tăng cao, diễn ra trên bình diện rộng.

Yếu kém nền kinh tế còn do khiếm khuyết nội tại chưa được xử lý hiệu quả: nợ xấu lớn, tồn kho cao, kinh tế vĩ mô chưa ổn định căn cơ, lạm phát vẫn rình rập bộc phát...

Mô hình tăng trưởng kinh tế nước ta dựa trên vốn đầu tư, là rất lạc hậu, một bước lùi khá lớn so với các nước trong khu vực nhưng đến nay vẫn chưa chuyển đổi hiệu quả. Nền kinh tế chưa dựa vào năng suất, chất lượng, hiệu quả lao động, sức cạnh tranh. Hễ cứ cắt “bầu sữa” vốn để chống lạm phát nền kinh tế teo tóp lại - là một thử thách rất lớn trong công cuộc chấn hưng kinh tế giai đoạn tới.

Do vậy, chưa bao giờ tái cơ cấu doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước, có vai trò quan trọng, quyết định như hiện nay. Điều này còn tạo niềm tin thị trường, tạo cơ hội và môi trường kinh doanh bình đẳng các thành phần kinh tế, xóa tan dư luận Nhà nước đặt trọng trách lên vai tập đoàn, tổng công ty nhà nước nhưng các “anh cả đỏ” chỉ biết tiêu tiền, gây nợ, thua lỗ nặng nề.

Thực tế cho thấy nền kinh tế không còn đường lùi, đòi hỏi tiếp tục đổi mới tư duy và đột phá trong hành động mới vượt thoát khủng hoảng giai đoạn hiện nay. Cải cách thể chế kinh tế, môi trường đầu tư và kinh doanh cần được tiến hành đồng bộ và khẩn trương mới mong chấn hưng kinh tế, vực dậy niềm tin thị trường.

Trước tình thế đất nước, cuối năm qua Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã phát biểu, thể hiện rõ tâm trạng của người lãnh đạo, cũng là vấn đề mấu chốt phải thực hiện trong năm 2013: "Chúng ta phải làm mọi điều có thể để trong ngắn hạn ổn định kinh tế vĩ mô, lấy lại sự hưng phấn trong phát triển kinh tế, cũng như niềm tin của nhân dân và doanh nghiệp. Bài học trong 67 năm qua là khi nào có niềm tin của nhân dân thì dù có khó khăn đến đâu, chúng ta cũng nhất định vượt qua và vươn tới". (Bài: Mãi mãi là sao sáng dẫn đường).

Các tin khác