Theo ông Hoan, bây giờ “làng quê vô hồn, người quê chẳng còn chân quê”. Cơn lốc đô thị hóa đã làm thay đổi bộ mặt làng quê, khiến người xa quê lâu ngày khi về có cảm giác lạc lõng như không phải quê mình. Tam nông chính là nơi sinh ra, nuôi dưỡng văn hóa dân tộc, nếu không ý thức được việc này, sẽ có thể phải tiếc nuối và ân hận.
Lâu nay trong giới học thuật có nói đến “Làng rỗng”. Đây là khái niệm do nhà thơ Ngô Đức Hành đưa ra, khiến người ta liên tưởng tới sự trống không của không gian làng xã và cả trong tâm hồn con người. Tôi đã đến và biết đến những làng xã như thế ở Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Bình và ở những tỉnh được coi là khá giả như Hải Dương, Vĩnh Phúc, hay những tỉnh trung bình như Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang…
Có lẽ Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia có tỷ lệ người sinh sống ở nước ngoài cao nhất thế giới, hơn 5 triệu người, chiếm khoảng 5,2% dân số quốc gia. Đặc biệt 15 năm trở lại đây, số người ra nước ngoài chính thức theo các hiệp định lao động song phương, hôn nhân có yếu tố nước ngoài và cả đi không chính thức theo dạng đi du lịch rồi trốn ở lại, hoặc vượt biên qua những đường dây buôn người, là đông nhất so với thời kỳ trước đó.
Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB-XH, mỗi năm nước ta đưa 80.000-120.000 người đi lao động ở nước ngoài. Như vậy tính từ năm 2000 đến nay ước khoảng 1,2-1,5 triệu lượt người lao động ra nước ngoài làm việc. Theo Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài (giai đoạn 2010-2017) của Ủy ban Về các vấn đề xã hội, cho thấy giai đoạn này cả nước có 821.862 người lao động làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Hàng năm, lượng tiền người lao động làm việc ở nước ngoài gửi về khoảng 10 tỷ USD. Về kinh tế, đây là nguồn thu nhập đáng kể cho các gia đình và đóng góp cho Nhà nước, nhưng về mặt xã hội có nhiều vấn đề cần phải suy nghĩ.
Ở miền Bắc vào những năm 80 của thế kỷ trước, các làng xã rất nghèo nhưng không buồn tẻ như bây giờ. Hiện nay, đi đầu làng đến cuối làng không gặp thanh niên nào, loáng thoáng có mấy ông bà già, dăm đứa trẻ con, làng đìu hiu, vắng vẻ, buồn đến nao lòng. Nhưng lạ là những “làng rỗng” này rất giàu, có rất nhiều nhà to, cổng lớn, thậm chí nhiều nhà có cả xe hơi.
Thanh niên trong làng đi xuất khẩu lao động gửi tiền về xây nhà, mua xe máy, xe hơi và sắm sửa tiện nghi trong nhà không thiếu thứ gì từ tivi đến bộ salon gỗ khủng cả trăm triệu. Có những làng vắng đàn ông vì họ đi làm công nhân xây dựng, đánh cá ở Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Đông. Có những làng phần lớn phụ nữ sang Đài Loan thu hoạch nông sản, sang Nhật Bản chăm sóc người già, giúp việc nhà.
Không ít người sang nước ngoài để làm những công việc lặt vặt như hàng rong, làm móng chân móng tay… Đi qua những khu đèn đỏ, đèn mờ ở Bangkok, Phnompenh, Singapore, Kuala Lumpur, Manila và nhiều thành phố khác trên thế giới, nghe chị em gọi nhau í ới bằng tiếng Việt mà thấy đắng nghẹn.
Đã hàng trăm lần tôi đặt ra câu hỏi là tại sao người Việt mình lại đi làm thuê khắp thế giới nhiều thế? Vì nghèo ư, cũng có thể, nhưng có nhiều quốc gia nghèo nhưng không mấy ai ra khỏi biên giới đi làm thuê xứ người (nếu như không muốn nói là không có ai), như người Lào là một thí dụ. Nhưng có điều lạ, là rất nhiều gia đình khá giả cũng cho con đi xuất khẩu lao động, có người đi 5 năm trở về có vốn lớn làm nhà cửa xong lại tìm đường đi tiếp.
Có gia đình anh, chị đi rồi tìm đường cho em, cháu qua. Lẽ ra khi đã kiếm được tiền rồi, thay vì ở nhà lấy vốn đó làm ăn, nhưng họ lại tìm mọi cách đi làm thuê xứ người. Những người không đi xuất khẩu lao động thì bỏ quê đến những thành phố lớn như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai… làm công nhân, làm thuê.
Hậu quả, làng rỗng tuếch, không có thanh niên là một lẽ, nhưng chuyện đằng sau mỗi gia đình mới đắng hơn. Nhiều gia đình nhà có điều kiện nhưng con cái vắng cha mẹ dễ sinh hư, bỏ học, chơi bời lêu lổng, không ít đứa vướng vào ma túy, tù tội... Vợ, chồng xa nhau vài năm khó tránh chuyện này nọ. Vợ đi làm oshin ở Đài loan chồng ở nhà cặp bồ. Chồng đi làm công nhân xây dựng ở Trung Đông vợ ở nhà cũng đề đóm và cặp bồ. Rốt cuộc ngày đoàn tụ cũng là ngày tan đàn xẻ nghé, kéo nhau ra tòa ly hôn, chia tài sản, con cái vất vưởng.
Có sự thật mà những người làm báo cáo thành tích thường niên kể về số tiền người xuất khẩu lao động gửi về, số người đã đi và sẽ đi, nhưng chưa thấy có báo cáo, nghiên cứu nào nói rõ về hệ quả tiêu cực sau những con số đó. Miền Bắc đang vào mùa đông. Đi vào làng to, đường tráng xi măng láng bóng, nhà cao tầng, biệt thự khắp nơi, nhưng tịnh không một bóng người ngoài đường, thi thoảng mới thấy có tiếng người sau cánh cổng bằng sắt to vật vã. Làng to mà buồn đến nao lòng.
Cái rỗng ở không gian sống đã sợ, nhưng cái “rỗng” trong lòng người, trong văn hóa còn đáng sợ hơn thế nhiều lần. Chưa bao giờ tình cảnh làng quê ở nhiều nơi lại buồn đến thế, thời chiến tranh cánh đàn ông rủ nhau ra mặt trận hết, cả làng vắng nhưng không buồn như bây giờ. Đến những làng như thế mới thấy, không phải vô lý khi câu người ta hay hỏi nhau trong thời gian này, là tiền nhiều để làm gì? Vừa rồi, Đại hội Đoàn Thanh niên Cộng sản toàn quốc lần thứ 12 đặt ra chỉ tiêu đưa 500.000 thanh niên đi xuất khẩu lao động để mang ngoại tệ về cho đất nước. Giá như các thủ lĩnh trẻ này tìm cách mở rộng thị trường lao động trong nước thì hay biết bao nhiêu.