Dù phiên 13-4 thị trường chứng khoán có hồi phục nhưng những tầm "sát thương" do tin đồn để lại vẫn còn, đặc biệt là những người đã đặt lệnh bán để "cắt lỗ".
"Thị trường đang bị lũng đoạn bởi các tin đồn. Doanh nghiệp nào sẽ là nạn nhân tiếp theo? Thật nguy hiểm" - nhà đầu tư A.N. bày tỏ quan điểm trong một diễn đàn có hơn 470.000 thành viên quan tâm đến chứng khoán.
Tin giả, thiệt hại thật
Mới đây, sau khi nghe tin đồn về việc ông Nguyễn Văn Tuấn - tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn GELEX (GEX) - bị bắt vì "tội thao túng chứng khoán", một nhà đầu tư chia sẻ quan điểm trên một diễn đàn chứng khoán rằng: "Những tin kiểu này 90% là thật. Anh em nên cảnh giác. Đừng đùa với lửa".
Theo tìm hiểu, tin đồn trên xuất phát từ một chủ tài khoản Facebook có hơn 300.000 người theo dõi. Tuy nhiên, người này từng bị Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an yêu cầu phải gỡ bỏ hơn 200 bài viết với nội dung chưa được kiểm chứng, sai sự thật về dịch COVID-19 tại Việt Nam.
Tin đồn lan mạnh, tâm lý lo sợ ngày một dâng cao, nhiều nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu thuộc "hệ sinh thái GELEX" lật đật lệnh bán bằng mọi giá, chấp nhận lỗ, vì sợ cổ phiếu bị rơi vào tình cảnh mất thanh khoản như cổ phiếu "họ FLC" sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt giam.
Trước khi xuất hiện tin đồn, GEX từng vươn lên giá 40.800 đồng/cổ phiếu (4-4). Nhưng sau đó bị giảm 5 phiên liền, có phiên bị giảm sàn, rớt một mạch hơn 17% xuống giá 33.850 đồng/cổ phiếu như vào ngày 12-4.
Nhiều cổ phiếu khác thuộc "họ Gelex" cũng bị nhà đầu tư xả hàng mạnh, giảm từ 17 - 21% chỉ trong khoảng một tuần giao dịch, điển hình như VGC (Viglacera), IDC (Tổng công ty IDICO), VIX (Chứng khoán VIX), PXL (CTCP Đầu tư và phát triển KCN dầu khí Long Sơn)...
Cổ phiếu của Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán HSG) cũng là nạn nhân của tin đồn. Tại phiên giao dịch chiều 8-4, trên các diễn đàn về chứng khoán, các nhóm mạng xã hội (Zalo, Viber, Telegram...) đã lan truyền hình ảnh một trang giấy A4 không rõ nguồn gốc, bôi vàng dòng chữ "thanh tra chuyên đề hoạt động phát hành trái phiếu...".
Sau vụ việc Ủy ban Chứng khoán nhà nước hủy 9 lô trái phiếu do các công ty con của Tập đoàn Tân Hoàng Minh phát hành, nội dung về "thanh tra trái phiếu" trong tờ A4 trên đã gây tâm lý hoang mang khiến nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu, làm cho giá cổ phiếu của Tập đoàn Hoa Sen giảm sàn rồi rớt xuống giá 32.800 đồng/cổ phiếu vào ngày 12-4 - mốc thấp nhất vòng một tháng nay.
Diễn biến trên cũng khiến nhiều tài sản của nhiều nhà đầu tư bị sụt giảm mạnh, chuyển từ lãi sang lỗ chỉ sau vài phiên, hàng tỉ đồng bị "bốc hơi" chóng vánh.
"Mới vào hàng chưa được bao lâu, mới mấy phiên mà danh mục đầu tư đã âm hơn 17%, quá kinh khủng, không dám xem bảng điện, tôi sợ quá nên "cắt lỗ". Mới bắt đầu chơi chứng khoán từ trước tết, kinh nghiệm có bao nhiêu đâu, rất hoảng khi thấy cổ phiếu bị bán tháo do tin đồn kiểu này. Loạn cào cào cả lên", anh Minh Hoàng (nhà đầu tư, TP.HCM) chia sẻ.
Lời cảm thán của nhà đầu tư trước sức ép tin đồn, tin giả (ảnh nhỏ) ảnh hưởng đến giá chứng khoán
Đồng loạt thanh minh để "cứu" giá cổ phiếu
Tin đồn lan truyền nhanh chóng khiến giá cổ phiếu sụt giảm mạnh, lãnh đạo Tập đoàn GELEX và cả Tập đoàn Hoa Sen đồng loạt lên tiếng. Ông Vũ Văn Thanh - phó tổng giám đốc Tập đoàn Hoa Sen - phải phân trần: "Hiện tại, tập đoàn không có phát hành bất kỳ trái phiếu doanh nghiệp nào".
Sau khi bị đồn là bị bắt vì "thao túng chứng khoán", ông Nguyễn Văn Tuấn - tổng giám đốc Tập đoàn GELEX - cũng cho biết trong tuần vừa qua, không ít cá nhân đã lợi dụng sự việc một số lãnh đạo doanh nghiệp lớn bị bắt để đăng tải những thông tin thất thiệt, chưa kiểm chứng cho rằng cơ quan chức năng sẽ khởi tố và xử lý những cá nhân, doanh nghiệp khác (chủ yếu trên lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản).
Từ đó, ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư và giá cổ phiếu của một số doanh nghiệp, trong đó có cổ phiếu GEX của GELEX cũng bị ảnh hưởng. "Công ty kịch liệt phản đối những hành vi đưa tin không đúng sự thật, chưa được kiểm chứng gây mất an ninh, an toàn thị trường", ông Tuấn thể hiện quan điểm.
Từ khi cổ phiếu "họ FLC" bị rớt giá mạnh vì vụ ông Trịnh Văn Quyết bị tạm giam, cổ phiếu BCG của Công ty CP Bamboo Capital cũng bị liên lụy một cách khó ngờ, bởi nhiều người nhầm tưởng Bamboo Capital có liên quan đến Hãng hàng không Bamboo Airways do ông Quyết nắm giữ.
"Trong những ngày gần đây, thị trường đang bị tác động bởi những tin đồn tiêu cực và chúng tôi cũng rất lấy làm tiếc rằng quý cổ đông của Bamboo Capital Group đang bị ảnh hưởng bởi các tin đồn này.
Chúng tôi cho rằng đây chỉ là những diễn biến trong ngắn hạn và thị trường sẽ sớm hồi phục với các tín hiệu tích cực của nền kinh tế sau đại dịch.
Ngoài ra, các hoạt động kinh doanh của BCG vẫn đang diễn ra bình thường và bám sát mục tiêu đã đề ra từ đầu năm", lãnh đạo Bamboo Capital gửi đến cổ đông.
Sau khi lãnh đạo lên tiếng, loạt cổ phiếu liên quan cũng đã đảo chiều tăng. Ở phiên gần nhất ngày 13-4, VN-Index lội ngược dòng tăng gần 22 điểm, tiến lên mốc 1.477 điểm.
Tuy nhiên những "vết thương" vẫn chưa thể xóa nhòa, bởi chỉ trong khoảng thời gian tin đồn bùng nổ (từ 4 đến 12-4), vốn hóa sàn HoSE bị "bốc hơi" hơn 270.500 tỉ đồng. Riêng ba phiên (ngày 7, 8 và 12-4), VN-Index đã bị giảm gần 70 điểm.
Dù các doanh nghiệp chẳng liên quan gì đến nhau nhưng gần đây cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng trở thành "con mồi" bị tin đồn xâu xé và đạp rớt giá.
Cụ thể, sau khi ông Trịnh Văn Quyết (chủ tịch Tập đoàn FLC) và ông Đỗ Anh Dũng (chủ tịch HĐTV kiêm tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh) bị bắt tạm giam, vào tối 5-4, trên nhiều diễn đàn mạng lại lan truyền hình ảnh bị cắt từ một bản tin có nội dung thanh tra 12 doanh nghiệp bất động sản, gồm: Tập đoàn Mường Thanh, Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Bitexco, Tập đoàn SunGroup...
Dù bản tin trên thực tế được đăng tháng 1-2017 và việc thanh tra trên là hoạt động bình thường diễn ra hằng năm, nhưng nhiều người lan truyền thông tin mập mờ, không nhắc đến việc đây là bản tin cũ.
Nhà đầu tư cần kiểm chứng tính xác thực tin đồn lan truyền trên mạng xã hội trước khi giao dịch - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Mạng xã hội thành "mạng đồn" Có thể thấy ngoài những tin đồn có nội dung trực diện thì nhiều tin đồn khác lại được chia sẻ một cách bâng quơ "ai hiểu sao thì hiểu", thông qua hình ảnh là những đoạn tin nhắn, tờ giấy A4 ghi thông tin tiêu cực bị chụp lại, hay cụm thông tin trên báo bị cắt xén không rõ thời gian. Các thông tin này bị truyền rầm rộ trên mạng các nền tảng Facebook, Zalo, Viber, TikTok..., không màng đến việc kiểm chứng tính xác thực. Xử lý nghiêm Trong công điện số 311 ngày 11-4-2022 của Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là các hành vi đưa tin thất thiệt không chính xác gây mất an ninh, an toàn thị trường. Trung tướng Tô Ân Xô, chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Công an, cho biết Bộ Công an đang chỉ đạo các lực lượng chức năng thu thập, củng cố tài liệu chứng cứ, kiên quyết xử lý nghiêm theo đúng quy định tất cả những cá nhân có hoạt động đăng tải thông tin thất thiệt, chưa được kiểm chứng, góp phần tạo môi trường kinh doanh ổn định, lành mạnh. Bộ Công an khuyến cáo người dân không nghe theo và tiếp tay lan tỏa những thông tin thất thiệt, chưa được kiểm chứng. Khó đến đâu cũng phải tìm ra Tung tin giả từ lâu đã là một phần trong các chiêu trò lũng đoạn thị trường chứng khoán và bị cấm tiệt tại nhiều nước. Ví dụ tại Mỹ, trang web của Ủy ban Chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ (SEC) đều đặn cập nhật tin tức về các vụ truy tố, xử phạt những cá nhân và tổ chức có hành vi thao túng giá cổ phiếu từ đơn giản đến phức tạp. Trong số các vụ mà SEC đã thể hiện quyền lực của mình, đáng kể nhất là vụ "sờ gáy" tỉ phú Elon Musk vào năm 2018 khi ông này tuyên bố trên Twitter sẽ biến Tesla thành công ty tư nhân với giá 420 USD/cổ phiếu. SEC sau đó kiện tỉ phú Musk ra tòa trước khi hai bên đi đến dàn xếp là ông Musk phải đóng phạt 20 triệu USD. Vị tỉ phú cũng phải để các luật sư của Tesla xem nội dung các bài viết định đăng trên Twitter để bảo đảm chúng không ảnh hưởng giá cổ phiếu công ty. Trước đó, vào năm 2015, SEC cũng nộp đơn kiện James Alan Craig, một giao dịch viên người Scotland, vì nhiều lần đưa ra các tuyên bố sai sự thật trên Twitter khiến giá cổ phiếu của hai công ty niêm yết ở Mỹ trượt dốc. Nhà chức trách Mỹ khi đó buộc phải ra lệnh ngừng giao dịch với cổ phiếu của một trong hai công ty. Craig sau đó tự tin tuyên bố trên Twitter rằng SEC sẽ không bao giờ tìm ra người tung tin thất thiệt vì tài khoản này không sử dụng tên thật. Phải mất hơn 2 năm sau đó, sau quá trình kiên trì theo vết, các nhà điều tra của SEC đã tìm thấy Craig và nộp đơn kiện anh ta. Theo tạp chí Forbes, việc định nghĩa như thế nào là tin giả trong thị trường chứng khoán vẫn còn một số điều chưa rõ ràng. Đặc điểm của thị trường này là luôn tràn ngập các "ý kiến" và sẽ chạy theo một trong những ý kiến này. Trong một thời gian dài, các "ý kiến" không đúng với thực tế đã được diễn giải như các thông tin thiếu độ tin cậy thay vì tin giả. Theo Forbes, sự xuất hiện của mạng xã hội đã khiến việc ngăn chặn và kiểm chứng thông tin trở nên khó khăn hơn rất nhiều so với trước đây và nhà chức trách luôn ở thế bị động. Một trong những ví dụ điển hình là vào năm 2013, hơn 135 tỉ USD đã bị thổi bay khỏi thị trường chứng khoán Mỹ trong vòng 6 phút sau khi tài khoản Twitter của Hãng thông tấn AP đăng tin Tổng thống Mỹ Barack Obama bị thương sau một vụ nổ. AP sau đó tuyên bố tài khoản của họ đã bị tin tặc tấn công. Một nhóm tin tặc tự nhận là lực lượng ủng hộ Chính phủ Syria sau đó lên tiếng nhận trách nhiệm vụ việc. Có thể bị xử lý hình sự khi tung tin giả Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn luật sư TP.HCM) nhận định những tin đồn thất thiệt về chứng khoán trên mạng xã hội gây thiệt hại cho nhiều tổ chức, cá nhân là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ, cá nhân vi phạm có thể bị xử lý hành chính, có thể bị bồi thường về dân sự hoặc thậm chí bị xử lý hình sự. Trong trường hợp chưa đủ dấu hiệu để truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị xử phạt hành chính từ 10 - 100 triệu đồng, quy định tại nghị định 174/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện. Bên cạnh đó, tùy vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi mà người phạm tội trên có thể bị phạt tiền từ 30 - 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm (điều 288 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông). Ngoài ra, người thực hiện hành vi phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm. Song song đó, về khía cạnh dân sự, nếu việc đưa tin đồn thất thiệt, xúc phạm, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích người khác thì người bị thiệt hại có thể khởi kiện yêu cầu bồi thường theo quy định của Bộ luật dân sự 2015. "Nhiều người hiện nay cho rằng muốn viết, nói gì trên mạng xã hội cũng không ai biết hoặc không xử lý được là suy nghĩ sai lầm nghiêm trọng. Tất cả những hành vi vi phạm đều bị xử lý nghiêm. Những đối tượng vi phạm dù có xóa bài đăng vẫn có thể bị xử phạt", luật sư Hùng nói. |