Chủ động phân cấp, ủy quyền cho TP Thủ Đức
Phóng viên: Đồng chí vui lòng cho biết, bộ máy chính quyền TP Thủ Đức có những nét đặc thù nổi trội nào so với chính quyền các các quận của TPHCM?
Chủ tịch UBND TPHCM NGUYỄN THÀNH PHONG: Theo kế hoạch, ngày 7-2-2021, bộ máy TP Thủ Đức chính thức được thành lập.
Để chuẩn bị cho việc này, TPHCM đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 1111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức (gọi tắt là Ban chỉ đạo). TPHCM cũng ban hành kế hoạch thực hiện nghị quyết. Ưu tiên trước mắt sau ngày 1-1-2021 là ổn định tổ chức bộ máy, nhân sự, đảm bảo không ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của cán bộ công chức, viên chức, người lao động, nhân dân và doanh nghiệp.
Về vị thế, TP Thủ Đức được xác định là đô thị loại 1. Đây là đô thị giữ vai trò trung tâm quốc gia hoặc trung tâm vùng lãnh thổ liên tỉnh. Sau khi được Chính phủ phê duyệt, TP Thủ Đức sẽ là thành phố trong thành phố trực thuộc Trung ương đầu tiên trong cả nước là đô thị loại 1.
Hiện nay, Bộ Nội vụ đang trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 131/2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM. Nhiệm vụ, quyền hạn HĐND và UBND TP Thủ Đức thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các văn bản hướng dẫn. Dự kiến, TP Thủ Đức cũng sẽ có Phòng Khoa học và Công nghệ, để đáp ứng yêu cầu phát triển là trung tâm đổi mới, sáng tạo, tương tác cao phía Đông.
Riêng đối với các cơ chế, chính sách cho TP Thủ Đức, trước mắt TPHCM sẽ chủ động đẩy mạnh việc phân cấp, ủy quyền cho UBND TP Thủ Đức, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức để tạo tính đột phá, phát huy cao nhất tính hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động quản lý, điều hành của TP Thủ Đức. Về lâu dài, TPHCM sẽ căn cứ khoản 2, Điều 6 Nghị quyết 1111 để nghiên cứu xây dựng đề án riêng về cơ chế, chính sách đặc thù đưa TP Thủ Đức là “hạt nhân” thúc đẩy, dẫn dắt kinh tế TPHCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Qua đó, tạo ra một động lực mới cho tăng trưởng nhanh và bền vững, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân TPHCM nói chung và TP Thủ Đức nói riêng.
-Với đội ngũ cán bộ, công chức, dự kiến TPHCM sẽ sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức dôi dư như thế nào?
-Ngay khi xây dựng đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức, lãnh đạo TPHCM rất quan tâm đến việc này. TPHCM đã khảo sát thực tế và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức, viên chức để thực hiện việc sắp xếp một cách phù hợp nhất, đảm bảo quyền lợi cho các trường hợp sắp xếp do dôi dư như chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên: “TPHCM sẽ không để cán bộ, người dân nào phải chịu thiệt, bị ảnh hưởng trong giai đoạn hình thành TP Thủ Đức”.
Trên cơ sở đó, Ban Chỉ đạo sẽ xây dựng phương án bố trí, sắp xếp và đảm bảo các chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo quy định. Quá trình thực hiện, TPHCM sẽ tiếp tục điều chỉnh, bổ sung các giải pháp, nhất là cập nhật các tình huống phát sinh từ thực tế để việc sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức dôi dư hợp tình, hợp lý.
Theo Nghị quyết 653/2019/UBTVQH14 quy định sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong vòng 5 năm. Tuy nhiên, TPHCM phấn đấu hoàn thành việc sắp xếp trong năm 2022.
Nâng cao chất lượng cuộc sống
-Điều người dân rất quan tâm là thành lập TP Thủ Đức, thì người dân và doanh nghiệp sẽ được lợi gì?
-Đây là câu hỏi tôi nhận được khá nhiều trong thời gian qua và cũng là vấn đề quan trọng nhất đặt ra khi xây dựng đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức. Đồng thời, đây cũng là điều người dân mong đợi nhất.
Đầu tiên là hạ tầng giao thông sẽ hiện đại hơn. Cuối 2021, TPHCM sẽ vận hành tuyến metro số 1 và nghiên cứu mở rộng mạng lưới giao thông tuyến metro số 1 kết nối với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương; mở rộng mạng lưới xe buýt nhanh trong khu vực phía Đông, gắn kết với tuyến metro số 1. TPHCM sẽ nâng cao tỷ lệ người sử dụng giao thông công cộng tại khu vực và phát triển mạng lưới giao thông thủy.
Thứ hai, TPHCM tiếp tục các chương trình để làm cho môi trường sống tốt hơn; vận động trồng 1 triệu cây xanh tại TP Thủ Đức, mỗi khu dân cư, mỗi nhà, mỗi công trình đều có cây xanh và chính quyền sẽ vận động, hỗ trợ người dân cùng thực hiện. Phải làm cho TP Thủ Đức có sự chuyển động, người dân nhận thấy cuộc sống của mình có chuyển biến tốt hơn. Đó là mục tiêu hàng đầu.
Thứ ba, làm thay đổi nhanh chóng diện mạo TP Thủ Đức, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân thông qua triển khai xây dựng phát triển và kêu gọi đầu tư 8 trung tâm chức năng của đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TPHCM.
Thứ tư, là kết nối được các trụ cột tăng trưởng. Yếu tố cốt lõi của việc thành lập nên TP Thủ Đức nhằm tạo ra một hệ sinh thái đổi mới, sáng tạo, trên nền tảng kinh tế tri thức từ các trụ cột sẵn có. Đó là, xây dựng Đại học Quốc gia TPHCM thành Trung tâm công nghệ giáo dục; xây dựng Khu Công nghệ cao thành Trung tâm ứng dụng khoa học công nghệ; xây dựng Viện công nghệ tiên tiến và đổi mới sáng tạo; xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế. Điều đó sẽ giúp TPHCM nói chung và TP Thủ Đức nói riêng phát triển nhanh và bền vững, nâng cao chất lượng sống của người dân để từ đó có thể đóng góp nhiều hơn nữa cho cả nước.
Tôi tin rằng với một số tiềm năng, lợi thế lớn nêu trên, TP Thủ Đức sẽ đóng góp khoảng 30% GRDP của TPHCM và chiếm khoảng 7% GDP cả nước, tạo ra một động lực mới cho tăng trưởng nhanh và bền vững trong thời gian tới của TPHCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
-Việc đổi giấy tờ, thủ tục hành chính đối với người dân và doanh nghiệp trên địa bàn TP Thủ Đức sẽ được tạo thuận lợi ra sao?
-Các nội dung hướng dẫn chuyển đổi các loại giấy tờ, thủ tục hành chính đối với TP Thủ Đức được thông tin công khai. TPHCM không thu các loại lệ phí khi thực hiện do thay đổi địa giới đơn vị hành chính. Trường hợp người dân chưa có nhu cầu chuyển đổi thì các loại giấy tờ theo đơn vị hành chính cũ nếu chưa hết thời hạn theo quy định vẫn được tiếp tục sử dụng.
Ban Chỉ đạo rất mong nhận được sự chia sẻ từ người dân, các tổ chức đang hoạt động trên địa bàn TP Thủ Đức về những khó khăn, chậm trễ có thể phát sinh, xảy ra trong quá trình thực hiện chuyển đổi các loại giấy tờ do thay đổi đơn vị hành chính. Ban Chỉ đạo cũng sẽ thành lập Tổ công tác giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình chuyển đổi các loại giấy tờ, thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân.
-Xin cảm ơn đồng chí!